Hủy
Hành trình khởi nghiệp Chủ nhật, 27/11/2016, 00:00 (GMT+7)

Tham vọng kết nối trực tuyến 2,4 triệu du học sinh của chàng trai 8X

Bằng việc kết nối du học sinh toàn cầu, nền tảng công nghệ Ella Study của cựu du học sinh Đỗ Xuân Khoa giúp giải đáp mọi vấn đề liên quan đến việc học tập tại nước ngoài.

Tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Marketing (Đại học Linnaeus, Thụy Điển), sau 6 năm làm việc đúng chuyên ngành được đào tạo, Đỗ Xuân Khoa lại lựa chọn lĩnh vực giáo dục để bắt đầu con đường khởi nghiệp.

Tháng 4/2015, trong một lần tình cờ gặp gỡ với các bạn trẻ có ý định du học, Khoa nhận thấy không ít bạn còn lo lắng về nguồn tiền, không có học bổng, đi làm lâu ngại đi du học, hoặc băn khoăn về chuyên ngành, quốc gia phù hợp với sở thích cá nhân của mình.

Bên cạnh đó, chàng trai sinh năm 1988 thấy rằng, hầu hết các trường hợp du học sinh từ Việt Nam sang nhiều quốc gia đều qua các trung tâm tư vấn. Tuy vậy, nhiều trung tâm chủ yếu đảm trách dịch vụ giấy tờ thủ tục còn định hướng du học chưa thật sự tốt.

"Cùng với người bạn của mình, chúng tôi có ý tưởng mở một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du học. Mục đích ban đầu của tôi và cộng sự chỉ hướng đến một website giúp tìm trường du học phù hợp, với cơ sở dữ liệu 100.000 khóa học trên toàn cầu", Khoa cho hay.

Ý tưởng là vậy nhưng khi bắt tay vào làm không đơn giản. Nhóm nhận ra, chỉ một công cụ tìm kiếm trường là không đủ để giải đáp hết thắc mắc các vấn đề của người muốn đi du học.

Đỗ Xuân Khoa - Trưởng dự án Ella Study.

Đỗ Xuân Khoa - Trưởng dự án Ella Study.

“Các nguồn thông tin mà chúng tôi thu thập được thường mang ý nghĩa quảng bá cho các trường nhiều hơn là đi sâu vào đời sống thực tế của du học sinh ở nước sở tại. Ngoài các diễn đàn du học, hội nhóm du học sinh trên Facebook, không có nơi nào khác cung cấp các dạng thông tin gần gũi và cá nhân hoá như vậy”, Khoa cho biết.

Sau 6 tháng với 2 lần “sập team", cả nhóm bắt tay thực hiện những khảo sát sâu hơn, chia quá trình du học thành 14 bước nhỏ và xác định rõ ở mỗi bước Ella Study có thể làm được gì để việc du học trở nên dễ dàng hơn.

Theo Khoa, hai vướng mắc lớn nhất trong thị trường du học là sự không phù hợp giữa du học sinh với chương trình học và rào cản tâm lý “du học không dễ".

Do thiếu nguồn thông tin dẫn tới việc nhiều bạn trẻ đã lãng phí hàng chục nghìn USD, kết quả thu về không tốt. Khi đã du học không có định hướng, chọn nhầm trường, khả năng tốt nghiệp của sinh viên sẽ giảm, ảnh hưởng tới chính uy tín ngôi trường của họ.

Tháng 2 năm nay, dự án đổi mô hình theo hướng kết nối cộng đồng cựu du học sinh để giúp đỡ các bạn trẻ có định hướng và tìm trường du học dễ dàng và chính xác nhất.

Các dịch vụ mà dự án cung cấp gồm tư vấn video call 1-1, tức là kết nối trực tuyến sinh viên với du học sinh, giải đáp các thắc mắc về định hướng du học, chuẩn bị tài chính, săn học bổng cũng như chọn trường theo ngành nghề và sở thích. Ngoài ra, ứng dụng còn tự động giới thiệu các khoá học, thông tin học bổng phù hợp với hồ sơ năng lực và sở thích cá nhân của sinh viên, thông qua hệ thống từ khoá và quan sát hành vi sử dụng.

