Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ tư, 12/7/2017, 05:00 (GMT+7)

Cuộc lội ngược dòng của cựu du học sinh Nga

James Dương Nguyễn mất nửa năm tìm khách hàng đầu tiên và đưa con số này lên 1.000 sau đúng 10 năm trở về tiếp cận thị trường Việt Nam.

Tốt nghiệp cao học ngành Công nghệ phần mềm & Điều khiển hệ thống (Đại học Kỹ thuật Quốc gia Moscow Bauman, Nga) vào năm 2007, James Dương Nguyễn được một trong những thương hiệu có tiếng về tư vấn và triển khai giải pháp quản lý cho ngành bán lẻ, nhà hàng và khách sạn cử về nước phát triển thị trường mới.

Hành trình khởi nghiệp của Dương không giống những startup khác bởi xuất phát điểm là đại diện thương hiệu tại Việt Nam nên anh không mất thời gian lên ý tưởng, phát triển sản phẩm… mà chỉ dồn sức xây dựng và thực hiện chiến lược đưa sản phẩm sẵn có tiếp cận một thị trường non trẻ, nhưng không kém phần khó tính.

“Nghe có vẻ dễ dàng, nhưng thực tế tôi cũng trải qua quãng thời gian lao động cật lực cả ngày lẫn đêm, hy sinh rất nhiều thứ để chạm vào vị trí này”, Dương chia sẻ.

cuoc-loi-nguoc-dong-cua-cuu-du-hoc-sinh-nga

James Dương Nguyễn hiện là CEO công ty tư vấn và triển khai giải pháp phần mềm Dcorp R-Keeper Vietnam.

Những ngày đầu tại thủ đô Moscow, vì nguồn học bổng hạn hẹp (khoảng 200 USD một tháng) và thường xuyên trễ hẹn thanh toán, trong khi chi phí sinh hoạt đắt đỏ nên Dương chủ động tìm lớp dạy thêm. Gần một năm sau, anh tập hợp sinh viên đồng hương để tổ chức trung tâm gia sư và dịch vụ tin học phục vụ cộng đồng người Việt sinh sống tại đây.

Song song với việc đi học và điều phối trung tâm, Dương còn phụ trách công việc quản trị hệ thống phần mềm bán hàng và xử lý số liệu cho một chuỗi nhà hàng Nhật Bản.

Đặc thù công việc mới buộc Dương thức dậy rất sớm để đến văn phòng kiểm tra số liệu trước khi các bộ phận khác bắt đầu giờ làm việc. “Những ngày mùa đông, có những hôm nhiệt độ xuống tới âm 40 độ, khoảng 10h sáng mặt trời mới lên nhưng tôi vẫn phải cuốc bộ ra tàu điện ngầm lúc 6h khi chỉ có những ánh đèn đường leo lét không một bóng người và kết thúc công việc lúc 9h cùng ngày, rồi trở về trường để lên lớp học bình thường", cựu du học sinh nhớ lại.

Vào các buổi chiều và tối thì ngoài việc lên thư viện ngồi nghiên cứu, Dương vẫn tiếp tục tham gia vận hành hoạt động của trung tâm gia sư và trung tâm tin học, mang lại việc làm cho cả chục bạn bè sinh viên Việt Nam, hỗ trợ triển khai, lắp đặt và đào tạo kiến thức và thiết bị công nghệ thông tin cho hàng nghìn gia đình người Việt đang làm ăn tại Moscow.

Dương chia sẻ, anh gần như không có thời gian tham gia bất kỳ hoạt động vui chơi, giải trí nào như các bạn sinh viên khác. Thời gian ngoài việc học thì anh luôn kín mít với việc làm thêm và hoạt động kinh doanh. Các công việc đòi hỏi phải đi tới tất cả những nơi có người Việt sinh sống tại Moscow, trong đó có cả những khu chung cư ở xa trung tâm, xa đường lớn, tiềm ẩn rủi ro rất lớn về an ninh. Dương đã không dưới 5 lần phải trực tiếp chống chọi và thoát thân từ các cuộc vây đánh của nhóm thanh niên cực đoan (hooligan).

