Hủy
Xu hướng Thứ sáu, 1/6/2018, 14:16 (GMT+7)

Tiền kỹ thuật số đang được sử dụng ở đâu trên thế giới?

Tính đến thời điểm hiện tại, tiền điện tử đã được hợp pháp hóa tại một số quốc gia và dùng trong giao dịch ở nhiều lĩnh vực.

Tiền kỹ thuật số hay tiền điện tử  (Cryptocurrency) là loại tiền được tạo ra bởi các thuật toán mã hóa dựa trên các phần mềm mã nguồn mở. Các giao dịch được thực hiện trong môi trường Internet mà không cần thông qua một trung gian tài chính thứ ba hay chịu sự giám sát của Chính phủ, Ngân hàng Trung ương. Giao dịch tiền điện tử sử dụng mật mã để đảm bảo an toàn và kiểm soát các đơn vị tiền mới được tạo ra, giúp giảm thiểu chi phí và thời gian giao dịch.

Hiện tại, trên thế giới có hàng nghìn loại tiền kỹ thuật số khác nhau, phổ biến nhất là Bitcoin. Ngoài ra, còn có các loại tiền kỹ thuật số khác như Ethereum (ETH), Ripple (XRP), Litecoin (LTC), Monero (XMR), Ethereum Classic (ETC),...

Nhiều quốc gia trên thế giới đã chấp nhận tiền thuật toán trong một số các giao dịch thanh toán. 

Nhiều quốc gia trên thế giới đã chấp nhận tiền thuật toán trong một số các giao dịch thanh toán. 

Tính pháp lý của tiền kỹ thuật số hiện vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi. Một số quốc gia đã chấp nhận tiền điện tử như một phương tiện thanh toán. Trong khi tại một số nước khác, loại tiền này lại chưa được định danh và công nhận, thậm chí bị cấm vì lo ngại các nguy cơ rủi ro. Đến nay, tiền điện tử đã được hợp pháp hóa tại một số khu vực như Liên Minh Châu Âu EU, Nhật Bản, Đức, Thụy Sĩ hay ở nhiều công ty hàng đầu như Dell, Microsoft, Apple…và được giao dịch trên nhiều lĩnh vực.

Thanh toán phúc lợi tại Australia

Cuối tháng 5/2018, Chính phủ Australia thông báo kế hoạch thử nghiệm công nghệ blockchain trong việc cung cấp các khoản thanh toán an sinh xã hội cho người dân. Với mong muốn số hóa và tự động hoá các dịch vụ công, Australia đầu tư mạnh vào các chương trình nghiên cứu công nghệ chuỗi khối.

Trong kế hoạch tài chính 2018-2019, nước này cam kết dùng 300 triệu USD trong bốn năm tới để thay đổi hệ thống thanh toán phúc lợi. Tháng 7/2017, Australia bắt đầu bộ luật mới công nhận Bitcoin như một phương tiện thanh toán cũng như công bố các quy định trong giao dịch tiền thuật toán. 

Mua bán bất động sản ở Dubai

Dubai được coi là nơi có dự án bất động sản đầu tiên trên thế giới áp dụng giao dịch bằng Bitcoin. Theo CNN, tháng 9/2017, dự án Aston Plaza & Residences do hai doanh nhân người Anh là Michelle Mone và Doug Barrowman đầu tư đã được rao bán thành công bằng Bitcoin. Khu căn hộ có diện tích tích 223.000m2, gồm hai tòa tháp cao 40 tầng, ngoài ra còn có thêm khu bơi lội, rạp chiếu phim ngoài trời và trung tâm mua sắm.

Bất động sản là một trong những lĩnh vực chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin tại một số quốc gia như Dubai, Mỹ...

Bất động sản là một trong những lĩnh vực chấp nhận thanh toán bằng Bitcoin tại một số quốc gia như Dubai, Mỹ...

