Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ tư, 2/5/2018, 00:00 (GMT+7)

Bernard Arnault - ông chủ ngành thời trang xa xỉ giàu nhất châu Âu

Bernard Arnault đứng sau những thương hiệu thời trang và các dòng sản phẩm hạng sang như Louis Vuitton, Fendi, Céline, Christian Dior, Givenchy, Marc Jacobs, Hennessy…

Nếu năm ngoái, ông chủ Zara Amancio Ortega là người giàu nhất châu Âu và xếp thứ 4 thế giới trong danh sách do Forbes công bố, thì năm nay, người đồng cấp cùng ngành thời trang của ông nhưng ở phân khúc xa xỉ Bernard Arnault trở thành “tân vương”.

Năm 2018, doanh nhân 69 tuổi - Bernard Arnault - người Pháp sở hữu khối tài sản 72 tỷ USD. Nhờ doanh thu kỷ lục năm ngoái của LVMH đã đưa ông lên vị trí cao hơn ông chủ Zara trong bảng xếp hạng năm nay. Năm 2017, người đàn ông này thậm chí không có tên trong top 10 do Forbes công bố.  

Bernard Arnault là Chủ tịch và CEO của LVMH, tập đoàn quy tụ hơn 70 thương hiệu xa xỉ nhất thế giới trong lĩnh vực thời trang, với doanh thu tăng trưởng 10% trong quý đầu năm nay.

Theo Forbes, tài sản của Arnault đã tăng 30,5 tỷ USD nhờ thương vụ chính thức mua lại Christian Dior với giá 13,1 tỷ USD vào tháng 4 năm ngoái. Nhờ đó, cổ phiếu của Dior cũng tăng 52%.

Ông chủ LVMH Bernard Arnault. Ảnh: CNN.

Ông chủ LVMH Bernard Arnault. Ảnh: CNN.

LVMH là một thế lực trong ngành thời trang, sở hữu các thương hiệu nổi tiếng như Louis Vuitton, Fendi, Céline, Christian Dior, Givenchy, Marc Jacobs… Công ty cũng đứng sau những thương hiệu mỹ phẩm và nước hoa, trong đó có Fenty Beauty by Rihanna của nữ ca sĩ nổi tiếng Rihanna mới ra mắt năm ngoái, mở bán online và tại 1.620 cửa hàng khắp thế giới.

Ngoài ra, tập đoàn này còn có nhiều công ty hoạt động ở những lĩnh vực khác, như chuỗi bán lẻ Sephora, cũng như các thương hiệu đồng hồ và đồ trang sức Tag Heuer, Bvlgari, các nhãn rượu.

Có thể nói một trong những sức mạnh lớn nhất của LVMH là Louis Vuitton. Theo Bloomberg, nhãn hàng này có doanh số vượt kỳ vọng trong quý đầu năm nay, với tăng trưởng sức mua chủ yếu đến từ thị trường Trung Quốc. Họ gây chú ý với show diễn ở bảo tàng Louvre, bổ nhiệm giám đốc nghệ thuật người Mỹ gốc Phi đầu tiên là nhà thiết kế nổi tiếng Virgil Abloh, chọn Kanye West làm giám đốc sáng tạo thời trang nam.

Người đứng sau LVMH xuất thân trong một gia đình có truyền thống kinh doanh. “Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm thứ gì khác”, Arnault nói. Năm 25 tuổi, sau 3 năm theo bố học hỏi việc kinh doanh được truyền từ đời ông nội, ông bắt đầu dần tiếp quản công việc ở doanh nghiệp gia đình.

Với tấm bằng kỹ sư tại Học viện Ecole Polytechnique, Arnault gia nhập ban đầu với vị trí kỹ sư, lên kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng và mở rộng công ty. Ông thuyết phục bố chuyển tập trung sang mảng bất động sản và tạo ra những dấu ấn đáng kể cho công ty dưới tên Férinel. Người đàn ông sinh năm 1949 trở thành CEO năm 1977 và kế vị bố trong vai trò chủ tịch hai năm sau đó.

Năm 1984, với sự giúp đỡ của một đối tác, Arnault mua lại Financière Agachem, trở thành giám đốc điều hành và nắm quyền kiểm soát công ty dệt may Boussac. Đây là những bước đi đầu tiên trong hành trình bành trướng ngành hàng xa xỉ của người đàn ông Pháp.

Năm 1993, công ty mua lại Berluti và Kenzo. Cùng năm, ông mua lại tờ báo kinh tế La Tribune, sau đó bán đi và tái đầu tư vào tờ báo chuyên về kinh doanh khác là Les Echos.

