Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ tư, 21/9/2016, 14:03 (GMT+7)

Start-up Việt vẫn tắc nhất khâu gọi vốn

Khó khăn trong thu hút vốn trong nước để khởi nghiệp khiến nhiều start-up Việt Nam đã thành lập công ty ở nước ngoài như Singapore, Hong Kong… để có thể gọi vốn thuận lợi hơn.

Câu chuyện về vốn cho các start-up trong giai đoạn tăng tốc khởi nghiệp được các chuyên gia đến từ Israel, Việt Nam và đại diện các doanh nghiệp khởi nghiệp bàn thảo sôi nổi tại hội thảo quốc tế "Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel", do UBND thành phố Hà Nội, Đại sứ quán Isarel và Tập đoàn FPT tổ chức sáng 21/9.

Phát biểu tại hội thảo, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định chủ trương của Đảng, Chính phủ là coi trọng doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Việc còn lại là phải xây dựng thể chế, chính sách như thế nào, công động doanh nghiệp, xã hội phải làm gì để chủ trương đó đi vào cuộc sống

Theo lãnh đạo Chính phủ, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ các chuyên gia Israel về việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào các nhóm chính sách cụ thể của Chính phủ, thể chế vận hành của cộng đồng start-up tại một số ngành nghề chủ đạo… “Chính phủ cam kết hỗ trợ với hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam nhằm tạo dựng một quốc gia khởi nghiệp”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Chia sẻ tại hội thảo với tư cách là một trong những start-up thành công, ông Nguyễn Hoà Bình - Giám đốc Công ty Peacesoft nhìn nhận, môi trường khởi nghiệp hiện đã tốt hơn nhiều so với thời điểm cách đây 15 năm – thời kỳ Peacesoft manh nha và nhận được đồng vốn đầu tư đầu tiên từ một quỹ đầu tư mạo hiểm.

start-up-viet-van-tac-nhat-khau-goi-von

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khuyến khích các start-up, nhà đầu tư đề xuất chính sách trực tiếp lên Chính phủ, Thủ tướng. Ảnh: VGP

Kể lại câu chuyện "đứa con cưng" Voice chat do đội ngũ của mình sáng tạo nhưng đã nhanh chóng "chết yểu" do không tìm được nhà đầu tư rót vốn, vị Giám đốc Peacesoft vẫn tỏ ra tiếc nuối, "ngoài cơ hội, môi trường thì vốn là yếu tố then chốt, quyết định doanh nghiệp khởi nghiệp thành công hay thất bại".

Tại sự kiện, Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA) đã chính thức ra mắt website và tuyển các start-up công nghệ trong khu vực Đông Nam Á.

Trong một tháng (21/9 – 20/10), các start-up sẽ đăng ký và nộp hồ sơ tại website viisa.vn. 10 start-up được chọn sẽ được đội ngũ cố vấn của VIISA đào tạo trong 4 tháng (trong đó có một tháng đào tạo trực tuyến và 3 tháng đào tạo trực tiếp). Mỗi start-up dự kiến được rót từ 15.000 USD cho đến 5% giá trị định giá công ty trong suốt quá trình đào tạo và đến khi tốt nghiệp; được hỗ trợ về văn phòng, nguồn lực kỹ thuật, dịch vụ kế toán…

Các start-up hoàn thành xuất sắc chương trình đào tạo của VIISA sẽ được trình bày ý tưởng cho các nhà đầu tư để gọi số vốn ban đầu lên đến 500.000 USD tại Demo Day (dự kiến diễn ra trong tháng 3/2017). Hiện VIISA đang hoạt động với 4 nhà đầu tư chính là FPT, Dragon Capital Group, Hanwha (Hàn Quốc) và Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV. Phía FPT sẽ hỗ trợ tư vấn chuyên môn về giải pháp công nghệ. Dragon Capital Group sẽ cung cấp chuyên môn về tài chính và đầu tư.

Ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường & doanh nghiệp (Bộ Khoa học & Công nghệ) đồng tình, vốn luôn là điều kiện tiên quyết với bất kỳ một start-up nào. Hiện cũng có hơn 20 quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần ngoại đến Việt Nam, nhưng hầu hết trong số này chỉ mở văn phòng đại diện để “quan sát”.

