Hủy
Ý tưởng mới Thứ tư, 28/2/2018, 16:08 (GMT+7)

Startup bán hàng không nhãn hiệu nhận vốn 50 triệu USD

Dự án Brandless (Mỹ) sản xuất và bán các sản phẩm thức ăn, gia dụng, làm đẹp, chăm sóc sức khỏe… không mang tên thương hiệu, đồng giá 3 USD.

Thay vì in tên thương hiệu của mình lên bao bì, công ty Brandless (Mỹ) lại có quyết định táo bạo là chỉ in thông tin chi tiết quan trọng lên sản phẩm như nguồn gốc, cách sử dụng, có phải là sản phẩm hữu cơ hoặc chứa đường hay không… Những nhãn mác này do chính công ty thiết kế với độ ngũ chuyên gia dinh dưỡng, thực phẩm.

Điều này giúp sản phẩm cắt giảm thuế thương hiệu và các chi phí liên quan đến mô hình phân phối hàng tiêu dùng đóng gói theo cách truyền thống. Nhờ vậy, Brandless có thể cung cấp hàng hóa với giá trung bình rẻ hơn 40% so với các sản phẩm tương đương trên thị trường.

Sản phẩm của Brandless không in tên thương hiệu lên bao bì mà chỉ có các thông tin chi tiết về sản phẩm. Ảnh: Bussiness Insider.

Sản phẩm của Brandless không in tên thương hiệu lên bao bì mà chỉ có các thông tin chi tiết về hàng hóa. Ảnh: Business Insider.

Theo hai nhà sáng lập Tina Sharkey và Ido Leffler, ý tưởng đến với họ khi chứng kiến hàng loạt tên tuổi, nhãn hiệu hàng hóa ra đời và chết yểu trên thị trường Mỹ, trong khi khách hàng phân khúc bình dân có xu hướng không để ý đến tên thương hiệu khi mua sắm mà cân nhắc về giá cả nhiều hơn.

Tất cả sản phẩm đều có mức giá 3 USD, khoảng 60.000 đồng. Sở dĩ công ty chọn mức giá này bởi nó đảm bảo chất lượng và đủ để khách hàng cảm thấy thoải mái khi sắm sửa. Hiện có khoảng 250 loại sản phẩm trên website mua bán của công ty.

Theo CEO Sharkey lý giải, mục đích của dự án là giúp mọi người có thể tiếp cận với hàng hóa chất lượng với mức giá hợp lý. Việc đồng giá cũng giúp đơn giản hóa các thao tác mua hàng. Khi truy cập vào website, khách hàng chỉ cần trả lời hai câu hỏi: muốn mua gì và số lượng bao nhiêu.

Một lý do khác giúp hàng hóa của công ty có mức giá này là đội ngũ phát triển sản phẩm đã giới hạn số lượng hàng hóa công ty sản xuất ra chỉ trong vòng vài trăm loại thiết yếu nhất, đảm bảo tiết kiệm chi phí sản xuất mà vẫn đem lại hiệu quả thương mại. Trong khi nhiều công ty bán lẻ của Mỹ sản xuất hàng nghìn hàng hóa chủng loại khác nhau thì Brandless chỉ sản xuất khoảng 12 dòng cho mỗi loại sản phẩm.

Hai nhà sáng lập công ty Brandless là Tina Sharkey và Ido Leffler đã từng có nhiều dự án khởi nghiệp trước đó. Ảnh: Business Insider.

Hai nhà sáng lập công ty Brandless là Tina Sharkey và Ido Leffler đã từng có nhiều dự án khởi nghiệp trước đó. Ảnh: Business Insider.

Trong vòng 3 năm trước khi chính thức ra mắt công ty vào tháng 7/2017, Sharkey và Leffler đã xây dựng tập hợp sản phẩm gồm thực phẩm lâu hư hỏng, chăm sóc sức khỏe, mỹ phẩm, đồ tẩy rửa, hàng tiêu dùng cá nhân, gia dụng và đồ dùng văn phòng. Công ty cũng hướng đến các dòng sản phẩm mới đón đầu xu hướng và sẽ sản xuất cả các mặt hàng theo mùa vụ để đáp ứng nhu cầu mua sắm mỗi dịp lễ.

Nhằm giảm bớt chi phí phân phối và những phí khác liên quan đến quá trình bán lẻ, công ty chọn hình thức bán trực tuyến. Quy trình này góp phần tạo nên mối quan hệ trực tiếp giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng.

"Với cách thức phân phối sản phẩm hiện nay, khách hàng của nhiều doanh nghiệp là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi siêu thị, chứ không phải là người tiêu dùng cuối cùng", nhà sáng lập Sharkey lý giải.

Đó cũng là cách để công ty giảm bớt chi phí trung gian, tiếp nhận trực tiếp phản hồi của khách hàng để nâng cấp thêm nhiều dòng sản phẩm phù hợp thị trường.

Đến nay số vốn đầu tư mà công ty nhận được đã lên đến 50 triệu USD từ những quỹ đầu tư tên tuổi như Google, Redpoint, Cowboy… sau 3 vòng gọi vốn, trước cả khi công ty ra mắt thị trường.

Dự kiến Brandless sẽ triển khai dòng sản phẩm với mức đồng giá mới, nhưng vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi là đảm bảo chất lượng và giá cả phù hợp túi tiền đa số người lao động.

Y Vân (Theo Business Insider, Tech Crunch)