Chính nhờ những công việc tưởng chừng tạm bợ trong thời gian du học lại mang đến cho Dương nguồn thu nhập ổn định, khiến khó khăn tài chính dần được cởi bỏ. Trung bình mỗi tháng anh kiếm khoảng trên 3.000 USD, số tiền có thể đáp ứng điều kiện sống “vương giả” so với bạn bè và không cần quan tâm đến học bổng.

Sau một thời gian trở thành người đại diện chuỗi nhà hàng làm việc với đối tác cung cấp phần mềm, Dương tạo dựng mối quan hệ thân thiết và được mời về làm cộng sự phát triển những dự án lớn tại Cộng hoà Czech, Đức… Đây chính là đơn vị chủ quản của công ty anh đang giữ chức Tổng giám đốc tại Việt Nam hiện nay.

Trở về nước sau 7 năm xa quê, Dương đánh giá thách thức lớn nhất là phổ biến cho thị trường hiểu việc ứng dụng hệ thống phần mềm trong quản trị doanh nghiệp là cần thiết. Anh cùng một đồng nghiệp bắt tay vào tuyển dụng, tìm khách hàng và đào tạo thị trường từ việc đơn giản nhất là phát tờ rơi và đề nghị nhà hàng, khách sạn tại TP HCM dùng thử nhưng liên tiếp bị từ chối trong giai đoạn nửa năm đầu.

“Khi đó, phần mềm quản lý nhà hàng, khách sạn không phải điều gì mới mẻ nhưng nó chỉ dừng lại với tính năng đơn giản là in hoá đơn, chứ chưa phải một hệ thống tự động hoá nghiệp vụ. Chúng tôi phải giải thích để mọi người hiểu mình không bán một chiếc máy tính tiền, mà là một giải pháp quản trị toàn diện. Phía sau chiếc máy đó là hệ thống báo cáo, phân tích cho ra các chỉ số về doanh thu, lợi nhuận, tồn kho và kiểm soát chuỗi nghiệp vụ của toàn bộ các nhân sự trong hệ thống kinh doanh… Thế nhưng, không một doanh nghiệp nào dám bỏ ra tối thiểu 100 triệu đồng để lắp đặt hệ thống này cho mỗi điểm bán hàng”, Dương nhắc lại.  

Cùng thời điểm đó, một số công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực này cũng phát triển chi nhánh tại Việt Nam, nhưng chỉ sau thời gian ngắn đều rút lui do kinh doanh bết bát và không đủ kiên nhẫn bám trụ thị trường.

Từ khi có những khách hàng đầu tiên, công việc của Dương càng trở nên nặng nề hơn. Anh cáng đáng mọi đầu việc lớn nhỏ, từ điều hành đội ngũ nhân sự, hỗ trợ khách hàng đến hoạch định chiến lược mở rộng hoạt động sang các nước trong khu vực.

Dương kể, có những đêm đang ngủ nhưng khách hàng gọi đến thắc mắc lý do hệ thống không chốt được số liệu kinh doanh cuối ngày là anh phải bật dậy, chạy xe tới tận nơi để hỗ trợ; hoặc một vài trường hợp hợp tác nhưng không đồng ý kế thừa hệ thống đã chuẩn hoá mà muốn thay đổi theo quan điểm cá nhân, dù điều này không hoàn toàn có lợi cho họ nếu nhìn dưới góc độ chuyên môn.

Sau hơn 10 năm “đánh vật” với thị trường, công ty Dcorp R-Keeper với 70 nhân viên do Dương lãnh đạo trở thành đơn vị có tiếng về tư vấn và triển khai giải pháp phần mềm quản lý ngành bán lẻ, nhà hàng và khách sạn cho hơn 1.000 đối tác trải dọc khắp cả nước, trong đó có các tên tuổi như: Golden Gate, Wrap & Roll, QSR Vietnam... Ngoài ra, công ty còn là đối tác chuyển giao công nghệ của các giải pháp công nghệ thông tin quốc tế không có văn phòng tại Việt Nam.

Phương Đông