Hủy
Ý tưởng mới Chủ nhật, 25/10/2015, 08:13 (GMT+7)

60 phút quyết định 5,5 triệu USD đầu tư vào start-up của nữ đầu bếp

Đằng sau cuộc đàm phán quyết định kéo dài một giờ với quỹ đầu tư ngoại là những ngày chuẩn bị gian nan mà nữ đầu bếp - doanh nhân trẻ Đào Chi Anh phải trải qua trên hành trình gọi vốn. 

Thành lập năm 2013, dự án khởi nghiệp với chuỗi nhà hàng KAfe Group của Đào Chi Anh vừa gây chú ý khi nhận được khoản đầu tư 5,5 triệu USD (hơn 120 tỷ đồng) của Cassia Investments - một quỹ đầu tư đến từ Hong Kong (Trung Quốc). Nữ đầu bếp - doanh nhân sinh năm 1984 này vừa có chia sẻ với VnExpress về quá trình gọi vốn nhiều thử thách, cũng như dự định phát triển chuỗi nhà hàng với số vốn khó tin với một dự án khởi nghiệp. 

60-phut-quyet-dinh-5-5-trieu-usd-dau-tu-vao-start-up-cua-nu-dau-bep

Đào Chi Anh thích nấu ăn và đam mê kinh doanh. Ảnh: NVCC

- Lần đầu tiên nhận khoản đầu tư hàng triệu USD, cảm giác của chị khi ấy như thế nào?

- Lúc Cassia quyết định kết thúc đàm phán và đầu tư khoảng 5 triệu USD, còn một số quỹ nhỏ khác góp 500.000 USD, cảm xúc của mình giống như vỡ oà. Đúng như một người bạn nhận xét: "từ nay Chi Anh sẽ không phải đi vay tiền nữa", mình như trút được gánh nặng lớn.

Trước đó, kế hoạch mở rộng 6 cửa hàng ở Hà Nội ngốn hết thời gian và tâm trí của mình. Vốn lớn, chi phí mỗi điểm khoảng 3 tỷ đồng. Trước đây, ngày nào mình cũng phải đau đầu suy nghĩ xem hôm nay đi vay tiền chỗ nào, trả nợ ai. Thời gian đó rất kinh khủng. Chính điều đó đã khiến mình quyết định ra nước ngoài kêu gọi đầu tư và thật may là điều đó trở thành sự thật.

- Hành trình đến với khoản đầu tư ấy cụ thể ra sao?

- Phải nói là một hành trình dài, đủ mọi cung bậc và nhiều lúc mình đã muốn bỏ cuộc. Mình may mắn được một người bạn Việt kiều giúp đỡ. Anh ấy đã có rất nhiều kinh nghiệm trong việc gọi vốn đầu tư. Một lần tình cờ ghé qua KAfe, thấy ấn tượng nên anh ấy muốn giúp đỡ.

Sau 6-7 lần gọi điện, mình quyết định gặp và được anh ấy giúp tiếp xúc với các quỹ ngoại. Tháng 6/2015, mình lên đường đi Anh, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore. Trong suốt 3 tuần ở nước ngoài, mình đã gặp hàng trăm quỹ ngoại, mỗi lần gặp là mỗi lần hy vọng, một cuộc hẹn chỉ kéo dài 30-60 phút. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi, phải cho họ biết mình là ai, từ đâu đến, tại sao họ lại phải đầu tư, bản thận có gì đặc biệt, sẽ làm gì khi được đầu tư…

Nói chung mình phải vẽ lên bức tranh, kể một câu chuyện tương lai cho họ nghe. Các quỹ đầu tư này họ hỏi rất nhiều, đưa ra các tình huống phải ứng biến nhanh. Nếu như mình chỉ cần hơi lúng túng là sẽ trượt ngay. Rất nhiều quỹ họ nói: "Xin lỗi nhưng bây giờ bạn bé quá, khi nào bạn lớn hơn chúng tôi nhất định sẽ đầu tư"…