"Ở Ella, mọi vấn đề, vướng mắc cá nhân đều có thể được giải quyết cụ thể thông qua chính mạng lưới du học sinh khắp mọi nơi trên toàn cầu", Trưởng nhóm dự án nói.

Cách thức tham gia của người dùng trên Ella khá đơn giản. Sau khi tạo tài khoản, cập nhật các từ khóa về tình trạng, vấn đề và mong muốn của mình, hệ thống sẽ tự động kết nối người dùng với các du học sinh phù hợp nhất để được tư vấn. Các từ khóa người dùng đưa ra càng chính xác về mình, kết quả nhận được sẽ càng đúng.

Bên cạnh đó, các trường đại học, các tổ chức giáo dục, cũng có thể truy cập vào Ella Study để tìm kiếm ứng viên phù hợp trên hệ thống.

Đến tháng 9 vừa qua, Ella Study tung phiên bản thử nghiệm đầu tiên. Chỉ trong hơn một tháng, ứng dụng đã có hơn 250 cựu du học sinh trên hệ thống (được sàng lọc, kiểm tra sát hạch từ gần 900 người đăng ký); 500 lượt đăng ký sử dụng và 30 khách hàng trả phí đầu tiên.

Mô hình doanh thu của Ella Study là phí tư vấn trực tuyến P2P (giữa người dùng với người dùng). Mức phí tại thị trường Việt Nam áp dụng là 10 USD trong 30 phút và  20 USD trong một giờ. Ngoài ra, Ella còn thu phí quảng cáo từ các trường đại học, tổ chức giáo dục trên thế giới.

Ứng dụng có thể tính phí thành viên đối với sinh viên khi sử dụng các công cụ như quản lý cùng lúc 20 hồ sơ du học tại 20 trường khác nhau và tính tỷ lệ trúng tuyển dựa trên điểm GPA, IELTS, TOEFL... cũng như so sánh tỷ lệ chọi các năm.

Thị trường hướng tới của Khoa và cộng sự là  khu vực Đông Nam Á, Hàn Quốc, Ấn Độ, Trung Đông, Trung Quốc, các quốc gia châu Mỹ với hơn 2,4 triệu du học sinh và tổng quy mô thị trường đạt 3,7 tỷ USD mỗi năm, tăng trưởng trên 7% hàng năm.

Sự khác biệt trong suy nghĩ, bản lĩnh thương trường đã giúp chàng trai 8x sải bước thành công trên con đường khởi nghiệp. Trước mắt, Khoa cùng cộng sự xây dựng thương hiệu và phủ sóng tại Việt Nam thông qua hợp tác chiến lược với các trường đại học lớn và Amazon Education. Tại Việt Nam, Ella Study đang trong giai đoạn hoàn thiện sản phẩm và sẽ tham gia thị trường Đông Nam Á từ quý II năm sau.

Thanh Thư

"Startup Việt - Sải bước thành công" là chương trình bình chọn 18 startup Việt Nam nổi bật trong năm do Báo VnExpress tổ chức, góp phần thúc đẩy tinh thần sáng tạo khởi nghiệp, vinh danh những mô hình kinh doanh đột phá, phát triển bền vững và hữu ích về kinh tế - xã hội.
Hiện danh sách 30 startup triển vọng nhất được công bố trên website của chương trình tạihttps://startup.vnexpress.net/ để độc giả bình chọn trực tuyến và có cơ hội nhận chiếc điện thoại iPhone 7 Plus 128Gb.
Mỗi startup trong top 18 sẽ nhận một gói truyền thông miễn phí trị giá 100 triệu đồng trên hệ thống Báo VnExpress hoặc Ngoisao.net, thời hạn sử dụng trong năm 2017.
Startup có phần thuyết trình trực tiếp xuất sắc trong đêm chung kết, ngoài danh hiệu và kỷ niệm chương “Startup Việt 2016”, Startup của năm sẽ nhận gói truyền thông miễn phí trị giá 500 triệu đồng trên hệ thống Báo VnExpress hoặc Ngoisao.net, thời hạn sử dụng trong năm 2017.