Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ tư, 14/3/2018, 00:51 (GMT+7)

Sinh viên kiếm 40 triệu mỗi tháng nhờ làm đèn từ ống sắt, gỗ

Với số vốn chưa đến 3 triệu đồng, hai bạn trẻ 9x sáng tạo những mẫu đèn mang phong cách hoài cổ để trang trí, làm quà tặng.

Dù không học về thiết kế hay kiến trúc, hai bạn trẻ sinh năm 1994 Nguyễn Lê Trung Hiếu (đại học Bách khoa TP HCM) và Hồ Hoàng Phúc (đại học Công nghệ TP HCM) lại có chung sở thích sáng tạo những đồ vật trang trí nghệ thuật.

Tình cờ xem một đoạn video nước ngoài hướng dẫn cách tận dụng ống nước để làm đèn, Hiếu và Phúc nảy ý tưởng tạo nên những mẫu đèn khác lạ từ ống sắt và bóng đèn dây tóc, với phong cách hoài cổ, vừa là vật trang trí mang tính nghệ thuật và là món quà tặng độc đáo.

Các mẫu đèn làm từ ống sắt, gỗ của hai sinh viên. Ảnh: NVCC.

Các mẫu đèn làm từ ống sắt, gỗ của hai sinh viên. Ảnh: NVCC.

Đầu năm 2016, lúc đang là sinh viên năm ba, hai bạn trẻ dành dụm tiền mừng tuổi dịp Tết để thực hiện dự án. Số tiền gần 3 triệu đồng dành hết vào mua nguyên vật liệu. “Mình học kỹ thuật nên việc tìm mua ống sắt không khó, thế nhưng để có những bóng đèn dây tóc kiểu dáng đẹp thì phải bỏ công tìm kiếm và mua lẻ với mức giá khá cao”, Hiếu nhớ lại. 

Mất 2 tháng lên ý tưởng, phác thảo bản vẽ và làm thử nghiệm nhiều lần để tìm ra kích thước chuẩn, Hiếu và Phúc mới cho ra đời mẫu đèn kiểu dáng độc lạ, cân đối. Các ống sắt khi mua về được cắt ra thành từng độ dài khác nhau, dùng các co nối lại để tạo hình. Đèn cũng chọn màu vàng tạo sự ấm áp, dịu nhẹ.

Mới đầu, để tiết kiệm, hai bạn trẻ lấy gỗ từ nguồn sẵn có như những khúc cây ven đường hoặc đi xin về thử nghiệm làm đèn. Việc chuẩn bị tốn khá nhiều thời gian khi gỗ phải phơi hoặc sấy khô để không bị mối mọt. Vì làm hoàn toàn bằng tay nên mất một tiếng rưỡi mới làm ra được một sản phẩm.

Sau khi tạo hình dạng mong muốn là quá trình đi dây điện bên trong ống, nối với đuôi đèn để tạo ra sản phẩm cuối cùng. “Lúc đầu bọn mình mất tiền nhiều do sản phẩm lỗi, kích thước không phù hợp, phải làm đi làm lại 2-3 lần”, Phúc cho biết.

Tự mày mò chế tạo tại nhà, hai bạn cho ra đời 4 kiểu đèn. Sự khác biệt của sản phẩm là mỗi mẫu đèn đều có tên gọi riêng và lồng ghép câu chuyện cũng như cá tính. Như mẫu The Quiet thể hiện sự suy ngẫm của người hướng nội, mẫu The Twist lại như người vui nhộn, thích âm nhạc.... “Nhiều khi khách hàng mua sản phẩm bởi họ tìm thấy chính mình ở trong đó. Đó không chỉ đơn thuần cây đèn hay là vật trang trí nữa”, Phúc chia sẻ.

Mẫu đèn The Twist mang hình tượng của những bạn trẻ năng động, yêu âm nhạc. Ảnh: NVCC.

Mẫu đèn The Twist mang hình tượng của những bạn trẻ năng động, yêu âm nhạc. Ảnh: NVCC.

Thế nhưng đó lại là điểm khởi đầu của những khó khăn phía trước khi hai sinh viên không biết cách nào để tiêu thụ sản phẩm. Lúc đầu quảng cáo trên facebook nhưng ít người biết đến, Hiếu và Phúc quyết định dồn hết tiền để thuê gian hàng tại hội chợ cuối tuần. “Mỗi hội chợ thường hướng đến nhóm đối tượng riêng. Sai lầm của bọn mình lúc đó là đã không đến đúng địa điểm, vì thế không ai mua vì không phục vụ nhu cầu của họ”, Phúc cho biết.

Dù không bán được mẫu đèn nào nhưng vì trưng bày ấn tượng nên hai bạn được thuê trang trí cho các gian hàng khác và kiếm gần 10 triệu tiền công. Số tiền đó dùng để tiếp tục mua nguyên vật liệu làm đèn và thuê gian hàng tại hội chợ khác dành cho những người thích đồ thủ công, nghệ thuật.

Phúc nhớ lại: “Nhờ có số tiền đó mà hai đứa đã không bỏ cuộc và quyết định thử sức lần nữa”. Lần này, nhờ hướng đúng đối tượng, những sản phẩm nhanh chóng thu hút sự chú ý và có nhiều người ngỏ ý muốn hợp tác bán sản phẩm. Thậm chí có khách hàng người Đức đặt 80 chiếc đèn để xách tay về nước.

Sau khi đoạt giải 3 về ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc tại cuộc thi Vietnam Startup Fair tổ chức vào tháng 8/2016, sản phẩm của Hiếu và Phúc được biết đến nhiều hơn. Công ty Fanfix Việt Nam của hai sinh viên cũng ra đời từ đó. Hiếu nhớ lại: “Lúc đầu chỉ muốn bán được sản phẩm nên bọn mình đưa mức giá rất rẻ, gần như chỉ tính tiền nguyên vật liệu. Nhưng muốn đi được đường dài và nâng cao chất lượng thì điều quan trọng là tính toán mức giá phù hợp”.

Hiện sản phẩm của 9x gồm 12 mẫu đèn làm từ ống sắt hoặc gỗ, từ 300.000 đồng đến 1,3 triệu đồng. Hình thức bán chủ yếu là ký gửi tại 7 cửa hàng ở khu vực có nhiều người nước ngoài sinh sống như Bùi Viện, Đề Thám (quận 1), Hai Bà Trưng (quận 3), Thảo Điền (quận 2)...

Hồ Hoàng Phúc (trái) và Nguyễn Lê Trung Hiếu (phải), đồng sáng lập Fanfix Việt Nam. Ảnh: NVCC.

Hồ Hoàng Phúc (trái) và Nguyễn Lê Trung Hiếu (phải). Ảnh: NVCC.

Hiện doanh thu trung bình khoảng 40 triệu đồng mỗi tháng. Mức thu nhập ổn định cũng là thời điểm Hiếu và Phúc đầu tư hơn về mẫu mã và chất lượng sản phẩm. Bóng đèn nhập từ Đài Loan, gỗ cũng được lựa chọn kỹ từ các vựa gỗ với số lượng hạn chế, chỉ làm một mẫu duy nhất.

Cả hai quyết định trang bị máy khoan tự động để nâng cao năng suất, trong 3 ngày có thể hoàn thành 100 sản phẩm. Hai bạn cũng nghiên cứu thêm sách, báo và thiết kế nước ngoài để lấy ý tưởng cho kiểu dáng đèn của riêng mình và tháng 3/2018 sẽ ra mắt cửa hàng riêng.

Giữa năm 2017, công ty đã phát triển thêm mảng nội thất bởi muốn đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm và mở rộng thị trường ra miền Trung. Sản phẩm đầu tiên là giá treo áo quần và sắp tới là bàn, ghế.

Nhìn nhận đang ở trong bước đầu phát triển, hai chàng trai trẻ xác định điều mình mong muốn tìm kiếm thêm là kinh nghiệm về quản lý, liên kết với nhiều đối tác trong lĩnh vực đồ thủ công, tạo nên cộng đồng cùng phát triển. Hai đồng sáng lập khẳng định, điều quý nhất trong quá trình khởi nghiệp là hai bạn tự làm từ đầu đến cuối, từ sản xuất đến marketing, quản lý... nên có thể hiểu được quy trình, rút ra kinh nghiệm và xác định những gì cần củng cố.

“Bọn mình học rất nhiều từ những lần gặp gỡ khách hàng và các bạn trong cộng đồng sáng tạo. Chính họ là người chỉ ra những điều mình còn thiếu và cũng là nơi truyền miệng, giúp sản phẩm lan truyền rộng rãi hơn”, Hiếu chia sẻ.

Y Vân