Gần 100 cuộc gặp nhưng chỉ có khoảng 10 quỹ họ liên lạc lại, một vài trong số đó sang tham quan nhưng lại nói rằng "đây chưa phải là mô hình họ muốn đầu tư". Chỉ còn vài quỹ muốn tìm hiểu sâu hơn. Mất khoảng 200 triệu đồng cho chuyến đi này nhưng bù lại chính những đánh giá của các quỹ về KAfe giúp mình nhận ra những thứ mình đang xây dựng rất đặc biệt, là sự pha trộn giữa "tây" và "ta", nhiều nước trên thế giới cũng không có.

- Với riêng Cassia Investments, chị đã làm như thế nào để nhận được cái gật đầu của họ?

- Cứ tưởng đi gọi vốn đã khó nhất rồi nhưng mãi sau này, mình mới nhận ra giai đoạn căng thẳng nhất là đàm phán. Lúc đến văn phòng của Cassia, họ ấn tượng ngay khi mình đưa ra menu. Sau một giờ nói chuyện mang tính quyết định, chủ của quỹ này là hai anh còn rất trẻ bảo sẽ sang Việt Nam tìm hiểu luôn. Họ là một quỹ trẻ, hiện đại nhưng rất khắt khe. Họ bắt đầu đưa các luật sư, chuyên gia kiểm toán quốc tế đến Việt Nam để xem xét từ hồ sơ nhân viên, sổ sách, báo cáo, đóng thuế và bảo hiểm, chất lượng đồ ăn, bếp có đạt quy chuẩn vệ sinh không, nguồn gốc thực phẩm, hệ thống phòng cháy...

Thậm chí họ còn điều tra về gia đình, tài khoản mạng xã hội xem mình là người như thế nào. Đây là giai đoạn cực kỳ gay gắt giữa hai bên, mỗi tháng họ sang Việt Nam hai lần và mỗi lần đều đưa các luật sư, chuyên gia quốc tế đến cửa hàng để điều tra. Họ không ngừng chất vấn, đòi hỏi mình đáp ứng. Mình cũng phải thuê các luật sư giỏi nhất ở Sài Gòn, các chuyên gia quốc tế để thương lượng với họ. Tiền thuê các chuyên gia này rất lớn, lúc đó chỉ hứa khi gọi vốn thành công sẽ thanh toán đẩy đủ.

- Đâu là thách thức lớn nhất với với chị trong quá trình đàm phán này?

- Khi họ đưa ra những điều khoản khó khăn như tái cơ cấu, thay thế toàn bộ nhân viên mình đã suýt bỏ cuộc. Kinh doanh vì đam mê, những người bạn đã đi cùng với mình ngay từ những ngày đầu, tình cảm như gia đình vậy mà giờ chỉ vì cần tiền phát triển mà từ bỏ nhau liệu có đáng không? Khi gần như bỏ cuộc thì họ lại nhượng bộ, thậm chí còn quyết định trích một quỹ nhỏ để cho các nhân viên cũng có cổ phần trong công ty.

Nhiều người lo lắng dự án sẽ bị thâu tóm và mình sẽ chỉ đi làm thuê cho họ thôi. Với Cassia, mình tin là không có chuyện đó. Họ giống như người anh cả cùng thuyền, mình được nắm quyền quyết định và chỉ cần cam kết không được bán cổ phần và đi mở một chuỗi cửa hàng khác tương tự.

- KAfe sẽ hoạt động như thế nào sau khi được đầu tư một số tiền lớn như vậy?

- Số tiền 5,5 triệu USD sẽ dùng để mở rộng ra 26 cửa hàng ở Hà Nội và TP HCM ngay trong năm nay. Bọn mình cũng đã xây bếp trung tâm, tức là đồ ăn sẽ được chế biến tập trung ở đây sau đó vận chuyển đến từng nhà hàng. Mình có kế hoạch mua lại một vài nông trại, xây dựng một hệ thống sinh thái, chuỗi cung ứng ổn định, đảm bảo chất lượng, theo mô hình từ nông trại đến bàn ăn. Mình muốn nấu những món ăn cho khách hàng và cho họ biết rau họ ăn được trồng ở đâu, thịt được lấy từ nông trại nào… Kế hoạch công việc và mở cửa hàng đã được tính kỹ về địa điểm để đảm báp giới trẻ sẽ hết sức chào đón.

