Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ bảy, 24/12/2016, 09:00 (GMT+7)

Cuộc cách mạng kinh doanh của bà Ba Huân

Vẫn luôn giữ phong cách của một nông dân vài chục năm qua, nhưng bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty Ba Huân đang thật sự làm một cuộc “lột xác” trong kinh doanh để sải bước đến tầm vóc mới.

Nữ nông dân quốc tế

Ngày 17/10, tại Bangkok (Thái Lan), Cơ quan Đại diện của FAO khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FAO/RAP) đã trao tặng giải thưởng “Nông dân điển hình” quốc tế cho 5 nông dân được lựa chọn từ 45 quốc gia. Việt Nam có bà Phạm Thị Huân (tức Ba Huân), Tổng giám đốc Công ty Ba Huân -  nữ “nông dân” Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng này.

Đánh giá về giải thưởng của FAO, đại diện Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, trong danh sách ban đầu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có tên nhiều nông dân theo tiêu chí phục vụ sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Qua nhiều thảo luận, bà Phạm Thị Huân đã được chọn nhờ trong suốt nhiều năm liền đã nỗ lực phát triển chăn nuôi vịt chạy đồng, đưa giống vịt mới có chất lượng cao hơn vào cho người nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long chăn nuôi để cho năng suất cao hơn. Điều đặc biệt, những năm gần đây, bà Huân đã đưa giống vịt biển với sức đề kháng cao và chịu được mặn vào trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ vậy, từ vùng chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu như xâm nhập mặn, gây thất thu với nông dân trồng lúa thì giờ đây người nông dân có thể dựa vào con vịt chạy đồng để bù đắp những thiệt hại do năng suất lúa giảm hoặc không thể trồng lúa vì độ mặn cao.

Theo chuyên gia tại FAO/RAP, giải thưởng này một năm được trao một lần, năm nay FAO/RAP tuyển lựa kỹ và xét duyệt nhiều vòng từ rất nhiều nông dân của 45 quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu thì phương thức sản xuất và kinh doanh của bà Phạm Thị Huân đã có tác dụng chống chọi, thích ứng rất tốt với biến đổi khí hậu. Những nỗ lực đó đã giúp cho rất nhiều người dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nâng cao được nội lực ứng phó, giảm thiểu được những tác hại do biến đổi khí hậu.

cuoc-cach-mang-kinh-doanh-cua-ba-ba-huan

Bà Phạm Thị Huân đón tiếp lãnh đạo TP HCM xuống thăm khu liên hợp chăn nuôi ở Bình Dương.

Chia sẻ khi nhận giải thưởng, bà Ba Huân bộc bạch: “Quê tôi ở xã Thanh Vĩnh Đông, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Gia đình tôi có đông anh em. Tôi là con thứ trong gia đình nên gọi là Ba Huân. Từ bé tôi đã phụ mẹ chạy chợ, thu gom trứng của những hộ nông dân nuôi vịt quanh gia đình mình rồi đi bộ gánh lên thành phố tiêu thụ. Sau này, Nhà nước tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển. Cơ quan quản lý không còn nắm giữ ngành trứng nữa, tôi thành lập doanh nghiệp rồi công ty và phát triển dần tới như ngày hôm nay. Trong chuỗi liên kết 4 nhà chăn nuôi an toàn sinh học của chúng tôi, người nông dân được hỗ trợ về vốn, con giống, kỹ thuật phòng chống dịch bệnh, được bao tiêu đầu ra toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định. Chúng tôi mong muốn đời sống của bà con nông dân ngày càng khấm khá, ổn định”.

Cuộc ‘cách mạng trứng’

Trên thị trường trứng gia cầm, tên tuổi bà Ba Huân không còn xa lạ với người tiêu dùng khi đang chiếm một thị phần lớn. Còn với người nông dân, bà chủ doanh nghiệp trứng bao năm qua hầu như không thay đổi, vẫn giữ nguyên vẻ chân chất từ cách nói, cách làm. Nhưng người nữ “doanh nhân nông dân này” đang thật sự làm một cuộc cách mạng trong kinh doanh khi quyết định bỏ cung cách làm ăn cũ để đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhập công nghệ làm trứng sạch của châu Âu.

Theo đó, quy trình xử lý qua dây chuyền công nghệ Hà Lan của Ba Huân bao gồm: 2 lần rửa bằng nước sạch, sấy khô, soi loại bỏ trứng hỏng, vỡ, chiếu tia UV diệt khuẩn 99% rồi phủ lên một lớp dầu bảo vệ trứng. Tiếp đến trứng được in số hiệu để có thể truy xuất nguồn gốc và đóng hộp.  

