Jeff Bezos đang bán dần mỗi năm một tỷ USD giá trị cổ phiếu của Amazon để gây quỹ cho Blue Origin - công ty có mục tiêu giúp việc du hành vũ trụ trở nên khả thi.
Việc của tôi bây giờ là đưa Amazon chiến thắng và đầu tư vào Blue Origin. Mỗi lần nhìn thấy tôi bán đi cổ phiếu ở Amazon, điều đó có nghĩa dự án ngoài không gian có thêm nguồn vốn.
Bezos diễn giải thêm giá trị tài sản cá nhân hơn 100 tỷ USD của ông sẽ không đủ để hiện thức hóa những ý tưởng với Blue Origin, bởi đây là một dự án vô cùng tốn kém. Nhưng thành công của Amazon và bản thân Bezos có thể trở thành nền tảng vững chắc cho những giấc mơ ngoài không trung của người đàn ông này.
Năm 2017, Amazon có doanh số 177,86 tỷ USD với 566.000 nhân viên khắp thế giới, giá trị thị trường ước đoán khoảng 500 tỷ USD. Barclays từng dự đoán đây sẽ là công ty nghìn tỷ USD đầu tiên trên thế giới.
Ngày 27/7 năm ngoái, nhà sáng lập Amazon trở thành người giàu nhất thế giới với tài sản trên 90 tỷ USD. Con số vượt ngưỡng 100 tỷ USD lần đầu vào ngày 24/11 cùng năm sau khi cổ phiếu Amazon tăng giá trị hơn 2,5%.
Vào tháng 3 năm nay, Jeff Bezos chính thức trở thành người giàu nhất thế giới theo danh sách công bố hằng năm của Forbes với giá trị tài sản 112 tỷ USD.
Niềm tin của Jeff Bezos
“Khả năng thất bại và phá sản của Amazon có thể lên đến 70%”, Jeff Bezos cảnh báo các nhà đầu tư khi quyết định thực hiện ý tưởng táo bạo của mình năm 1994.
30 tuổi, đang là Phó Chủ tịch tại quỹ đầu tư D.E. Shaw, con đường sự nghiệp của người đàn ông này như trải thảm. Nhưng khi nhìn thấy thực tế việc sử dụng web đang tăng trưởng 2.300% mỗi năm, Bezos nghĩ mình phải làm điều gì đó, ngay lập tức.
Tôi chưa từng nghe hay biết đến thứ gì đó phát triển nhanh khủng khiếp đến như vậy.
Bezos cho rằng phải biết tận dụng lợi thế từ những con số tăng trưởng kinh khủng ấy. Ông liệt kê một danh sách 20 sản phẩm có thể bán online và quyết định sách là lựa chọn tốt nhất. Ý tưởng xây dựng một nhà sách online với hàng triệu đầu sách, điều rất khó tồn tại với cửa hàng thông thường trong thực tế, khiến người đàn ông này vô cùng phấn khích.
Thời điểm đó, ông chỉ vừa kết hôn được một năm. Trong bối cảnh gia đình cần một tương lai vững chắc hơn, Bezos đã tâm sự với vợ về giấc mơ và lý tưởng của ông với Amazon. Bà MacKenzie Tuttle lúc ấy không ngần ngại khuyên chồng hãy bước đi con đường mà ông mong muốn.
Ngay từ nhỏ, tỷ phú đã yêu thích việc phát minh khi sáng chế ra cửa tự động trong garage, nồi năng lượng mặt trời hay chuông nướng bánh ở nhà. Vì thế, việc có thể tạo sản phẩm thay đổi thế giới luôn kích thích ông.
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình với suy nghĩ này, trong đó có sếp của Bezos ở thời điểm ấy. Trong cuộc đi dạo ở Central Park, người này đã nói với ông rằng đó có thể là một ý tưởng tốt nhưng sẽ tốt hơn với một người đang không có một sự nghiệp ổn định. Trong khi đó, đường tương lai đang trải thảm êm đềm cho Bezos ở D.E. Shaw.
“Logic đó khiến tôi phải đắn đo. Ông ấy thuyết phục tôi hãy nghĩ về nó trong 48 giờ trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Đó là một lựa chọn vô cùng khó khăn nhưng tôi đã quyết định đi theo trái tim mình. Tôi không nghĩ bản thân sẽ hối hận hay thất bại vì tôi biết mình sẽ luôn bị ám ảnh nếu không thử”, ông kể lại.
Bezos hiểu bản thân sẽ thật sự hối hận khi không can dự vào thứ gọi là Internet mà ông nghĩ rằng sẽ là một cuộc cách mạng của thế giới. Người đàn ông này cảm thấy phải nên thử cho dù có thất bại chăng nữa, còn hơn là không làm gì với ý tưởng cứ lớn dần theo ngày tháng.
Và Amazon đã ra đời như thế. Vợ chồng Bezos bay đến Texas để mượn một chiếc xe của bố rồi lái tới Seattle. Trên đường đi, hầu như thời gian của doanh nhân sinh năm 1964 là lập các kế hoạch doanh thu, nhưng có lúc cặp đôi cũng dừng lại để ngắm mặt trời mọc ở Grand Canyon.
Khi khởi đầu, Bezos tự chở các túi hàng đến bưu điện trên chiếc 1987 Chevy Blazer. Những sản phẩm tiếp theo được bán trên Amazon là nhạc và video.
