Hủy
Ý tưởng mới Thứ năm, 22/6/2017, 00:00 (GMT+7)

Startup ở Indonesia giúp sinh viên mua trả góp hàng tháng

Sinh viên không có thẻ ngân hàng có thể mua một số món đồ trong khả năng kiểm soát tài chính qua nền tảng Cicil.

Trong thế giới công nghệ phát triển hiện nay, người tiêu dùng thường thanh toán mua sắm thông qua các nền tảng tương tự PayPal. Tuy nhiên, Cicil, một startup đến từ Indonesia, lại đi ngược với xu hướng thanh toán điện tử.

Đối tượng khách hàng mà họ nhắm đến là một ngách mà hầu hết mọi người bỏ qua - sinh viên. Startup này cũng đã được nhận vào chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Google (Google Launchpad Accelerator).

Hai đồng sáng lập Edward Widjonarko và Leslie Lim quen biết nhau trên giảng đường đại học. "Lúc đó chúng tôi nhận ra có một số lượng lớn sinh viên tại Indonesia không có tài khoản ngân hàng. Bởi từng trải qua thời sinh viên, chúng tôi rất muốn làm điều gì đó để giúp giải quyết vấn đề này", Lim lý giải nguyên cớ hình thành Cicil.

Thông qua startup này, sinh viên có thể mua những món hàng cần thiết hay mong muốn như máy in, laptop... mà không cần phải có bất cứ tài khoản ngân hàng nào.

Trải nghiệm dành cho người dùng Cicil khá đơn giản. Sinh viên chọn món hàng muốn mua, có thể bao gồm cả kế hoạch trả tiền. Sau đó điền vào mẫu đăng ký và nhận phản hồi trong vòng 2 ngày làm việc. Khi được chấp thuận, người dùng phải trả tiền hằng tháng và Cicil sẽ nhắc nhở nếu họ sắp đến hạn trả tiền.

"Các thiết bị như latop hay máy tính bảng khá đắt tiền so với nhiều sinh viên. Có em phải dành dụm hàng tháng trời mới dám mua sắm những món hàng này. Tuy nhiên, khi chia thành từng khoản tiền nhỏ hằng tháng, các bạn sinh viên có thể sở hữu sản phẩm nhanh hơn", Lim nói.

startup-o-indonesia-giup-sinh-vien-mua-tra-gop-hang-thang

Civil hỗ trợ sinh viên trong mua sắm những món hàng mong muốn. Ảnh: e27.

Trong trường hợp khẩn cấp, sinh viên thường tìm đến nền tảng này. Lim cho biết công ty từng có khách hàng cần laptop mới gấp bởi chiếc đang dùng vừa bị vỡ và cậu ấy có một bài tập phải hoàn thành ngay trong tuần đó.

"Rất mừng là chúng tôi có thể giúp bạn sinh viên này tìm thấy một chiếc laptop thay thế với mức giá trả dần hợp lý. Nhờ đó, bạn ấy cũng đã gửi bài tập đúng hạn quy định", Lim chia sẻ.

Cicil thu hút người dùng là sinh viên các trường đại học thông qua quảng cáo online cũng như mạng xã hội. Các phương thức này có thể có hiệu quả trong việc thu hút sinh viên đăng ký sử dụng nền tảng. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ vì đa số sinh viên không có thẻ tín dụng nên những việc này hoàn toàn mới mẻ đối với họ. 

"Cách thức trả tiền thông qua các khoản hàng tháng còn khá mới với sinh viên. Vì vậy, chúng tôi đang cố gắng để họ tiếp cận với phương thức này. Chúng tôi đã tổ chức một vài workshop về tài chính ở một số trường đại học để sinh viên có thể biết cách kiểm soát tài chính hiệu quả khi còn trẻ", Lim cho hay.

Đồng sáng lập dự án cũng cho biết sau khi được chấp nhận bởi chương trình hỗ trợ khởi nghiệp của Google, Cicil sẽ tập trung mạnh vào xây dựng nền tảng. Qua đó tiếp tục phát triển sản phẩm để mang đến những trải nghiệm tốt hơn nữa cho người dùng.

Nhi Yến (theo Inc)