Chủ đầu tư cho biết, dự án bao gồm các căn hộ dạng studio loại nhỏ, không phân chia không gian có giá 30 Bitcoin và căn hộ một phòng ngủ có giá 50 Bitcoin. Thời điểm đó, một Bitcoin trị giá khoảng 4.600 USD. Giao dịch được thực hiện qua nền tảng BitPay và tất cả những đồng Bitcoin nhận về sau khi thanh toán đều sẽ được đổi ngay ra đồng USD. Từ năm 2017, tiền kỹ thuật số ngày càng trở nên phổ biến rộng rãi tại quốc gia này. Theo ước tính, khoảng 4 đến 5 triệu người sở hữu ít nhất một loại tiền kỹ thuật số tại đây. 

Đặt vé máy bay, trả lương bằng Bitcoin tại Nhật Bản

Tại Nhật, giao dịch tiền thuật toán cũng đã được triển khai thành công trong lĩnh vực hàng không ngay khi quyết định hợp pháp hóa đồng tiền Bitcoin chính thức được ban hành tại Nhật tháng 4/2017. Ngày 22/5/2017, Peach Aviation - hãng hàng không giá rẻ của Nhật Bản trở thành hãng đầu tiên của nước này cho phép khách hàng trả tiền vé trực tiếp để đặt chỗ bằng Bitcoin. 

Quyết định chấp nhận thanh toán bằng tiền điện tử đưa công ty này góp mặt vào 5.000 doanh nghiệp Nhật Bản có sức hấp dẫn với du khách thu nhập cao tại Trung Quốc. Trước Peach Aviation, trên thế giới cũng đã có các hãng hàng không khác chấp nhận thanh toán qua Bitcoin như AirBaltic - hãng hàng không giá rẻ ở Latvia, hay Lot của Ba Lan.

Tập đoàn GMO trả lương cho nhân viên bằng bitcoin theo nhu cầu.

Tập đoàn GMO trả lương cho nhân viên bằng bitcoin theo nhu cầu.

Ngoài ra, tập đoàn Internet GMO của nước này chấp nhận thanh toán tiền lương bằng Bitcoin cho hơn 4.000 nhân viên nếu có nhu cầu. Theo đó, tiền lương Bitcoin sẽ được thanh toán theo giá trị đồng tiền kỹ thuật số theo thời điểm và thời gian thỏa thuận.

Ví dụ, nếu giá một Bitcoin là 10.000 USD và một nhân viên được trả khoản lương 1.000 USD bằng tiền kỹ thuật số, họ sẽ nhận được 0,1 Bitcoin. Giá trị tiền lương theo Bitcoin có thể tăng hoặc giảm theo độ biến động của đồng bitcoin theo thời gian.

Tháng 4/ 2017, Nhật Bản ban hành quy định hợp pháp hóa đồng tiền Bitcoin như là một hình thức thanh toán. Quyết định này được cho là nhằm đẩy mạnh đầu tư trong nước và nước ngoài vào lĩnh vực công nghệ tài chính. Chính phủ Nhật cũng tiến hành thiết lập hệ thống cấp phép mới cho các giao dịch Bitcoin, nhằm kiểm soát nạn rửa tiền và các hành vi phạm pháp khác.

Phạm Vân

Ngày 14/6/2018, báo điện tử VnExpress tổ chức "Diễn đàn Blockchain: Xu hướng và Tầm nhìn phát triển" dưới sự chỉ đạo của Bộ Khoa học và Công nghệ. Chương trình sẽ bàn về các cơ hội và thách thức khi phát triển công nghệ blockchain tại Việt Nam và trên thế giới; đề xuất các kiến nghị và hành lang pháp lý cho các hoạt động ICO, tiền thuật toán, đón đầu xu hướng phát triển trong trong tương lai.

Sự kiện quy tụ các diễn giả, chuyên gia chất lượng trong và ngoài nước từ các nhà làm chính sách blockchain, quản lý công nghệ cao, quỹ đầu tư đến từ Singapore, Malaysia, Malta...đến đại diện cơ quan quản lý như Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam...Diễn đàn có sự đồng hành của đối tác chiến lược Infinity Blockchain Labs cùng các nhà phát triển công nghệ blockchain Achain và TomoChain. Thông tin chi tiết về chương trình tại https://blockchain.vnexpress.net/