Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ năm, 31/7/2014, 17:16 (GMT+7)

Những sinh viên tay không khởi nghiệp

Cùng chung xuất phát điểm vốn ít, thiếu kinh nghiệm, nhưng thừa khát khao, 3 mô hình kinh doanh của những sinh viên vừa rời ghế nhà trường hứa hẹn đầy tiềm năng.

KVL’s hotdog từ doanh thu 20 triệu lên 200 triệu 

KN-1-JPG-3574-1406794190.jpg

Tốt nghiệp khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP HCM), 3 chàng trai Đặng Ngọc Vũ, Nguyễn Văn Lợi và Nguyễn Văn Duy Khang bất ngờ có ý tưởng cùng nhau làm thêm tại một cửa hàng tiện lợi với thực đơn chủ yếu là bánh mỳ hotdog. Nhận thấy món ăn này mang đậm phong cách Mỹ và hơi khó ăn nên cả nhóm nảy ra ý tưởng tạo ra một sản phẩm bánh mỳ hoàn toàn mới, phù hợp hơn với khách hàng Việt Nam.

Dự định ban đầu là thuê mặt bằng cố định, nhưng nguồn vốn chỉ có tầm 50 triệu đồng, cả 3 quyết định chọn hình thức kinh doanh dạng chuỗi quầy thức ăn nhanh.

Trước hết là phải có một chiếc xe đẩy. Nhưng với giá 15 triệu đồng, nhóm quyết định tìm đến những cửa hàng thanh lý xe cũ mua về và “tu bổ” lại. Từ việc chọn ra màu sắc phù hợp, sáng tạo logo, slogan đến thiết kế xe phải gọn gàng và tiện lợi… đều được nhóm tự mày mò hoàn tất.

Tiếp đến là tìm nguồn cung sản phẩm, đòi hỏi phải là những thương hiệu uy tín và sẵn sàng cung cấp sản phẩm với mẫu mã và chất lượng theo yêu cầu riêng để tạo sự khác biệt. “Cả nhóm chủ động tìm đến nhà cung cấp để trình bày ý tưởng cũng như tính khả thi của dự án. Bên cạnh đó, 3 đứa còn mời họ trực tiếp đến tìm hiểu mô hình kinh doanh để tiến tới những thỏa thuận về sản phẩm cũng như có sự hỗ trợ ban đầu về cơ sở vật chất", Vũ chia sẻ.

Tháng 9/2013, quầy hàng đầu tiên ra đời. Ngay trong tháng đầu, doanh thu đã đạt  gần 20 triệu đồng. Khởi điểm với 3 người, sau gần một năm phát triển, số lượng nhân viên hiện tại của dự án xấp xỉ con số 40. Hiện nay, với 5 quầy hàng đặt tại khu vực thuê gần các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn quận 9, Thủ Đức, huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương), tổng doanh thu mỗi tháng nhóm thu về khoảng 200 triệu.

“Trong giai đoạn đầu, có thời điểm cả đám thức tới gần sáng để chuẩn bị mọi thứ. Nhớ nhất là ngày khai trương, 3 thằng thức dậy từ 3h sáng để đẩy xe hàng đi bộ hơn 3km tới địa điểm bán. Bên cạnh đó là đối mặt với sự hoài nghi của bạn bè, người thân về triển vọng thành công của mô hình này”, Lợi chia sẻ.

Kỹ sư nông nghiệp tự làm thương hiệu sữa tươi

KN3-JPG-5856-1406794190.jpg

Tốt nghiệp trường Đại học Nông lâm TP HCM năm 2013, nhưng niềm đam mê kinh doanh của Nguyễn Thanh Tâm đã bắt đầu nhen nhóm từ năm lớp 12 với mô hình Hồ Thủy Sinh nhân tạo. Trở về nước sau 4 tháng tu nghiệp bên Isarel về kỹ thuật nuôi trồng, tháng 2/2014, Tâm bắt đầu hành trình khởi nghiệp bằng mô hình tự chế và phân phối sản phẩm sữa tươi nguyên chất lấy tên gọi Aquamilk.

Dự định ban đầu làm với quy mô nhỏ nên Tâm chỉ chuẩn bị 30 triệu đồng tiền vốn. Tuy nhiên, do đòi hỏi của ngành nghề phải có cơ sở vật chất đảm bảo nên số tiền đầu tư tăng dần lên 150 triệu đồng. Tâm quyết định huy động từ bạn bè, người thân. “Vì được mọi người tin tưởng nên khi tôi đề cập đến ý tưởng và sự quyết tâm của mình thì ai cũng ủng hộ”, Tâm nói.

Vốn đã có, việc tiếp theo là phải chế biến sữa như thế nào để đảm bảo chất lượng. Những ngày đầu, việc chế biến sữa tươi gặp nhiều khó khăn vì Tâm chưa tìm ra được công thức phù hợp, nhiều khi nấu ra rồi lại phải đem đi đổ. Đến khi chế biến được thành phẩm ưng ý thì lại không ai dám dùng. “Tôi đem từng chai sữa cho bạn bè, người thân dùng thử. Ban đầu, mọi người còn dè dặt chưa dám uống, nhưng tôi thuyết phục mãi, cuối cùng họ cũng uống và… khen ngon”, Tâm cho biết.

