Hủy
Ý tưởng mới Thứ bảy, 8/7/2017, 05:29 (GMT+7)

Chuyên gia Uber dạy startup Việt xây dựng danh tiếng

Các startup cần có những câu chuyện và thông điệp tích cực được lặp đi lặp lại và lan truyền đúng cách mỗi ngày.

Bà Amy Kunrojpanya, Giám đốc Chính sách và Truyền thông của Uber châu Á - Thái Bình Dương vừa có buổi gặp gỡ, tư vấn với hơn 100 đơn vị khởi nghiệp và sinh viên công nghệ tại Hà Nội về chủ đề “Xây dựng danh tiếng cho startup”.

Buổi chia sẻ tổng hợp những kinh nghiệm về cách thức phát triển danh tiếng, đặc biệt trong điều kiện nguồn tài nguyên và nhân sự doanh nghiệp có hạn, phù hợp với thực tế cộng đồng startup và hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam.

Chuyên gia cho biết “thương hiệu” và “danh tiếng” đều là những yếu tố quan trọng, có quan hệ mật thiết với sự phát triển của công ty, tác động tới tình cảm, nhìn nhận và hành vi mua sắm, tiêu dùng của khách hàng, công chúng.

Hai khái niệm này thường xuất hiện cùng nhau, trong nhiều trường hợp được sử dụng tương đương nên dễ gây hiểu lầm. Thực chất, theo bà Amy, “thương hiệu” và “danh tiếng” là những khái niệm riêng biệt.

Thương hiệu của một công ty là tổng hợp những ý kiến đánh giá của các khách hàng cũ, mới, tiềm năng về một sản phẩm hay dịch vụ cụ thể, thường sẽ liên quan đến chất lượng hàng hóa, giá trị, trải nghiệm dịch vụ, mua sắm… Khi suy nghĩ về thương hiệu, câu hỏi ở đây sẽ là: “Sản phẩm, dịch vụ này có gì dành cho mình”.

Danh tiếng là những ý kiến của công chúng về tổng thể các hoạt động của công ty, gồm văn hóa công ty, các hoạt động xây dựng và phát triển cộng đồng, chính sách, giải quyết việc làm… Liên quan đến danh tiếng, công chúng sẽ đặt câu hỏi: “Liệu startup, công ty này là tốt hay xấu”.

“Thương hiệu là những gì bạn làm, còn danh tiếng là những gì bạn đại diện”, chuyên gia truyền thông Uber nhấn mạnh.

Bà cho rằng, mỗi startup nên tự đặt ra cho mình câu hỏi “Dịch vụ, sản phẩm của mình có điểm gì ưu việt hơn so với những sản phẩm cùng loại trên thị trường?”, hoặc “Mình có thể làm gì để cải thiện cho những sản phẩm, dịch vụ này ưu việt và vượt trội hơn nữa”. Đây chính là chìa khóa mấu chốt trong tư duy để xác định lợi thế cạnh tranh của một startup.

chuyen-gia-uber-day-startup-viet-xay-dung-danh-tieng

Bà Amy cho rằng xây dựng danh tiếng là hoạt động quan trọng không chỉ dành cho các công ty, tập đoàn lớn mà còn cả các startup với nguồn lực và nhân sự hạn chế Ảnh: UberEXCHANGE

Khi nghĩ đến việc xây dựng danh tiếng, chuyên gia cho rằng các startup cần “nghĩ lớn” nhưng phải “bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất”. Đầu tiên là cần xác định các mục tiêu cụ thể cho việc xây dựng và duy trì danh tiếng.

Sau đó, phải duy trì thói quen hành động vì mục tiêu danh tiếng mỗi ngày; nâng cao tiếng nói, sự hiện diện của startup trong cộng đồng. Và một trong những điều quan trọng nhất, đừng ngần ngại trong việc lan truyền các thông điệp tốt đẹp, kể các câu chuyện về tổ chức, sản phẩm của mình. Theo bà Amy, cũng như lời cầu nguyện, các câu chuyện và thông điệp tích cực cần phải được lặp đi lặp lại và lan truyền đúng cách mỗi ngày.

Các công ty khởi nghiệp nên xây dựng hình ảnh ngay từ đầu song song với việc phát triển sản phẩm. Bà Amy nhìn nhận, danh tiếng cũng như tài khoản ngân hàng, cần được đầu tư để làm chỗ dựa vững chắc cho doanh nghiệp. Với một chiến lược hiệu quả thì dù bị giới hạn về ngân sách và nguồn lực, doanh nghiệp vẫn có thể xây dựng danh tiếng thành công. Startup hãy đầu tư nghiêm túc vào sản phẩm. Truyền thông đi từ những giá trị cốt lõi của sản phẩm là cách tốt để xây dựng danh tiếng cho thương hiệu. Đồng thời bạn cần một đội ngũ truyền thông dồi dào năng lượng và ý tưởng.

Trong chương trình, 3 startup Việt có tiềm năng cũng được lựa chọn để tham gia buổi trao đổi trực tiếp và tư vấn với chuyên gia truyền thông Uber.

Đó là Abbycard - công ty cung cấp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ giải pháp nâng cao mức độ trung thành của khách hàng bằng một hệ thống thông minh quản lý và xây dựng thẻ thành viên.

Riêng Htee hoạt động tương tự như Uber hay Airbnb, kết nối nhiếp ảnh gia và các nhà hàng, quán cà phê hay khách sạn để cung cấp dịch vụ chụp ảnh, quay phim và tạo chuyến tham quan ảo 360 độ mang đến cái nhìn chân thực cho khách hàng.

Còn NIBU mang đến những sản phẩm tẩy rửa hữu cơ với thành phần từ hạt bồ hòn, an toàn cho người dùng. NIBU là doanh nghiệp tiên phong xuất khẩu bồ hòn từ Việt Nam sang thị trường Nhật Bản.

Phương Nguyên