Nhưng dấu ấn đột phá mà Ba Huân hướng tới chính là khu chăn nuôi công nghệ cao theo quy trình châu Âu có tổng diện tích 18ha, tổng đầu tư 320 tỷ đồng, gồm 22 trại gà, trong đó có 17 trại gà đẻ trứng (với tổng sản lượng 500.000 con gà, cung cấp 400.000 quả trứng một ngày), 3 trại gà hậu bị và 2 trại gà giống. Tất cả quy trình đều tự động hóa, từ cung cấp thức ăn, gom thức ăn thừa đến thu trứng, thu phân… Công ty Ba Huân còn đầu tư một nhà máy chế biến thức ăn trong khu này để tạo thành quy trình khép kín.

Để có được sự “lột xác” của ngày hôm nay, bà Ba Huân đã từng đánh cược “sinh mệnh” của công ty mình. Tiếp quản công việc kinh doanh từ cha mẹ, bà cũng đi bán trứng như mọi người, bắt đầu từ việc mở sạp ở các chợ lớn TP HCM và cung cấp trứng cho các xưởng làm bánh ngọt trong vùng. Những vỉ trứng thời 1990 - 2000 không có tên tuổi, thương hiệu, bán trong những giỏ cần xé, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không ai đảm bảo. Rồi khi dịch cúm gia cầm năm 2003 và sau đó là năm 2005 đến, đã “thổi bay” tất cả người chăn nuôi gia cầm, trong đó có công ty Ba Huân. Người tiêu dùng quay lưng lại với quả trứng, công ty Ba Huân…gần như phá sản vì một thời gian dài không bán được trứng.

 “Trong khi đó trứng của công ty CP lại bán được giá cao và bán rất chạy. Khi đó tôi bừng tỉnh và hiểu mình cần phải làm gì”, bà Ba Huân nhớ lại. Thế là bà bắt đầu làm lại từ đầu với một cách thức hoàn toàn mới. Bà bán tất cả sản nghiệp còn lại, vay mượn, gom góp thêm và một thân một mình đi khắp các châu lục để tìm cho bằng được công nghệ mới phục hồi ngành gia cầm.

Dàn thiết bị xử lý trứng gia cầm của MOBA Hà Lan đứng số 1 thế giới cho đến nay được bà Phạm Thị Huân nhập về Việt Nam để làm “một cuộc cách mạng” cho ngành trứng gia cầm khi biến quả trứng vốn được xem là thành phẩm theo truyền thống bao đời nay trở thành nguyên liệu cho chuỗi xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà đã xây nên nhà máy đầu tiên của mình, với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, tại Bình Chánh, TP HCM vào năm 2006, có quy trình xử lý trứng gia cầm hiện đại, tự động hóa 100%.  

Tiếp đó, Công ty Ba Huân chính thức làm cầu nối liên kết 4 nhà: khoa học, chính quyền, ngân hàng và nông dân để bước vào quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, tạo nguồn thực phẩm an toàn cho cộng đồng. Công ty đã trực tiếp hỗ trợ nông dân về vốn và kỹ thuật, ngoài ra còn đầu tư xây dựng các trang trại chăn nuôi, nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi để cung ứng giống và thức ăn chăn nuôi cho nông dân. Các nguồn giống đều đảm bảo chất lượng, đã được công ty thử nghiệm trước mới giao đến tay người nông dân.

Sự đột phá của Ba Huân đã lấy lại được niềm tin của người tiêu dùng, không những thế còn rộng đường thâm nhập vào các siêu thị lớn, các doanh nghiệp thực phẩm và được UBND TP HCM tin tưởng giao cho chương trình bình ổn giá trứng trên địa bàn thành phố. Tiếp đó, khu liên hợp chăn nuôi ở Tân Uyên, Bình Dương rồi nhà máy thực phẩm Ba Huân ở Long An lần lượt ra đời giúp Ba Huân hoàn thiện thêm quy trình khép kín của mình và làm phong phú, đa dạng hơn các sản phẩm cung cấp ra thị trường. Không chỉ có trứng, Ba Huân còn cung cấp thịt gà tươi, lạp xưởng  xúc xích, chà bông gà,  trứng gà, cút, vịt luộc, bột trứng, bánh flan, một số sản phẩm ăn nhanh từ thịt gà.

VnExpress đang tổ chức chương trình bình chọn "Startup Việt - Sải bước thành công" nhằm tìm ra 18 Startup Việt Nam nổi bật trong năm để góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, vinh danh những mô hình kinh doanh đột phá, phát triển bền vững và hữu ích về kinh tế - xã hội.

Lan Phương