Hủy
Xu hướng Thứ năm, 4/4/2019, 08:11 (GMT+7)

Châu Á - trung tâm tăng trưởng mới của thế giới

Với sự chuyển dịch trong khu vực, người nhập cư và nguồn tiền ngày càng đổ nhiều về châu Á.

Laurent Le Pen, 36 tuổi, chuyển đến Thâm Quyến làm kỹ sư cho một công ty viễn thông Pháp vào 2007. Anh luôn cho rằng thành phố nằm ở tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc cũng giống bao điểm đến mới nổi khác tại châu Á nhưng ông nhanh chóng bị quyến rũ bởi nguồn năng lượng và tốc độ của nơi này.

Được truyền cảm hứng từ sự năng động của Thâm Quyến, Laurent Le Pen nghỉ việc tại công ty Pháp vào năm 2013 và ra mắt công ty riêng - chuyên bán thiết bị di động giúp quản lý sức khỏe và an toàn cho người cao tuổi.

Vào 2016, Laurent Le Pen tiếp tục mở công ty sức khỏe thứ hai - dựa trên các sóng âm trên bàn chải để và gửi dữ liệu vào ứng dụng điện thoại, mang đến gợi ý đặc biệt cho người dùng để cải thiện tình trạng răng miệng. Công ty đã bán được 500.000 chiếc bàn chải tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Le Pen dự kiến năm nay doanh số sẽ tăng gấp đôi là 1 triệu chiếc.

Tại Pháp, phải mất đến một năm để phát triển một thiết bị di động nhưng việc này có thể hoàn thành trong chưa đầy 6 tháng tại Trung Quốc. "Bạn có thể đi nhanh hơn hai lần, đó là tốc độ của Thâm Quyến", anh nói.

Le Pen không phải doanh nhân phương Tây đầu tiên bị hấp dẫn bởi nguồn năng lượng của Thâm Quyến - nơi ngày càng thách thức thung lũng Silicon như là ngôi nhà của những startup. Thành phố đã trở thành thỏi nam châm thu hút các tài năng và doanh nghiệp khắp nơi trên thế giới. Apple cũng không ngoại lệ khi thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển tại thành phố này vào năm 2017.

.Doanh nhân Pháp Laurent Le Pen được truyền cảm hứng khởi nghiệp từ nguồn năng lượng của Thâm Quyến. Ảnh: Takashi Kawakami.

.Doanh nhân Pháp Laurent Le Pen được truyền cảm hứng khởi nghiệp từ nguồn năng lượng của Thâm Quyến. Ảnh: Takashi Kawakami.

Năm 1980, Thâm Quyến trở thành đặc khu kinh tế đầu tiên của Trung Quốc và đến nay đây là một trong những nơi hưởng lợi lớn từ các chính sách cải cách và mở cửa của quốc gia đông dân thế giới. Ngoài các ông lớn công nghệ như Apple, Tencent hay Huawei, ước đoán thành phố này có khoảng 1,7 triệu công ty công nghệ cao vừa và nhỏ.

Theo Le Pen, thung lũng Silicon tập trung nhiều con người thông minh nhưng mọi thứ tại Thâm Quyến lại chạy nhanh hơn. "Ở đây, bạn có thể làm kinh doanh dễ dàng hơn bất cứ nơi nào trên thế giới", anh nhận định.

Tuy nhiên, Thâm Quyến không phải là cái tên đơn lẻ thu hút các doanh nhân đến châu Á.

Theo Liên Hợp Quốc, số người nhập cư đến châu Á đã tăng 20% từ năm 2010 đến 2017, gấp đôi tỷ lệ ở châu Âu. Năm 2017, lượng dân nhập cư ở châu Á là 79,6 triệu - hơn 40% so với Bắc Mỹ.

Theo Valerie Mercer-Blackman - nhà kinh tế tại Ngân hàng phát triển châu Á, ba mươi năm trước, mô hình ở lục địa này là tăng trưởng xuất khẩu. "Bạn sẽ thấy tất cả các quốc gia đơn thuần là sản xuất rồi xuất khẩu sang phương Tây. Còn bây giờ thì mọi thứ đã thay đổi".

Dòng chảy những người ngoại quốc như Le Pen cùng với những người di chuyển qua lại trong khu vực châu Á cũng gia tăng tính năng động cho khu vực.

