Tốt nghiệp thạc sĩ Trường Cầu đường Quốc gia Paris (Pháp), Trương Hoàng Hải dễ dàng tìm được công việc đúng chuyên môn tại Viện Quy hoạch và Kỹ thuật Giao thông Vận tải thuộc Đại học Xây dựng (IPTE).
Ở vị trí này, anh có cơ hội tham gia thiết kế nhiều dự án giao thông lớn. Công việc ổn định với thu nhập cao, nhưng Hải luôn ấp ủ giấc mơ tạo dựng sự nghiệp riêng, mang tính hỗ trợ cộng đồng.
Nhớ lại thời đi học, anh thường xuyên gặp khó trong việc tìm kiếm gia sư, nhất là khi cần học thêm tiếng Pháp để chuẩn bị du học. Cũng như nhiều sinh viên lúc đó, Hải phải tra cứu rất nhiều website của các trung tâm gia sư. Nhưng thông tin thường bị phân mảnh và không có kiểm chứng. Nhiều trung tâm thậm chí còn tạo tài khoản giả để đăng các nhận xét tốt về gia sư, nhằm thu hút người học. Dù tự nhận là người kỹ tính, Hải phải đổi 3 gia sư mới tìm được người phù hợp.
Theo tìm hiểu của anh, bản thân các gia sư - đa phần là sinh viên đi làm thêm - cũng không dễ dàng để nhận một lớp theo nguyện vọng của mình. Các trung tâm thường cố gán ghép khi có khách hàng và yêu cầu mức chiết khấu đến 40-60% tháng lương đầu tiên, nếu giới thiệu thành công. Nhiều trường hợp, các bạn phải chấp nhận trả phí giới thiệu, nhưng rồi phải bỏ lớp giữa chừng vì không phù hợp.
Cũng như Hải, người bạn thân hồi cấp ba của anh cũng từng vất vả tìm gia sư dạy kèm tiếng Đức, trước khi đi du học. Đó là Nguyễn Tuấn Nam - cựu sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội và tốt nghiệp tiến sĩ tại đại học Heidelberg, Đức.
Cùng chí hướng, đôi bạn trẻ quyết tâm xây dựng một nền tảng công nghệ giúp kết nối gia sư với học sinh, sinh viên và phụ huynh. Nền tảng ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT) và Matching để kết nối hai chiều giữa người học và người có khả năng dạy học.
"Lúc đó, bọn mình hình dung sản phẩm sẽ giống như Uber hoặc Grap, sử dụng màu Metro ở các châu Âu làm màu chủ đạo cho giao diện. Đây là màu sắc đẹp, khiến người xem cảm thấy dễ chịu và là chút gì đó châu Âu mà bọn mình muốn nhìn thấy hàng ngày", Hải nhớ lại về giai đoạn hình thành ý tưởng.
Nam có thế mạnh về kỹ thuật, nên chịu trách nhiệm chính về phát triển sản phẩm. Hiện, anh vẫn ở Đức và hàng ngày làm việc với đội lập trình qua Skype hoặc Facebook. Hải ở Việt Nam đảm nhận khâu tìm nhân sự, quản lý văn phòng và phát triển thị trường.
Tháng 2/2017, công ty của hai chàng trai 8x được thành lập, với sản phẩm đầu tiên là website chia sẻ các bài viết về giáo dục cũng như kiến thức - kinh nghiệm của giới gia sư.
Đến tháng 3/2018, nền tảng kết nối gia sư công nghệ mới ra đời, cho phép người dùng đăng yêu cầu tìm gia sư theo môn học, địa điểm. Phụ huynh, học sinh cũng có thể tham khảo danh sách các gia sư sẵn có, với ảnh chân dung, trình độ học vấn, chuyên môn, mức học phí và thời gian có thể dạy để chủ động chọn người phù hợp. Ngoài ra, trang web cũng tích hợp phần đánh giá để người học chia sẻ nhận xét, kinh nghiệm của mình.
Sản phẩm hình thành, Hải tìm đến từng trường đại học phía Bắc để giới thiệu nền tảng mới, thu hút gần 2.000 người đăng ký sau 3 tháng, trong đó có gần 1.000 hồ sơ được duyệt trở thành gia sư trên hệ thống. Hiện nay, mỗi tháng website có hơn 30.000 lượt truy cập với gần 200 lớp kết nối thành công.
Theo Hải, thách thức lớn nhất của startup non trẻ này là thay đổi thói quen người dùng. Bởi cả phụ huynh và học sinh đều quen với việc đưa yêu cầu cho các trung tâm gia sư và chờ trung tâm đó gởi người đến. Trong khi, nền tảng kết nối mới yêu cầu người dùng chủ động đăng ký yêu cầu học, lựa chọn và liên lạc với giáo viên. Ngay cả giới sinh viên, khi thấy mức chiết khấu quá rẻ (bằng tiền công 1,5 giờ dạy) cũng sợ bị lừa.
"Khi Grab, Uber mới vào Việt Nam cũng gặp vấn đề rất lớn về việc thay đổi thói quen người dùng. Nhưng hiện nay, ngay cả người trên 60 tuổi cũng có thể tự đặt xe và đi. Bọn mình đã vận hành một thời gian và tin rằng thị trường sẽ nhanh chóng thay đổi", Hải khẳng định.
Bên cạnh quảng bá, thu hút người dùng, startup này xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng các gia sư. Hiện, việc rà soát chủ yếu là yêu cầu ứng viên khai cung cấp chứng minh nhân dân, bằng cấp để chứng thực về trình độ và kinh nghiệm. Trong tương lai, công ty sẽ triển khai phỏng vấn trực tiếp và đào tạo gia sư, để xếp hạng ứng viên theo mức sao nhằm giúp người dùng dễ đưa ra lựa chọn hơn.
Ngoài ra, nhóm vẫn liên tục hoàn thiện giao diện web và chuẩn bị ra mắt ứng dụng trên điện thoại di động vào khoảng cuối tháng 8. Theo ước tính của Hải, nếu có ứng dụng điện thoại, lượng truy cập sẽ nhanh chóng tăng lên 50.000 lượt với khoảng 300-500 lớp kết nối thành công mỗi tháng.
"Khởi nghiệp là một hành trình đầy khó khăn và thách thức. Nhưng mình tin rằng nếu ai đó có định hướng rõ ràng, đủ kỹ năng, tri thức, làm việc nghiêm túc và nỗ lực thì sẽ thành công", Hải đúc kết.