Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ năm, 12/10/2017, 08:38 (GMT+7)

Các sản phẩm làm từ nấm của bà chủ 8x hút vốn ngoại

Dự án kinh doanh chà bông (ruốc), giò làm từ nấm cho người ăn chay, huyết áp, tim mạch... của Hồng Vân thu hút nhà đầu tư trong, ngoài nước.

Trước khi khởi nghiệp với các sản phẩm chế biến từ nấm, Phạm Hồng Vân làm việc cho một khách sạn 5 sao tại Hà Nội và mở cửa hàng cà phê đồ ăn nhanh trên phố Nam Trung Yên (Hà Nội).

Năm 2006, bà của Vân mắc huyết áp cao và tim mạch, sức khỏe yếu, chế độ ăn cần thanh đạm, song, sau thời gian ăn chay trường, tình hình bệnh không giảm.

Cô gái sinh năm 1984 tham gia khóa học thiền hơn 3 năm. Trong thời gian ăn chay của khóa thiền định, nhờ vị sư phụ, cô biết nhiều hơn công dụng của các loại nấm đối với sức khỏe con người. Các sản phẩm từ nấm đã giúp thể trạng người bà tốt hơn trước. Năm 2010, Vân dành nhiều thời gian tìm hiểu về nấm và quyết định bỏ tất cả để khởi nghiệp với nấm.

Không chỉ với riêng bà, ruốc nấm trở thành món ăn ưa thích của cả gia đình cô gái Hà Nội. Hàng xóm, những người đến chơi tò mò ăn thử đều có phản hồi tích cực ngay lần đầu tiên. Người nhờ làm, người đặt mua ruốc nấm ngày càng nhiều. Dần dần, Vân cùng mẹ sáng tạo ra công thức của riêng mình.

Vân chủ yếu sản xuất chà bông nấm truyền thống (dành cho người ăn chay, ăn kiêng). Khi đó, khách hàng chủ yếu là hàng xóm, người thân quen. Khi thử bán trên một website thương mại điện tử đã có khách hàng vãng lai đặt mua. Ngoài bán trực tuyến, cô phát triển thêm nhiều kênh quảng bá khác như hội chợ, nhà hàng, tham gia các chuyến từ thiện...

Các sản phẩm dần đắt hàng nhờ sự truyền miệng của thực khách. Nhận thấy cần có sự phát triển bài bản, quy mô cho sản phẩm, năm 2013, Vân bắt tay làm dự án với tên gọi "Nấm Tươi Cười".

cac-san-phm-lam-tu-nam-cua-ba-chu-8x-hut-von-ngoai

Phạm Hồng Vân (ngoài cùng bên trái) cùng cộng sự tại nhà máy Nấm Tươi Cười.

Trước đó, Vân có làm 2 dự án về thực phẩm sạch và chế biến thủy sản. Có kinh nghiệm kinh doanh, nhưng Vân gặp không ít khó khăn như vốn eo hẹp, tìm kiếm nhà cung cấp nguyên liệu sạch, tự sản xuất, kỹ năng quản lý nhân sự... Chưa kể, đây là một trong số đơn vị đầu tiên trên thị trường sản xuất ruốc nấm. Sản phẩm không dễ tiếp cận tệp khách hàng mới, nhất là người có thu nhập cao.

Cô gái trẻ không ngừng học hỏi, tham gia khóa học, tiếp cận chuyên gia để có được sự hỗ trợ, tư vấn cần thiết, luôn chú trọng yếu tố con người và môi trường làm việc. Dần dần, dự án thu hút quan tâm và đồng hành của một số quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Cô có vốn để mua sắm trang thiết bị sản xuất, cải tiến chất lượng sản phẩm và mẫu mã cũng như mở rộng thị trường.

Trước áp lực cạnh tranh trên thị trường, Vân cho rằng: "Không có ai là đối thủ. Hiện thế giới phẳng. Tôi nghĩ họ là đối tác cũng phát triển kinh doanh như tôi. Mọi người luôn có điểm mạnh để tôi học hỏi và ngược lại. Chỉ cần làm tốt và tốt hơn nữa những gì đang làm", cô gái trẻ bộc bạch.