Từ thế kỷ thứ 15 đến 17, người châu Âu đến châu Á khai thác tài nguyên và thuộc địa hóa. Đến thế kỷ 20, người châu Á nhập cư vào Mỹ và châu Âu để theo đuổi cuộc sống sung túc. Giờ đây, một trong những dòng chảy đang đổ lại về châu Á. Các doanh nhân đầy tham vọng bị hấp dẫn bởi các thành phố ở những quốc gia đang nổi trong khu vực - nơi họ tìm thấy những cơ hội sinh lợi bằng cách sử dụng công nghệ số để trám vào những lỗ hổng tồn tại trong cấu trúc hạ tầng.

Ron Hose, một người Mỹ 40 tuổi từng là nhà đầu tư tại thung lũng Silicon, là một trong số đó. Năm 2012, ông chuyển đến Manila, ra mắt dịch vụ thanh toán và chuyển tiền quốc gia thông qua di động sau khi nhận thấy nhiều người Philippines không có tài khoản ngân hàng. Theo thống kê, đến năm 2017, vẫn có 77% người dân tại quốc gia này không có tài khoản ngân hàng.

"Có nhiều nỗi đau khắp hệ sinh thái và nơi nào có nỗi đau, nơi đó có cơ hội", ông nhận định.

Với dịch vụ của mình, Hose hướng đến nhu cầu của những người Philippines làm việc ở nước ngoài - lực lượng đóng góp 10% kinh tế quốc gia. "Châu Á là nơi dành cho đổi mới", Hose tự nói với chính mình vào thời điểm quyết định chuyển đến Manila.

Greg Moran, 33 tuổi, là chủ một công ty cho thuê xe hơi tại Ấn Độ. Ông đến quốc gia Nam Á lần đầu vào năm 2011 và nhìn thấy hiện trạng chưa phát triển của giao thông tại vùng đất này, đặc biệt là rất nhiều người ngồi trên cùng một chiếc xe nhỏ hay thậm chí là một chiếc xe máy đơn. Khoảnh khắc đó, ông biết đây chính là lúc để bắt đầu kinh doanh qua nền tảng di động.

"Tôi thật sự không muốn bỏ lỡ cơ hội trở thành người dịch chuyển đầu tiên trong một thị trường lớn và tăng trưởng cao như vậy". Với lý do ấy, Moran bỏ học trường kinh doanh tại Mỹ một năm sau đó và chuyển đến Bangalore. Vào 2013, ông mở công ty đầu tiên tại Ấn Độ chuyên cho thuê xe hơi.

Hơn 4 triệu chiếc xe mới được bán ra mỗi năm tại Ấn Độ nhưng chỉ có 2% trong số dân khổng lồ 1,3 tỷ người tại đây có sở hữu xe hơi. Điều này có nghĩa nhu cầu thuê và dịch vụ chia sẻ xe sẽ rất cao. Dân số gia tăng và ngày càng có hiểu biết về số hóa mở ra những thị trường mới cũng như các ứng dụng về dịch vụ trả tiền.

Theo Moran, môi trường kinh doanh tại Ấn Độ rất thách thức nhưng cơ hội là rất lớn. Cứ mỗi năm, nền kinh tế của quốc gia này tăng trưởng nhanh hơn 6% và rất rộng mở với các doanh nhân nước ngoài nói tiếng Anh. "Chẳng có nơi nào như thế trên trái đất này", ông nói.

Số lượng lớn những người nắm lấy các cơ hội mới từ các quốc gia khác cũng mang đến nhiều vấn đề. Vào tháng 3/2018, Bộ trưởng Nhân lực Singapore thời điểm đó là Lim Swee Say từng chỉ trích hiện trạng "có quá nhiều người nước ngoài và cạnh tranh quá khốc liệt để tìm kiếm công việc".

Nước này cho rằng lao động nước ngoài chiếm đến 30%. Trong khi chính quyền quyết định cắt giảm lượng lao động nhập cư để giảm đi bất mãn phổ biến trong cộng đồng, sự thay đổi có thể dẫn đến vấn đề tăng trưởng chậm của nền kinh tế.

Ở thời điểm mà Mỹ và các quốc gia châu Âu ngày càng gia tăng các chính sách đóng cửa, một số quốc gia tại châu Á, trong đó có cả Nhật, lại bắt đầu chấp nhận lao động nước ngoài để bù đắp vào nguồn nhân lực ngày càng già nua. Các quốc gia này lại đối mặt với các câu hỏi liệu có thật sự sẵn sàng chấp nhận ngày càng nhiều người nước ngoài góp mặt trong nền kinh tế của mình hay không.