Các quỹ này hầu hết không đầu tư từ giai đoạn đầu, không đầu tư nhỏ mà chỉ nhắm tới những dự án có quy mô từ vài trăm nghìn USD trở lên. Mỗi năm chỉ khoảng 10 doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam “lọt vào tầm mắt” của số quỹ đầu tư mạo hiểm ngoại, trong khi nhu cầu vốn của các start-up là rất lớn.

“Thực tế rất nhiều start-up Việt Nam đã thành lập công ty ở nước ngoài như Singapore, Hong Kong… Để có thể gọi vốn thuận lợi hơn. Đây chính là điểm yếu trong hệ sinh thái đổi mới khởi nghiệp của Việt Nam”, ông Quất nói và cho rằng, để có vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, Việt Nam không thể chỉ dựa vào nguồn vốn rót từ các quỹ đầu tư ngoại.

Cũng đồng tình chuyện không thể trông chờ vốn ngoại, bà Nguyễn Lan Hương - Phó chủ tịch CLB Nông nghiệp công nghiệp đặt vấn đề, sao không huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân để thành lập các quỹ đầu tư, hỗ trợ các start-up?. “Chính phủ nên tận dụng nguồn vốn nhàn rỗi, có chính sách để “hút” số vốn này bằng cách lập các quỹ đầu tư”, bà Hương đề xuất.

Ông Trần Hữu Đức - Giám đốc FPT Ventures thì lưu ý, thị trường đầu tư mạo hiểm ở Việt Nam mới manh nha, nên trước tiên phải xây dựng thị trường đầu tư mạo hiểm đúng nghĩa.

Từ kinh nghiệm phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Israel, bà Esther Barak Landes - CEO Niesel Innovate Fund nhìn nhận, thứ Việt Nam thiếu nhất hiện nay chính là quy định và nhận thức của Chính phủ về việc thu hút, giữ chân các quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần .... “Với 92 triệu dân,Việt Nam là quốc gia có tiềm năng lớn, nhưng sẽ không thể thành công nếu như tách biệt với thế giới. Chính phủ cần tạo dựng khung pháp lý, chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp có thể kết nối với phần thế giới còn lại”, bà Esther nói.

Ông Hồ Sỹ Hùng - Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) tiết lộ, bản dự thảo Thông tư hướng dẫn việc thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo đã được cơ quan này hoàn tất và hiện đang trình Chính phủ xem xét.

Tại hội thảo, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ mong các cộng đồng start-up mạnh dạn hơn nữa, chấp nhận rủi ro, chia sẻ và hợp tác để cùng vượt qua thách thức; xây dựng văn hoá về khởi nghiệp trong chính cộng đồng này. Ông cũng khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư chủ động đề xuất, thậm chí gửi thẳng sáng kiến chính sách lên Chính phủ, Thủ tướng...

Đại diện Chính phủ cũng tán thành giao cho Hà Nội thí điểm xây dựng, trở thành trung tâm khởi nghiệp quốc gia, sau đó sẽ nhân rộng trong cả nước, để phong trào khởi nghiệp ngày càng "đơm hoa, kết trái". "Kinh nghiệm của Israel là 7 doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ có 3 thành công; Việt Nam đạt được tỷ lệ 5 thắng - 5 thua là quá tốt", Phó thủ tướng nói.

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn thành lập, tổ chức quản lý và hoạt động của Quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo, nguyên tắc được đưa ra là các nhà đầu tư và đối tượng khởi nghiệp sáng tạo tự thỏa thuận về giá trị phần vốn góp, cổ phần, tỷ lệ vốn góp, tỷ lệ cổ phần tại doanh nghiệp được hình thành hoặc tăng vốn từ hoạt động đầu tư.

Quỹ Đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo là quỹ hình thành từ vốn góp của các thành viên nhằm thực hiện đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo. Cơ quan quản lý Nhà nước có trách nhiệm xác nhận sự thành lập của quỹ, các thỏa thuận giữa các nhà đầu tư, làm căn cứ pháp lý để giải quyết tranh chấp sau này. 

Dự thảo Thông tư cũng quy định về việc thành lập, một số nguyên tắc tổ chức, quản lý của Quỹ để hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp sáng tạo.

Nguyễn Hoài