- Gọi vốn từ quỹ ngoại là một trải nghiệm mới mẻ với những người khởi nghiệp ở Việt Nam. Chỉ có kinh nghiệm gì muốn chia sẻ?

- Nhiều người bảo không nên chia sẻ những kỹ năng gọi vốn. Mình lại cho rằng đây có thể là một xu hướng cho các bạn trẻ với nguồn vốn hạn hẹp mà đam mê kinh doanh, bởi vay vốn ngân hàng rất khó khăn với start-up. Mình khá may mắn khi được sinh ra ở Nga, lớn lên ở Đức, Đài Loan (Trung Quốc). Học tập làm việc thời gian dài ở Singapore nên mình có thể nói tiếng Anh, tiếng Trung lưu loát, kỹ năng trình bày tốt. Các quỹ ngoại họ chỉ có 30 phút gặp gỡ nên mình phải nói thật ấn tượng. Nếu như không nhạy cảm, ứng biến tốt, sắc xảo hoặc chỉ nói khô khan về mấy chỉ tiêu tài chính, kinh doanh sẽ bị họ cho là máy móc và bỏ qua ngay.

Về lời khuyên, mình nghĩ cái quan trọng khi đi gọi vốn bạn phải biết mình là ai, mình có gì đặc biệt, đến với kinh doanh vì mục đích gì và sẽ làm được gì cho thế giới này. Các quỹ ngoại họ thích lắng nghe điều đó hơn là các con số lợi nhuận, doanh thu. Chẳng hạn như dự án của mình có sự pha trộn giữa châu Âu và châu Á… Tại sao một nhà hàng lại chỉ bó buộc trong một phong cách. KAfe chính là một phần của con người mình, một cô gái pha trộn giữa đủ các nền văn hoá trên thế giới. Có thể nay cô gái mặc quần cá tính nhưng ngày mai sẽ trở lại dịu dàng. Mình chỉ muốn nói rằng khi ra nước ngoài kêu gọi vốn, trước hết bạn phải là chính bạn chứ không phải là con robot ai cũng giống ai hoặc bản sao của một thương hiệu nào đó.

- Kế hoạch dài hơi của chị với chuỗi nhà hàng là gì?

- Mục tiêu của mình và các nhà đầu tư là đưa KAfe lên sàn chứng khoán quốc tế trong vòng 2 năm tới. Bọn mình dự định mở chuỗi nhà hàng tại London, Singapore, Hong Kong, Mỹ… Sắp tới, mình sẽ tiếp tục đi gọi vốn tiếp, gặp những quỹ lớn hơn với mục tiêu thu hút vốn ít nhất là gấp đôi. Không thể nói trước nhưng mình cứ đặt mục tiêu để cố gắng và tự tin thực hiện.

Mình đến với nghiệp kinh doanh, vất vả khổ sở vì nó tất nhiên mục đích không phải vì tiền. Nếu chỉ làm vì tiền, vì danh vọng, vì tự do làm chủ thì mình đã bỏ cuộc từ lâu rồi. Vì thực sự quá khó khăn và mệt mỏi và phải đầu tư quá nhiều thời gian. Có thể đó là sở thích nấu ăn, đam mê ẩm thực và nghệ thuật sống, là một hành trình khám phá chính mình, sẵn sàng thay đổi khi thế giới thay đổi. Có thể nhà hàng hôm nay hợp với sở thích của người trẻ nhưng vài năm nửa, sở thích của họ thay đổi thì bọn mình cũng sẵn sàng trưởng thành để đón đầu xu hướng.

Bạch Dương