Bán 80.000 quả sầu riêng trong một phút

Sau hàng thập kỷ đuổi theo thế giới phát triển thông qua sản xuất, châu Á trở thành trung tâm chính của đổi mới. Động lực cơ bản đứng sau sự chuyển đổi này là 4 tỷ người tiêu dùng, tức gần một nửa số dân toàn cầu. Những thành phố nhộn nhịp của châu Á đang gặp nhiều vấn đề của thành thị, từ ô nhiễm đến ùn tắc giao thông, nhưng điều đó cũng cho thấy khối lượng lớn dữ liệu gia tăng phát triển của nền kinh tế số.

Tại tỉnh Chanthaburi của Thái Lan - vùng đất nổi tiếng với các loại trái cây nhiệt đới, một nông dân đã trải nghiệm sức mạnh chuyển đổi của kỷ nguyên công nghệ số đang lan rộng khắp châu Á.

Với người trồng sầu riêng 61 tuổi Roong Suparoj, cuộc sống đã thay đổi kỳ diệu trong nhiều năm trở lại đây nhờ vào gã khổng lồ ngành thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba. Việc xuất khẩu đã nâng giá thành sầu riêng của Thái Lan, kéo theo gia tăng thu nhập của nông dân trong mùa thu hoạch của năm 2018 lên mức 30 triệu bath (tức 945.000 USD).

Nền tảng mua sắm online của Alibaba đóng góp vào cuộc bùng nổ rộng lớn trong nhu cầu của người Trung Quốc với loại trái cây có mùi đặc biệt này. Tháng 4/2018, khi chủ tịch Alibaba Jack Ma đến thăm Thái Lan, ông khiến chính quyền sững sờ khi thông báo chính thức bán 80.000 quả sầu riêng tại đây chỉ trong một phút thông qua website của Alibaba.

Thương mại điện tử giúp gia tăng doanh số cho sầu riêng Thái Lan. Ảnh: Takashi Kawakami.

Thương mại điện tử giúp gia tăng doanh số cho sầu riêng Thái Lan. Ảnh: Takashi Kawakami.

Tập đoàn của Jack Ma đã thiết lập cơ sở hạ tầng về thương mại điện tử rộng lớn kết nối doanh nghiệp và người tiêu dùng khắp Trung Quốc. Đế chế này giúp các doanh nghiệp nhỏ và nông dân địa phương bán các sản phẩm của mình cho người tiêu dùng mà không cần phải phụ thuộc vào các mạng lưới truyền thống được kiểm soát bởi các hãng bán lẻ khổng lồ.

Alibaba đang xây dựng trung tâm vận chuyển công nghệ cao ở các quốc gia như Thái Lan hay Malaysia để mang các sản phẩm bản địa đến với thị trường lớn tại Trung Quốc như một phần của cuộc dịch chuyển mở rộng mà Jack Ma gọi là "mở cửa toàn cầu cho mọi người".

Trong khi Alibaba đang xây dựng kế hoạch lớn để mở rộng ra toàn cầu, các nền tảng mạng xã hội đang phát triển nhanh chóng giúp nhiều người ở châu Á bán sản phẩm của mình theo cách mà trước đây chỉ các nhà bán lẻ mới có thể đạt được.

Khoảng 30 triệu người dùng cá nhân đang bán hàng qua WeChat - một nền tảng nhắn tin và mạng xã hội ở Trung Quốc, trong khi Facebook trở thành nền tảng bán lẻ phổ biến tại Thái Lan và Việt Nam. Nhiều nhà bán lẻ trong số đó đang bán các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài.

Một người bán lẻ 38 tuổi ở Việt Nam dùng các nền tảng như Facebook để bán hàng. Theo anh, cách này giúp xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn với khách hàng bởi uy tín cá nhân rất quan trọng trong mua sắm tại nhiều quốc gia châu Á. Mạng xã hội là cách hiệu quả để giao dịch với các nhà bán lẻ nhỏ trong khu vực.

Theo hãng nghiên cứu We Are Social của Anh, người dùng tại Đông Nam Á dành trung bình 2-3 giờ mỗi ngày để liên lạc qua Facebook, Twitter và các nền tảng tương tự. Ở Trung Quốc, mọi người dành trung bình khoảng hai giờ mỗi ngày hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội. Trong khi đó, thời gian này tại Nhật Bản là 48 phút.