Trong những năm tiếp theo, doanh nhân tiếp tục củng cố sức mạnh khi mua lại hàng loạt thương hiệu thời trang như Givenchy, Guerlain, Marc Jacobs , Sephora, Emilio Pucci, Fendi, Loro Piana, Nicholas Kirkwood, Thomas Pink, R.M Williams, EDUN, Moynat và Donna Karen, cũng như trang sức với TAG Heuer, De Beers và Bulgari.

Người đàn ông này nhanh chóng lan tỏa sức mạnh vì nhìn thấy được sự tăng trưởng của giới nhà giàu thế giới. “Chúng tôi cố gắng xây dựng công ty lớn cùng các đối tác với tiêu chí các sản phẩm cao cấp và có chất lượng tốt nhất trong mỗi dòng hàng bán đi khắp thế giới”, Arnault nói trong chương trình Today Show năm 1987.

Tỷ phú thừa nhận ở thời điểm đó quyết định chuyển sang ngành hàng xa xỉ là mạo hiểm vì nó lớn hơn rất nhiều so với công ty nguyên bản của gia đình gầy dựng với chỉ khoảng 1.000 nhân viên lúc ông tiếp quản. Arnault trở thành Chủ tịch và CEO LVMH từ năm 1989, cũng là người giữ phần lớn cổ phiếu công ty.

Trong chương trình The Brave Ones của CNBC, doanh nhân nhắc đến công ty gia đình là chìa khóa thành công trong ngành xa xỉ. Theo ông, một công ty gia đình sẽ mang đến hai lợi thế. “Thứ nhất là bạn có thể suy nghĩ dài hạn. Ví dụ với Louis Vuitton, tôi không quan tâm lắm đến những con số của 6 tháng sau mà đó là sự kỳ vọng thương hiệu sẽ vẫn giữ được vị thế trong 10 năm tới”, ông giải thích.

Yếu tố thứ hai được CEO nhắc đến là thuận lợi trong tuyển người. Khi mọi người đến với LVMH có nghĩa họ đang gia nhập một gia đình. “Bạn không chỉ là một thành phần bé nhỏ trong cái gì đó to lớn, mà là một thành viên của gia đình và sẽ nhận được nhiều sự quan tâm hơn”, ông nói.

“Tôi rất ấn tượng mối quan hệ có sự gắn kết của Arnault với các con. Gia đình có ý nghĩa rất quan trọng với ông ấy. Ông luôn dành thời gian cho các con, điều mà rất nhiều người thường bỏ qua” - Marie Josee Kravis, thành viên hội đồng quản trị LVMH nhận xét.

Ông chủ hãng đồ xa xỉ thành tỷ phú giàu nhất châu Âu - 1

Vợ chồng Bernard Arnault và con trai, con dâu. Ảnh: Gabriel Bouys.

Antoine Arnault, con trai tỷ phú cũng đồng tình khi chia sẻ niềm đam mê thực sự của doanh nhân người Pháp là gia đình. “Tất nhiên, bố tôi cũng là một người nghiện công việc, ông làm rất nhiều và tìm thấy niềm vui trong công việc. Ông luôn đến văn phòng sớm vào mỗi buổi sáng, cũng là người gần như về muộn nhất. Bố chỉ đơn giản là tận hưởng, thích quản lý mọi người và đưa ra các quyết định”.

Người đứng sau đế chế đồ xa xỉ cho biết mỗi sáng khi đi làm ông đều nghĩ rằng hôm nay sẽ rất vui. Arnaurt không bao giờ thấy nhàm chán bởi tự nhận mình là một người thích cạnh tranh. “Giống như chơi quần vợt, tôi luôn muốn là người chiến thắng. Đó là niềm vui của tôi”.

Theo Time, trong tháng 4 năm nay, LVMH vừa ra mắt chương trình “La Maison des Startups” với mục đích giúp đỡ 50 doanh nghiệp đa quốc gia, bao gồm 89 trạm làm việc tại Station F - một không gian khởi nghiệp lớn tại Paris. Những startup tham gia sẽ có thể làm việc với công ty trong thời gian 6 tháng.

“Đổi mới là một phần không thể thiếu. Đó là lý do chúng tôi hiểu hơn bất cứ ai trong việc giúp đỡ startup và từ đó cũng mang lại lợi ích cho chính mình”, ông nói.

“Ông ấy không thích lặp lại chính mình và cũng không thích những thứ luôn giữ nguyên. Arnault là người luôn nghĩ đến những gì có thể xảy ra chứ không phải những gì đã xảy ra”, Anna Wintour, tổng biên tập tạp chí thời trang nổi tiếng Vogue Mỹ chia sẻ.

