Hủy
Xu hướng Thứ hai, 25/11/2013, 10:42 (GMT+7)

Kinh doanh nhỏ dễ vay vốn

Khoản vay vài chục hoặc trăm triệu đồng để mở cửa hàng, tạp hóa... của cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ đang được giải ngân mạnh, trong khi tín dụng món lớn vẫn tắc. 

Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo của Ngân hàng Đông Nam Á (SeaBank) cho biết, tín dụng khối khách hàng doanh nghiệp tăng chậm nhưng tiến độ giải ngân cho các hộ kinh doanh nhỏ lẻ lại khá tốt. Nhiều khách hàng muốn mở cửa hàng bán quần áo, đồ gia dụng hay tạp hóa chỉ cần vay từ một đến hai trăm triệu đồng là khả thi. "Còn lại, nhà cung cấp sẽ cho công nợ một phần. Nhiều khách hàng sau khi vay vốn, mỗi tháng trừ chi phí, trả lãi cũng thu về chục triệu, thậm chí hơn", ông nói.

ngan-hang-9-aq500-2036-1385348823.jpg

Ngân hàng đang rộng cửa giải ngân cho khách cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ vay vốn. Ảnh: Anh Quân

Ông Lê Anh Hưng - Trưởng phòng quản lý sản phẩm Khối Dịch vụ Tài chính cá nhân của HSBC - cho biết, nhu cầu về sản phẩm vay này ngày càng cao nên hầu hết các ngân hàng, kể cả nước ngoài lẫn nội địa đều đưa ra nhiều sản phẩm. Theo quan sát của ông, với mức vay trung bình từ 100 triệu đến 300 triệu đồng, các hộ gia đình có thể khởi nghiệp và kinh doanh hiệu quả.

Tại Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, từ đầu tháng 8 đến nay cũng giải ngân mới cho hơn 1.000 món vay theo dạng này. Ngoài các khoản cho vay tiêu dùng (mua sắm đồ dùng, ôtô, vay mua - sửa chữa nhà cửa), lượng khách cá nhân, hộ kinh doanh vay để bổ sung vốn lưu động như mua hàng hóa, nguyên vật liệu, trả lương, nâng cấp cơ sở... cũng tăng mạnh. 

Báo cáo tài chính quý III của nhiều ngân hàng mới công bố cũng chứng minh xu hướng này khi khoản mục tín dụng cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh tăng mạnh, thậm chí có nơi còn bù đắp khá đáng kể cho mảng doanh nghiệp. Tại Ngân hàng Quốc tế (VIB), trong khi cho vay sau 9 tháng với doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, trách nhiệm hữu hạn đều giảm so với đầu năm thì nhóm cá nhân và các khách hàng khác tăng trên 6%. 

Tương tự, ở Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), tín dụng tăng trưởng mạnh cũng có đóng góp không nhỏ từ cho vay khách hàng cá nhân. Theo ông Phan Huy Khang - Phó chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Sacombank, tín dụng cho cá nhân tăng so với các kỳ trước, đóng góp 45% tổng dư nợ của cả ngân hàng. Sau 9 tháng, tín dụng tại Sacombank tăng 13% và dự kiến cả năm sẽ tăng 18%.

Tại Ngân hàng Sài Gòn Hà Nội (SHB), một trong những đơn vị có lợi thế về cho vay doanh nghiệp lớn và khối SME, dư nợ tại khối khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh có giảm nhẹ so với đầu năm. Tuy nhiên, xét về tỷ trọng, nhóm  khách hàng cá nhân và hộ kinh doanh vẫn chiếm hơn 23% tổng dư nợ của cả ngân hàng - chỉ xếp sau nhóm công ty cổ phần. 

Một trong những nguyên nhân khiến vay vốn làm ăn nhỏ lẻ dễ thở hơn được giới lý giải do sự đóng băng quá lâu của khối doanh nghiệp. Tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần vốn có thế mạnh trong bán buôn và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) nói thẳng: "Nhờ cho vay nhóm này tăng mạnh mà tín dụng được bù đắp lớn chứ nếu chỉ trông chờ vào SME thì không ổn".

Theo một nhân viên tín dụng, hầu hết các doanh nghiệp từ nhỏ, vừa đến lớn hiện nay gặp nhiều khó khăn do đòn bẩy tài chính quá lớn, nợ xấu cao chưa giải quyết nên hồ sơ tín dụng khó được duyệt. "Trong số các khách hàng cá nhân hiện nay, không ít người trước làm doanh nghiệp nhưng phải ngừng hoạt động. Nay họ đứng ra cùng vợ vay vốn mở cửa hàng. Làm nhỏ lẻ có khi lại dễ sống", anh này nhận định.

Trái ngược với các doanh nghiệp - cầu tín dụng thấp do hàng tồn kho nhiều nên không dám mở rộng sản xuất, nhu cầu vay vốn để kinh doanh nhỏ lẻ của các cá nhân lại ngày một cao. Theo nhiều chuyên gia, kinh tế khó khăn trì trệ kéo dài, không ít người sau khi nghỉ sinh con đã không thể quay trở lại nơi làm việc cũ. Bên cạnh đó, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, phá sản đã khiến các ông chủ từng thất bại khi mơ làm ăn lớn muốn thu hẹp sản xuất. "Họ tự mở cửa hàng, buôn bán tại nhà, bán online là những lựa chọn ngắn hạn nhưng sáng suốt lúc này", một chuyên gia kinh tế nói.

Thanh Thanh Lan