Hủy
Ý tưởng mới Chủ nhật, 3/4/2016, 18:01 (GMT+7)

Làm giàu từ nuôi heo, cắt lúa thuê

Từ một hộ nghèo, ông Danh Bình, người dân tộc Khmer đã trải qua nhiều năm bươn trải, tích luỹ để có cơ ngơi và thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Ông Danh Bình (ấp 7, xã Vị Tân, Vị Thanh, Hậu Giang) cho biết, cách đây trên 20 năm, sau khi lập gia đình, ông được cha mẹ cho 1,5 công đất ruộng (1.500m2) để sản xuất, mưu sinh. Lúc đó, các hệ thống tưới tiêu, kênh nội đồng vùng này chưa được hoàn thiện như bây giờ, nên năng suất lúa khá thấp, một năm chỉ canh tác 1-2 vụ, làm không đủ ăn.

lam-giau-tu-nuoi-heo-cat-lua-thue

Với cả trăm con heo, hai máy gặt đập liên hợp và 15 công lúa, ông Bình thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 

Không cam chịu cảnh nghèo khó, vợ chồng ông quyết định đi làm thuê, làm mướn để kiếm sống. Lúc đó còn trẻ nên sung sức, ai mướn gì ông cũng làm, từ đào đất, vác lúa, làm hồ… Vì chịu khó, không sợ cực nên sau nhiều năm tích góp, ông đã để dành được chút vốn rồi bàn với vợ nuôi lợn thịt.

Lúc đầu, ông nuôi khoảng 5 con lợn thịt, sau khoảng 4 tháng, trừ chi phí lãi trên 1 triệu đồng mỗi con. Có thu nhập là vậy, nhưng gia đình ông khá tiết kiệm chi tiêu, nên mỗi năm đều mua thêm được một công đất để sản xuất. Từ đó, số ruộng đất của gia đình cũng dần dần nhiều hơn.

Không chỉ biết cách làm giàu cho gia đình, ông Danh Bình còn tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động ở địa phương, trung bình mỗi người thu nhập khoảng 3 triệu đồng mỗi tháng.

Có được vốn sau bao năm vất vả, với mong muốn kinh tế gia đình ngày càng vững chắc, năm 2013, ông Bình mạnh dạn mua máy gặt đập liên hợp với giá trên 600 triệu đồng để làm dịch vụ gặt lúa thuê. Không dừng lại ở đó, năm 2014 ông mua thêm một chiếc nữa với giá gần 700 triệu đồng.

Theo ông Bình, năm 2015, từ hai máy gặt đập liên hợp ông không chỉ gặt lúa thuê cho các hộ ở xã Vị Tân, mà còn sang các tỉnh như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang… mỗi năm có thể gặt thuê khoảng 1.500 công đất. “Có máy thì mình phải chịu khó đi nhiều nơi để tìm mối nên nhiều khi tôi đi mười bữa, nửa tháng mới về nhà một lần. 15 công lúa ở nhà vợ tôi trông coi, nhưng khi có bệnh thì tôi phải về phun thuốc. Ngoài ra, gia đình tôi vẫn duy trì nuôi lợn thịt, để tăng thêm thu nhập”, ông Bình bộc bạch.

Theo ông Bình, việc phát triển kinh tế gia đình, vượt qua khó khăn thì có nhiều cách, nhưng chủ yếu là mình phải có sự cố gắng và kiên trì. Đến nay, ông đã có 15 công đất, hai máy gặt đập liên hợp, ngoài ra, hàng năm còn nuôi trên 100 con lợn thịt... trừ chi phí, lãi trên 300 triệu đồng mỗi năm.

Ông Nguyễn Văn Lẹ - cán bộ xóa đói, giảm nghèo xã Vị Tân, nhận xét: “Ông Danh Bình là một trong những hộ Khmer trên địa bàn xã chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm trong sản xuất. Cách làm giàu của ông rất đáng để nhiều người dân trong xã học hỏi, làm theo. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng các mô hình, cách thức làm ăn hay, hiệu quả, để tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm dần, đời sống người dân phát triển”.

Theo Dân việt