Như nhiều tỷ phú khác, Arnault cũng có hòn đảo riêng. Theo Wealth-X, nhà tiên phong trong lĩnh vực thời trang sở hữu hòn đảo Indigo ở Bahamas, có những biệt thự trên đỉnh đồi và các bến thuyền nhỏ cạnh những bờ biển tuyệt đẹp.

Arnault cũng có bộ sưu tập nghệ thuật phản ánh những giá trị ở kinh đô nghệ thuật Paris. Theo Bloomberg, ông cùng vợ là Helen Mercier - một nghệ sĩ piano sở hữu rất nhiều tác phẩm nổi tiếng của các nghệ sĩ như Pablo Picasso, Andy Warhol, Jean-Michel Basquiat, Damien Hirst và Maurizio Cattelan.

Ông cũng cho xây dựng Louis Vuitton Foundation - bảo tàng nghệ thuật và trung tâm văn hóa từ năm 2006 và chính thức ra mắt vào tháng 10/2014 với tổng số tiền đầu tư 143 triệu USD, được thiết kế bởi kiến trúc sư nổi tiếng Frank Gehry.

Louis Vuitton Foundation là một trong niềm tự hào của tỷ phú giàu thứ tư thế giới Bernard Arnault. Ảnh: Sergio Grazia.

Louis Vuitton Foundation là một trong niềm tự hào của tỷ phú giàu thứ tư thế giới Bernard Arnault. Ảnh: Sergio Grazia.

Dù bận rộn với nhiều dự án và niềm đam mê, vị CEO lại được biết đến là người không sử dụng email, ít nhất là từ năm 2014 đến nay. Ông chỉ dùng điện thoại để liên lạc nhưng cũng không bao giờ nhắn tin, khi nào cần thì sẽ chỉ nhấn nút gọi.

Arnault ít khi ăn ngoài và chỉ uống mỗi tuần vài lần dù sở hữu hàng loạt thương hiệu rượu nổi tiếng. “Tôi không bao giờ dùng điện thoại trong lúc ăn và nhìn vào nó mỗi khi theo dõi hòa nhạc hay quần vợt”, ông hé lộ về lối sống của mình.

CEO thừa nhận từng sai lầm vào những năm 2000 khi đầu tư vào vài công ty Internet và nhanh chóng bán đi. Tuy nhiên, ông lập tức khẳng định rằng: “Tôi không thích hối hận mà thích nhìn vào tương lai hơn. Tôi yêu thích việc chiến thắng và trở thành người số một là điều làm tôi say mê”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn với Telegraph.

Tỷ phú tin rằng việc kinh doanh sẽ trở nên thú vị khi đưa ra những quyết định mạo hiểm và nói rằng kiếm tiền không bao giờ là động lực của ông khi xây dựng công ty.

Chủ tịch và CEO Louis Vuitton Michael Burke - một người có thời gian dài làm việc với Arnault nhận định ông chủ LVMH là một người thích mơ và mơ những giấc mơ lớn. “Đôi lúc tôi cố gắng nói với ông là những giấc mơ đó quá lớn nhưng rõ ràng ông ấy đã đúng. Không có giấc mơ nào là quá lớn cả”.

Con trai tỷ phú giàu nhất châu Âu - Antoine Arnaurt nói với CNBC rằng nhiều người xem bố ông như một nhà tài chính giỏi, bộ óc chiến lược trong xây dựng một đế chế nhưng đó không phải là tất cả.

“Với tôi, sức mạnh lớn nhất của bố là có thể nói chuyện với những con người sáng tạo và đưa họ vào guồng quản trị của ông. Vấn đề không phải là việc tạo lợi nhuận, tăng doanh thu hay nhân rộng doanh nghiệp bởi đó là hiệu quả tất yếu. Tài năng thật sự của bố chính là làm việc với những bộ óc sáng tạo”.

Ở tuổi 69, nhiều người đặt câu hỏi về người kế nhiệm vai trò Chủ tịch và CEO của đế chế đồ xa xỉ thế giới. Arnaurt chưa tiết lộ nhưng khẳng định đó sẽ là một nhà quản trị giỏi, một người có khả năng tốt nhất trong gia đình của ông.

“Nhưng tôi nghĩ mình sẽ ở đây thêm vài năm nữa”, ông nói. Người đàn ông này vẫn chưa nghĩ đến việc dừng lại và giới hạn những giấc mơ lớn lao trong đời mình.

Trương Sanh (tổng hợp)