Với dân số 93 triệu người, tỷ lệ cơ cấu dân số trẻ, số lượng người dùng các thiết bị thông minh lớn cùng tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh chóng và ngày càng quan tâm đến các vấn đề sức khoẻ, bảo hiểm, khám chữa bệnh; Việt Nam được đánh giá là hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để các startup công nghệ y tế (MedTech) phát triển.
Thêm vào đó, chất lượng dịch vụ ngành y tế vẫn còn một số vấn đề bất cập cần giải quyết chính là "mảnh đất màu mỡ" để các công ty khởi nghiệp lĩnh vực y tế công nghệ cao nghiên cứu phát triển, cung cấp nhiều giải pháp thông minh ra thị trường.
Hiện, Việt Nam có nhiều startup lĩnh vực công nghệ y tế như BookingCarer, Sức khỏe Việt, Homicare, ViCare Corp, OneLink, Manaphar..., cung cấp đa dạng các giải pháp cho cả bệnh viện lẫn người bệnh từ phần mềm quản lý bệnh nhân online, ứng dụng đặt lịch hẹn khám trực tiếp với bác sĩ, ứng dụng theo dõi sức khỏe tự động, ứng dụng tư vấn dinh dưỡng dựa trên thể trạng người dùng...
Tuy vậy, các công ty khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ y tế vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận với các bệnh viện, giới thiệu sản phẩm, chào bán công nghệ, ông Nguyễn Trần Đông, quản lý dự án startup Isofh nhận định bên lền sự kiện Techfest 2017- Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia diễn ra tại Hà Nội.
“Nhiều bệnh viện ở Việt Nam đang hoạt động với hệ thống riêng, rất khó để tích hợp các giải pháp công nghệ ở bên ngoài vào với nền tảng sẵn có tại cơ sở", ông Đông chia sẻ
Startup Isofh cho biết, công ty tập trung vào hai sản phẩm là phần mềm quản lý bệnh nhân, sổ khám bệnh cho bệnh viện và ứng dụng đặt lịch khám cho người bệnh. Hiện phần mềm quản lý mới chỉ được triển khai tại 3 bệnh viện TW, 3 phòng khám tư cùng một số trung tâm sức khỏe nhỏ lẻ. Ứng dụng đặt lịch khám cũng chưa được đông đảo người dân sử dụng.
Tương tự Isofh, công ty CP công nghệ OneLink Việt Nam cung cấp thẻ khám bệnh thông minh với chức năng lấy số thứ tự khám tự động và thanh toán điện tử tại máy cũng gặp không ít khó khăn ở việc mở rộng tệp khách hàng ở thị trường Hà Nội. Hiện nay, OneLink mới chỉ tiếp cận được 2 bệnh viện ở thủ đô.
Chọn cải thiện dịch vụ lấy số thứ tự khám bệnh và thanh toán là vấn đề cốt lõi cần giải quyết, OneLink cho biết sẽ tập trung vào chào bán giải pháp ở các bệnh viện công vì các bệnh viên tư hiện nay đều đã khá chủ động trong việc phục vụ bệnh nhân tốt hơn cùng chất lượng dịch vụ chuẩn.
Một đơn vị khác cho biết, việc thay đổi thói quen của một số bệnh viện vẫn quen với kiểu quản lý truyền thông, ghi chép vào sổ cùng với việc để các y bác sĩ thích nghi với việc sử dụng phần mềm, ứng dụng để quản lý hồ sơ bệnh nhân, thăm khám, đặt lịch chữa bệnh trực tuyến và thanh toán online dành cho người bệnh cũng không đơn giản.
"Chưa kể, mỗi nơi lại có một nghiệp vụ khác nhau, phải thiết kế làm sao để phần mềm, ứng dụng vừa đáp ứng nhu cầu cơ bản của số đông, vừa đặc trưng với từng cách quản lý và nhu cầu của bệnh viện là một bài toán không đơn giản với các startup”, ông Đông bổ sung.
Phương Nguyên
Techfest 2017- Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia với chủ đề "Kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp" được tổ chức ngày 14-15/11/2017. Sự kiện quy tụ sự tham gia của gần 160 startup và các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp ở 7 lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao, Công nghệ Y tế, Công nghệ giáo dục, Công nghệ du lịch và dịch vụ ẩm thực, Công nghệ Tiên phong và Tài chính, Công nghệ Tiềm năng và Cộng đồng hỗ trợ đổi mới sáng tạo. |