Các quốc gia châu Á cũng chiếm nhiều vị trí cao trong danh sách những người dùng Internet nhiều nhất. Trong đó, Thái Lan dẫn đầu với trung bình 9 giờ lướt web hàng ngày của một người dùng.

Theo ước đoán của Alibaba và Accenture, mua sắm trực tuyến xuyên biên giới đã bùng nổ tại châu Á - Thái Bình Dương trong vài năm trở lại đây. Vào 2020, lượng giao dịch quốc tế thông qua Internet tại khu vực này sẽ nhiều hơn 170% so với Bắc Mỹ và 120% với châu Âu. Theo số liệu gần đây nhất là vào năm 2014, ba khu vực có lượng giao dịch ngang bằng nhau.

"Công nghệ có thể mở ra những cách thức khó mà tưởng tượng được khi chuyển đến những nơi có văn hóa và môi trường kinh tế khác nhau", Akiya Nagata, Giáo sư kinh tế tại Đại học Kyushu nhận định.

Khách sạn gia tăng sức mạnh với AI

Millennial châu Á - những người có độ tuổi từ 20-30 và lớn lên trong một xã hội kết nối trở thành những doanh nhân và người tiêu dùng am hiểu công nghệ.

Ritesh Agarwal, nhà sáng lập chuỗi khách sạn bình dân Oyo ở Ấn Độ, là một trong những doanh nhân ở thế hệ millenial thành công nhất châu Á. Anh mở mô hình kinh doanh vào năm 2013 ở tuổi 19 và chỉ trong hai năm đã xây dựng Oyo trở thành chuỗi khách sạn lớn nhất Ấn Độ nếu tính theo số phòng.

Oyo cũng trở thành nhà vận hành của chuỗi khách sạn lớn tại Trung Quốc với 500.000 phòng trong và ngoài nước. Việc mở rộng nhanh chóng được thúc đẩy bởi khả năng thu thập và phân tích dữ liệu kinh doanh khổng lồ của Oyo. Chuỗi khách sạn thay đổi giá phòng riêng rất nhanh để tối đa hóa lợi nhuận, sử dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích dữ liệu cho các yếu tố như nhu cầu, nguồn cung, sự kiện và thời tiết.

Ritesh Agarwal - nhà sáng lập chuỗi khách sạn Oyo. Ảnh: Akira Kodaka.

Ritesh Agarwal - nhà sáng lập chuỗi khách sạn Oyo. Ảnh: Akira Kodaka.

CEO SoftBank Masayoshi Son rất ấn tượng với cách quản lý chuỗi của Oyo, đặc biệt là số lượng lần thay đổi giá phòng lên đến 48 triệu mỗi ngày. Ông ca ngợi mô hình kinh doanh này là "quản lý khách sạn cho thời đại mới" và quyết định đầu tư thông qua quỹ Tầm nhìn của SoftBank - rót 800 triệu USD trong vòng gọi vốn của Oyo vào tháng 9 năm ngoái.

Oyo cũng đã mở rộng sang Anh và bước vào thị trường Nhật thông qua liên doanh với Yahoo Nhật. Cách mà chuỗi khách sạn tận dụng công nghệ thông tin có nguồn gốc từ phương Tây để thâm nhập vào các quốc gia tại đây là hiện thân của sự đổi mới và tham vọng đang lan rộng khắp châu Á.

Vẫn còn rất nhiều không gian để phát triển ở châu Á – nơi chiếm 50% dân số và 30% kinh tế thế giới. Theo dự đoán của ADB, đến năm 2050, quy mô kinh tế của châu lục này sẽ tăng lên một nửa thế giới. Khi khoảng cách được thu hẹp, bộ mặt kinh tế của khu vực được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng chóng mặt.

Theo chuyên gia Mercer-Blackman từ ADB, các quốc gia châu Á đóng góp khoảng 50% hoặc hơn trong sự tăng trưởng của thế giới. "Ngay cả khi sản xuất truyền thống được chuyển đổi bởi tự động hóa, các công ty tại đây sẽ ngày càng mở rộng nhanh hơn. Thông qua mở rộng và nhu cầu của thị trường, ngày càng nhiều công việc sẽ được tạo ra", ông phân tích.

Trương Sanh (theo Nikkei Asian Review)