Để tạo niềm tin cho người dùng, mỗi tháng Tâm đều đem mẫu sản phẩm của mình đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để kiểm định. Sản phẩm đã ổn nhưng vấn đề là làm cách nào để tiếp cận được người tiêu dùng. “Mấu chốt chính là niềm tin. Phải tin ở bản thân mình và tin vào chất lượng sản phẩm”, Tâm khẳng định.

Đầu tiên, anh chàng nhờ bạn bè, người thân giới thiệu thêm nhiều khách hàng mới. Kế đến, để sản phẩm được nằm trên kệ của các quán ăn, quán nước, quán cà phê… Tâm dùng hình thức chào hàng trực tiếp. “Khó khăn là nhiều nơi không cho mình cơ hội được giới thiệu sản phẩm. Có khi vừa ôm thùng sữa vào quán là bị từ chối ngay lập tức. Nhiều lúc tôi nản chí vô cùng, nhưng kiên trì học cách thuyết phục, giới thiệu những ưu điểm của sản phẩm nên dần dần được nhiều nơi chấp nhận lấy hàng bán thử cho khách”, Tâm bộc bạch.

Hiện nay, mỗi ngày Tâm phân phối sản phẩm cho khoảng 30 đại lý trên địa bàn các quận Phú Nhuận, Bình Thạnh… Ngoài ra, Tâm còn áp dụng hình thức phân phối lẻ sản phẩm theo kiểu khách hàng gọi thì mình trực tiếp mang tới. Với giá trung bình một chai sữa (330ml) 10.000-12.000 đồng, mỗi ngày Tâm và 3 người bạn của mình bán ra ngoài khoảng gần 300 chai.

Cử nhân báo chí mê kinh doanh khăn rằn

KN-2-JPG-1323-1406794190.jpg

Từ chiếc khăn được tặng hồi còn là sinh viên năm nhất trong một lần tham gia Xuân tình nguyện tại vùng biên giới Tịnh Biên, tỉnh An Giang, Nguyễn Hữu Nghĩa dần trở thành người cung cấp khăn rằn khi nhiều năm sau đó liên tục mang về cho bạn bè những chiếc khăn từ miền Tây mỗi khi có dịp đến vùng đất này.

Ra trường năm 2009 và có công việc ổn định. Tuy nhiên, vào thời gian rảnh, cựu sinh viên ngành báo chí vẫn tiếp tục bán khăn để thỏa niềm yêu thích. Việc kinh doanh chính thức của Nghĩa bắt đầu từ năm 2012 bằng hình thức online. 2 năm sau, cửa hàng “khăn rằn ứng dụng” ra đời.

Nguồn vốn ban đầu cần khoảng 40 triệu đồng, trong đó chi phí thuê mặt bằng và thiết kế cửa hàng tốn 20 triệu. Còn lại 20 triệu để đầu tư mua khăn và các sản phẩm khác. Với số tiền tự có 15 triệu, Nghĩa phải mượn thêm gia đình để mở shop.

Nghĩa cho biết ngày đầu không ai ủng hộ vì mọi người nghĩ anh điên khi mở cửa hàng ra bán mỗi khăn, mà lại là khăn rằn. Vấn đề kế tiếp là sản phẩm phải đa dạng. Muốn vậy phải có nguồn hàng. Thấy bạn bè ai có những loại khăn đẹp là Nghĩa tìm hiểu xem họ mua ở đâu, rồi đến tận các làng dệt xa xôi ở các địa phương để đặt hàng mang về. Bên cạnh đó, anh còn tận tay đi lấy hàng ở Thái Lan và Campuchia. “Khổ nỗi là người ta không hiểu được màu sắc của các loại khăn, không dùng email, vốn tiếng Anh không đủ để nói chuyện được nhiều. Vì vậy, mình phải trực tiếp qua đó tìm nguồn hàng. Mỗi lần lấy hàng là phải đặt trước rồi qua đó nhờ công ty họ chuyển về Việt Nam”.

Hiện tại, shop có 5 dòng khăn và 11 loại. Ngoài khăn rằn Nam Bộ đóng vai trò chủ lực, tại đây còn có khăn của Thái Lan, Campuchia, khăn vuông Ả Rập... Sau hơn nửa năm hoạt động, hiện trung bình mỗi tháng shop của Nghĩa bán được tầm 1.000 chiếc khăn các loại, doanh thu khoảng 26 triệu đồng, lợi nhuận 13-16 triệu.

Nghĩa cho biết đã có một số nơi ngỏ ý hợp tác kinh doanh để mở các chi nhánh ngoài miền Trung và Hà Nội, nhưng vì khâu quản lý còn khó, bên cạnh đó phải đảm bảo được nguồn khăn, mẫu mã thật đầy đủ và đa dạng, nên chưa triển khai được. “Sắp tới tôi sẽ đặt thêm nhiều mẫu khăn truyền thống Nam Bộ với màu sắc riêng, sưu tập thêm nhiều mẫu khăn mới ở trong nước và trên thế giới, đồng thời hoàn thiện thêm hệ thống giao hàng”, chàng trai đến từ Thái Bình dự tính.

Duy Vương