Riêng về nguyên liệu, cô mua của một số trại nấm tại miền Bắc và hợp tác với các trại nấm ở miền Nam. Tất cả đều được kiểm tra chất lượng bởi chuyên gia theo định kỳ. Một phần khác, cô nhập khẩu từ nước ngoài tại những vùng nguyên liệu đã được kiểm chứng về sản lượng và chất lượng.

Sau nhiều nỗ lực, Vân đã xây dựng được nhà máy sản xuất chế biến đạt tiêu chuẩn xuất khẩu tại Khu công nghiệp Hapro, xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Nhà máy cung cấp 5 loại chà bông nấm khác nhau và sản phẩm giò nấm. Một số sản phẩm khác do cô cùng cộng sự nghiên cứu và phát triển thành công, đang chờ thời điểm thích hợp để tung ra thị trường.

"Chúng tôi tập trung phát triển thị trường miền Nam, sau đó sẽ mở rộng ra cả nước và xuất sang châu Á", nữ CEO cho hay.

Trước mắt, Vân phân phối sản phẩm qua hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch, chuỗi nhà hàng và cho cộng đồng Việt kiều tại một số nước.

Hiện, startup của cô gái trẻ đã tiêu thụ gần một triệu sản phẩm với 230 điểm bán lẻ, 7 nhà phân phối, và dữ liệu của 800 người tiêu dùng cuối thân thuộc. Vân tạo thêm thu nhập cho 20 người khuyết tật, 10 người phụ nữ khó khăn. Dự án tiếp tục nhận được sự hỗ trợ và đầu tư từ 3 quỹ tại Mỹ và hậu thuẫn từ 3 tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước.

Khách hàng của Nấm Tươi Cười đa số là người thành thị, thu nhập cao. 85% người mua là nữ, độ tuổi 25-55. Ngoài ra còn có người ăn chay, ăn kiêng vì bệnh tiểu đường, huyết áp cao, tim mạch, giảm cân và chống lão hóa tuổi tác... hoặc có cuộc sống bận rộn, hay di chuyển. Không ít khách hàng mua sản phẩm làm quà biếu, quà tặng.

Nhìn lại chặng đường khởi nghiệp của mình, nữ CEO cho rằng, thành công lớn nhất của dự án chính là tạo ra lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm. Đó là lợi thế đi đầu, ứng dụng khoa học công nghệ và kỹ thuật trong nuôi trồng nấm sử dụng dược liệu, thảo dược, bí quyết công thức, đội ngũ nhân sự, mạng lưới chuỗi cung ứng trong lĩnh vực...

Cô và cộng sự đang xúc tiến kế hoạch triển khai vùng nguyên liệu tại Việt Nam theo phương thức hợp tác chiến lược với đối tác để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, tạo thu nhập cho người nông dân.

Với mục tiêu trở thành thương hiệu mạnh dẫn đầu tại thị trường nội địa và vươn ra toàn cầu, Vân phân phối theo hướng B2B, B2C cả online và offline.

Các sản phẩm sẽ có mặt tại siêu thị hoặc cửa hàng tiện ích, chùa, quà biếu tặng... Trên kênh online, cô đang đàm phán với các đối tác thương mại điện tử lớn trong nước (Adayroi, Lazada, Tiki..) và ngoài nước (Amazon, Ebay...) để sản phẩm có cơ hội vươn ra thị trường quốc tế.

Thanh Thư

Dự án Nấm Tươi Cười nằm trong Top 25 đơn vị nổi bật của chương trình bình chọn Startup Việt 2017 do VnExpress tổ chức. Phạm Hồng Vân thuộc nhóm 13% startup có phụ nữ làm sáng lập và đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành.

Chương trình đang ở vòng bình chọn của độc giả và Hội đồng chuyên môn. Đêm chung kết diễn ra vào ngày 24/10 tại Hà Nội. Tại đây, 5 startup nổi bật sẽ được lựa chọn để thuyết trình trực tiếp trước Hội đồng chuyên môn, giành danh hiệu Startup Việt 2017.

Chương trình có sự đồng hành của Công ty CP Tập đoàn Asanzo và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK).