Hủy
StartUp 2019 Thứ bảy, 17/8/2019, 16:44 (GMT+7)

Startup cảnh báo quấy rối nơi công cộng của nhóm sinh viên Bách Khoa

Ứng dụng AI vào quản lý camera trong thang máy, hành lang tại các chung cư của nhóm cho phép phát hiện và cảnh báo hành vi quấy rối trong 0,17 giây. 

Trong số 8 đội thi tranh tài tại vòng chung kết cuộc thi AI Hackathon Quốc gia 2019 - National Grand Finale, chiều 16/8, hội đồng chuyên môn cũng như gần 1.000 khán giả có mặt ấn tượng với dự án "Trợ lý ảo phát hiện và can thiệp hành vi quấy rối nơi công cộng". Đây cũng là dự án duy nhất được ban tổ chức đặc cách vào vòng chung kết vì ý nghĩa xã hội cao.

Đặng Hải Minh, trưởng nhóm Antimatlab trình bày trong chung kết Hackathon 2019.

Phạm Hoàng Hải, trưởng nhóm Antimatlab trình bày trong chung kết cuộc thi AI Hackathon Quốc gia 2019. 

Cuộc thi AI Hackathon Quốc gia 2019 thuộc khuôn khổ Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2019 do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ kế hoạch và Đầu tư bảo trợ, đồng tổ chức bởi Topica và Kambria. Các dự án ứng dụng AI tiềm năng trên cả nước đã được thử thách, tuyển chọn và hỗ trợ phát triển từ các chuyên gia hàng đầu về AI trong hơn 1 tháng cho vòng National Grand Finale này.

Lấy ý tưởng từ những hành vi trái với đạo đức gây nhức nhối xảy ra gần đây, 5 sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội đã cùng nhau xây dựng dự án Antimatlab. Nhóm ứng dụng trí tuệ nhân tạo đặt tại các máy tính trung tâm cho phép phát hiện và can thiệp hành vi quấy rối ở những khu vực như thang máy, hành lang, ngõ hẻm. Tốc độ xử lý và truyền thông tin đến bộ phận an ninh chỉ trong 0,17 giây. 

"Ưu điểm của dự án là chúng em sử dụng những camera thông thường hiện nay chứ không phải thay mới camera AI gây lãng phí cho đơn vị sở hữu. Các thuật toán AI trên máy tính sẽ giúp đánh giá đây có phải hành vi quấy rối hay không để đưa ra cảnh báo kịp thời", Phạm Hoàng Hải, trưởng nhóm Antimatlab nói. 

Nhờ AI, ứng dụng có khả năng phân biệt giữa những hành vi thân thiết thông thường với quấy rối. Công nghệ trí tuệ nhận dạng ở tỷ lệ chính xác cao và phân loại dựa trên biểu hiện của con người. Mô hình kiểm thử của Antimatlab cho kết quả lên đến 86,5%.

Theo ông Đặng Nam Hải, đại diện Kambria, thành viên hội đồng giám khảo, ý tưởng có giá trị thực tiễn rất cao nếu ứng dụng thành công. Công nghệ hiện đại ra đời nhằm giải quyết bài toán mà con người hoặc luật pháp không làm được, Antimatlab là một ví dụ minh chứng cho điều đó. "Về mặt kinh doanh, sản phẩm có thị trường tiềm năng ngay tại Việt Nam. Các toà nhà, dự án hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ vào các vận hành an ninh", ông Đặng Nam Hải phân tích. 

Antimatlab dự định sẽ phát triển hoàn thiện hơn dự án để có thể thể sớm đưa vào thực tế nhất là trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều vụ việc quấy rối, gây nguy hiểm cho xã hội. 

Dự án "Trợ lý ảo phát hiện và can thiệp hành vi quấy rối nơi công cộng" do Antimatlab phát triển trong thời gian một tháng từ khâu lên ý tưởng đến hoàn thiện. Dù không chiến thắng trong chung kết cuộc thi AI Hackathon Quốc gia 2019, nhưng Antimatlab nhận nhiều dự quan tâm từ một số bên. Trong đó, Cyfeer (giải pháp quản lý chung cư của CenLand) đã đặt vấn đề hợp tác.

Chung kết cuộc thi AI Hackathon Quốc gia 2019 nằm trong khuôn khổ Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam AI4VN, do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ kế hoạch và Đầu tư, trường Đại học Bách Khoa cùng báo điện tử VnExpress phối hợp tổ chức. Sự kiện nhằm kết nối các nhà chính sách, quản lý, tập đoàn công nghệ, đơn vị nghiên cứu, kỹ sư... , tìm ra giải pháp thúc đẩy nghiên cứu, triển khai ứng dụng AI trong nhiều lĩnh vực như tài chính, thương mại điện tử, viễn thông, sản xuất, nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông, thành phố thông minh...

Đồng hành cùng AI4VN là Kambria, Topica, VietAI, McKinsey, Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam (Vietnam Innovation Network). 

Thành Dương