Hủy
Ý tưởng mới Thứ tư, 14/3/2018, 17:18 (GMT+7)

Startup Mỹ muốn sao lưu não để giúp con người có thể tái sinh

Việc sao lưu tín hiệu não chỉ áp dụng trên người muốn có cái chết nhân đạo và tin vào sự hồi sinh trong tương lai.

Y Combinator - vườn ươm khởi nghiệp nổi tiếng của Mỹ từng đón nhận nhiều ý tưởng táo bạo, nhưng chưa có dự án nào gây "sốc" mà vẫn nhận nhiều sự ủng hộ như Nectome. Startup này khẳng định có thể sao lưu dữ liệu não bộ bằng giải pháp hóa học và duy trì "bộ nhớ ngoài" hàng trăm, hàng nghìn năm, mở ra cơ hội tái sinh bằng công nghệ y học tiến bộ trong tương lai.

Nghe có vẻ hoang đường và chỉ có trong những bộ phim viễn tưởng, tuy nhiên họ đã bước đầu thí nghiệm thành công. Bản sao ghi lại bộ não lợn bằng công nghệ của Nectome thể hiện chính xác từng tế bào não khi soi chiếu dưới kính hiển vi điện tử. Thí nghiệm này mang về cho doanh nghiệp giải thưởng trị giá 80.000 USD của tổ chức phi chính phủ Brain Preservation Foundation (Mỹ) vào hôm 13/3.

Bản sao bộ não lợn do Nectome thực hiện.

Bản sao bộ não lợn do Nectome thực hiện.

Ông Robert McIntyre - đồng sáng lập Nectome cho biết, cần có một khối óc còn sống để thực hiện quá trình y hóa phức tạp nhằm ghi lại tín hiệu não bộ và sau khi hoàn tất, người tham gia sẽ tử vong. Do vậy, việc sao lưu bộ não chỉ áp dụng với những người mắc bệnh nan y, có nguyện vọng được trợ tử.

"Công nghệ này chỉ thích hợp với người mắc bệnh không thể chữa khỏi, muốn có cái chết nhân đạo và tin tưởng trong tương lai, công nghệ y học có thể giúp khôi phục ký ức từ bản sao bộ não", McIntyre cho biết.

Nectome đã gọi vốn thành công một triệu USD, bao gồm 120.000 USD từ Y Combinator. Ngoài ra, startup này nhận tài trợ 960.000 USD từ Viện Y học thần kinh của Chính phủ cho dự án táo bạo của mình.

Startup có trụ sở tại California, Mỹ đang hợp tác với nhà khoa học thần kinh Edward Boyden của Viện Công nghệ Massachusettes (MIT) để tiếp tục phát triển ý tưởng và nghiên cứu tính khả thi. Các luật sư cũng được mời tham vấn tính pháp lý của công nghệ này khi thực hiện thí nghiệm trên người. Học cách làm của Tesla, Nectome kêu gọi khách hàng là những người bệnh nan y tình nguyện tham gia sử dụng dịch vụ với mức phí 10.000 USD một ca sao chép não. Đến nay đã có 25 người đăng ký.

Tuy nhiên, sao chụp thành công não bộ không đồng nghĩa với khả năng tái sinh ký ức. Chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh có thể khôi phục tín hiệu não từ mô não chết. Đây cũng là lý do công nghệ của Nectome chỉ đang dừng ở giai đoạn thí nghiệm và nghiên cứu ý tưởng, chưa thể thương mại hóa.

Robert McIntyre (giữa) chia sẻ trong một diễn đàn về trí tuệ nhân tạo.

Robert McIntyre (giữa) chia sẻ trong một diễn đàn về trí tuệ nhân tạo.

Tốt nghiệp ngành khoa học máy tính, Viện Công nghệ Massachusetts, Robert McIntyre quan tâm đến trí tuệ nhân tạo, khả năng kết nối giữa máy tính và con người để kéo dài sự sống hay ý thức. McIntyre cùng một người bạn học sáng lập Nectome vào năm 2016 và thu hút sự chú ý của nhiều người cùng chung chí hướng.

"Hôm nay chúng tôi chưa thể tái sinh não bộ nhưng 100 năm nữa thì hoàn toàn có thể. Một bộ não chết giống như một chiếc máy tính tắt nguồn. Máy không hoạt động không có nghĩa là thông tin không còn trong đó", Ken Haysworth - Chủ tịch Brain Preservation Foundation chia sẻ.

Nectome không phải doanh nghiệp đầu tiên muốn lưu trữ não bộ. Tổ chức phi lợi nhuận Alcor Life Extension Foundation (trụ sở Arizona, Mỹ) đang ướp 150 cơ thể người trong nitơ lỏng, trong đó có huyền thoại bóng chày Mỹ Ted Williams nhằm mở đường cho khả năng hồi sinh.

Tương tự Nectome, tổ chức Alcor Life Extension Foundation có cùng ý tưởng kéo dài sự sống bằng cách lưu trữ cơ thể người.

Tương tự Nectome, tổ chức Alcor Life Extension Foundation có cùng ý tưởng kéo dài sự sống bằng cách lưu trữ cơ thể người.

Các nhà khoa học thần kinh từ lâu đã theo đuổi ý tưởng giúp con người vượt qua số phận sinh tử bằng công nghệ y học. Nhiều công trình nghiên cứu não bộ đã công bố với kỳ vọng tái sinh một bộ não chết. Tuy nhiên, mức độ phức tạp của hàng triệu tế bào não, mỗi tế bào não có kết nối với 8.000 tế bào, đã làm nản lòng không ít chuyên gia.

Dù vậy, vẫn có nhiều tranh cãi xoay quanh tính khả thi, nhân đạo và pháp lý của ý tưởng sao lưu não bộ. Nhà khoa học thần kinh Michael Hendricks của Đại học McGill (Mỹ) gọi công việc của Nectome hay các tổ chức, doanh nghiệp khác đang làm là những nỗ lực vô vọng.

Khánh Anh