Hủy
Xu hướng Thứ ba, 5/4/2016, 15:35 (GMT+7)

Làn sóng khởi nghiệp tại Việt Nam: Từ FPT đến Flappy Bird

Tờ Wall Street Journal cho rằng câu chuyện của FPT, BKAV hay Flappy Bird là những minh chứng về sự phát triển của văn hóa khởi nghiệp và công ty tư nhân tại Việt Nam.

Năm 1988, một nhóm kỹ sư Việt Nam đã có hợp đồng đầu tiên, cung cấp máy tính cho Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Một trong những chiếc máy đầu tiên của họ vẫn còn được trưng bày tại Hà Nội. "Hồi đó, chúng tôi thật điên rồ", ông Trương Gia Bình - một trong những người lãnh đạo nhóm này cho biết.

Ngày nay, công ty được thành lập bởi nhóm kỹ sư đó - FPT - đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu tại Việt Nam với gần 27.000 nhân viên và doanh thu gần 1,8 tỷ USD năm 2015.

lan-song-khoi-nghiep-tai-viet-nam-tu-fpt-den-flappy-bird

Chiếc máy tính đến nay vẫn được trưng bày tại FPT. Ảnh: Kế Thu

Sự trỗi dậy của FPT và các công ty trong nước khác đang cho thấy sự phát triển của các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Nhà đầu tư nước ngoài thường coi Việt Nam là nơi có thể trả lương thấp, tiền thuê nhà thấp, từ đó sản xuất được quần áo, điện thoại với giá rẻ hơn cả Trung Quốc.

Họ đã đúng, rất nhiều hãng dệt may đã đổ đến đây những năm qua. Các hãng công nghệ đa quốc gia cũng vậy. Samsung hay Intel đều đã mở nhà máy sản xuất lớn ở đây. Các thiết bị điện tử của Samsung hiện đóng góp hơn 10% xuất khẩu cho Việt Nam.

Nhưng giờ đây, các hãng khởi nghiệp và công ty tư nhân Việt Nam đang tìm cách thoát khỏi bóng của những doanh nghiệp công nghệ nước ngoài và công ty quốc doanh lớn, để khẳng định tên tuổi cho mình.

"Chúng tôi khẳng định Việt Nam là điểm đến đầu tư. Samsung, Intel, Foxconn và Nokia đều đã chứng minh điều đó", ông Trương Gia Bình - Chủ tịch FPT cho biết. Công ty này đang phát triển phần mềm điện toán đám mây cho General Electric, và có nhiều khách hàng lớn, như AT&T.

Hãng nghiên cứu Gartner xếp Việt Nam là một trong 5 nước cung cấp dịch vụ thuê ngoài (outsource) hàng đầu châu Á, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Sri Lanka. Xếp hạng này tăng mạnh so với vị trí 30 năm 2010.

Trong một khảo sát công bố hồi tháng 2, hãng cho biết Việt Nam là lựa chọn giá rẻ với các công ty quốc tế, khi trình độ tiếng Anh ngày càng được cải thiện.

Các lập trình viên trong nước và nước ngoài đều đã bước chân vào cuộc chơi tại đây. Năm 2013, hơn 100.000 doanh nghiệp đã đăng ký mở website, theo số liệu mới nhất của Bộ Thông tin - Truyền thông Việt Nam. Con số này tăng 170% so với năm trước đó.

BKAV cũng đang dần lấn sân mảng điện tử tiêu dùng, khi làm điện thoại di động, cạnh tranh với Samsung hay Apple. Giám đốc BKAV - Nguyễn Tử Quảng thậm chí còn ăn mặc theo phong cách Steve Jobs trong buổi giới thiệu sản phẩm Bphone năm ngoái.

lan-song-khoi-nghiep-tai-viet-nam-tu-fpt-den-flappy-bird-1

CEO BKAV - Nguyễn Tử Quảng trong buổi ra mắt Bphone năm ngoái.

Nguyễn Hà Đông - tác giả game di động đình đám "Flappy Bird" cũng đang lên kế hoạch quay lại. Trong năm nay, anh dự kiến ra mắt hàng loạt sản phẩm mới. FPT thì đang xin giấy phép cung cấp dịch vụ 4G tại Việt Nam và còn dành 50 triệu USD một năm cho việc mua, hoặc đầu tư vào các hãng khởi nghiệp tại Mỹ. Một số dự án khác là nền tảng dạy học trực tuyến có tên - FUNiX, kết nối người dạy và học viên, để tạo ra thế hệ lập trình viên mới, ngoài lượng sinh viên tốt nghiệp hằng năm từ Đại học FPT.

Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam cũng có doanh thu 4 tỷ USD năm ngoái, gấp nhiều lần so với chỉ 700 triệu USD năm 2012. Sự phát triển này đã tạo ra rất nhiều công ty, như hotdeal.vn.

Dù vậy, không phải tất cả những doanh nghiêp này đều hoạt động suôn sẻ như dự kiến. Bkav đã thu hồi Bphone năm ngoái sau khi nhận được nhiều phản hồi về lỗi sản phẩm. Năm nay, hãng cho biết đã sẵn sàng tung ra phiên bản mới với nhiều cải tiến hơn. Công ty cũng sẽ lấn sân các mảng khác, như đồng hồ thông minh.

Những công ty này cũng đã cho thấy tham vọng của Việt Nam, là phát triển dựa vào công nghệ, cũng như Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc). Ông Bình cho biết dù hiện tại, Việt Nam có đủ khả năng sản xuất sản phẩm trong nước, việc marketing vẫn phải làm tốt hơn nữa để thu hút vốn đầu tư.

Alphabet - công ty mẹ Google gần đây đã công bố kế hoạch đào tạo 1.400 kỹ sư tại Việt Nam. CEO Google - Sundar Pichai hồi tháng 12 năm ngoái cũng tới Việt Nam và tham gia một diễn đàn với các nhà khởi nghiệp trẻ. Ông cho biết họ có thể thành công trên toàn cầu nhờ sự phổ biến của Internet và văn hóa khởi nghiệp mạnh. Ông khẳng định chẳng có lý do gì các công ty Việt Nam không thể theo kịp Ấn Độ hay Trung Quốc.

"Tôi cho rằng đây chỉ là vấn đề về thời gian. Và tôi nghĩ rằng rất nhiều người trong số các bạn đã làm những việc như thế rồi", Pichai cho biết.

Chính phủ Việt Nam cũng đã nới lỏng nhiều điều luật với các công ty công nghệ. "Chúng ta đang sống trong nền văn hóa tri thức. Nho giáo, Phật giáo và Đạo Lão đã tạo ra chúng ta như ngày nay. Vì thế, anh cần phải biết tận dụng", ông Bình kết luận.

Hà Thu (theo WSJ)