Sau đó, ông tham khảo khách hàng liệu họ muốn mua những mặt hàng nào từ nhà bán lẻ trực tuyến, bằng cách gửi email đến hàng nghìn người được lựa chọn ngẫu nhiên. Một khách hàng nói muốn mua cần gạt nước cho xe vì anh ấy đang cần nó. Một thứ ánh sáng lóe qua đầu Bezos, rằng rồi mọi người sẽ sử dụng thương mại điện tử để mua sắm mọi thứ.
“Sự tiện lợi luôn là động lực của mọi người. Đấy chính là khởi đầu cho sự mở rộng ra tất cả ngành hàng, từ thiết bị điện tử, quần áo đến rất nhiều thứ khác nữa”, ông lý giải việc "lấn sân" của Amazon. Giờ đây họ bán hầu như tất cả mọi thứ, từ giấy vệ sinh, đồ tạp hóa, điện tử đến nội thất.
Amazon lên sàn vào ngày 15/5/1997, đưa Bezos trở thành triệu phú. Hai năm sau, ông lần đầu có tên trong danh sách tỷ phú của Forbes.
Khi khủng hoảng dot-com xảy đến, các nhà phân tích gọi công ty là “Amazon.bomb” thể hiện nguy cơ thất bại trước mắt. Tuy nhiên, năm 2003 ấy, Amazon đã vượt qua cơn bão và là một trong số ít startup vẫn còn tồn tại.
Trong khi hầu hết công ty trong ngành công nghệ đứng trước bờ vực sống chết, Bezos vẫn nhìn thấy những tiềm năng của Internet.
Tôi nghĩ sẽ có nhiều đổi mới đang chờ đợi phía trước hơn là lùi lại phía sau. Mọi thứ vẫn còn đang rất sơ khởi.
Ông nói về niềm tin của mình tại chương trình Ted Talk.
Niềm tin duy nhất dẫn lối cho Bezos là làm những gì tốt nhất cho khách hàng.
“Chúng tôi luôn chú trọng vào khách hàng, làm việc dựa trên những nhu cầu của họ, phát triển những kỹ năng mới trong nội bộ để đáp ứng những gì có thể trở thành nhu cầu tương lai của khách hàng”, ông giải thích.
Khi mở một ngành hàng mới, Bezos cũng không bao giờ thất vọng vì mình không giỏi ở lĩnh vực đó. Ông luôn nghĩ ở khía cạnh mọi thứ sẽ hoạt động trơn tru thế nào nếu Amazon làm tốt mảng đó.
“Quần áo là một ví dụ. Có rất nhiều cơ hội. Không ai thật sự hiểu đâu là tốt trong việc đưa ra gợi ý các mặt hàng quần áo online. Chúng tôi có nhiều phát minh cũng như ý tưởng và làm việc theo cách của mình với những danh sách thử nghiệm đó”. CNBC nhận định Bezos là một sự kết hợp hiếm hoi của tư duy lạc quan, lý tưởng và có tầm nhìn.
Tôi chọn con đường ít an toàn hơn để theo đuổi đam mê và tự hào về lựa chọn đó.
Niềm tin của ông luôn có một lý do rất chính đáng.
Jeff Bezos luôn suy nghĩ dài hạn. Ông rất hứng khởi khi đầu tư vào những sáng kiến mới dù có thể bị đánh giá là mạo hiểm trong 5-7 năm mà nhiều người khác sẽ không để mắt đến.
Từng học ngành khoa học máy tính tại Đại học Princeton, CEO sinh năm 1964 rất quan tâm đến những công ty công nghệ có khả năng thay đổi thế giới. Niềm tin của ông không chỉ đặt ở Amazon mà còn thể hiện qua nhiều thương vụ mua lại và đầu tư trong nhiều năm qua.
Năm 1998, Bezos trở thành một trong những nhà đầu tư đầu tiên tại Google. Số tiền 250.000 USD tương đương 3,3 triệu cổ phiếu thời điểm cỗ máy tìm kiếm lên sàn vào 2004 và đến năm 2017 có giá trị ước đoán là 3,3 tỷ USD. Bezos chưa từng tiết lộ ông vẫn giữ hay có bán cổ phiếu Google kể từ ngày IPO hay không.
Những thương vụ đáng chú ý khác của ông chủ Amazon:
2008: Đầu tư 15 triệu USD vào mạng xã hội Twitter.
2009: Mua lại Zappos - hãng bán quần áo và giày online với giá 1,2 tỷ USD.
2011: Đầu tư 112 triệu USD vào Airbnb.
2013: Mua lại tờ Washington Post với giá 250 triệu USD.
2014: Mua lại Twitch - nền tảng chơi video với giá 970 triệu USD.
2016: Đầu tư 100 triệu USD vào Grail - công ty phát triển các xét nghiệm máu trong phát hiện sớm ung thư.
2017: Mua lại Whole Foods với giá 13,7 tỷ USD.
Nhưng niềm đam mê thực sự của người đàn ông giàu nhất hành tinh là ở ngoài không gian.
Đó là giấc mơ tuổi thơ của tôi.
Khi còn là cậu bé 5 tuổi, Bezos đã yêu thích những ý tưởng ngoài không trung, say mê với ý nghĩ khám phá và du hành vũ trụ. Lúc đó, ông đã có giấc mơ trở thành doanh nhân trong lĩnh vực vũ trụ.
Người giàu nhất hành tinh là fan của loạt phim “Star Trek”. Khi còn đi học, ông có lần nói với giáo viên rằng “tương lai của loài người không nằm ở trái đất”.
Năm 18 tuổi, ông đã muốn xây dựng khách sạn, công viên giải trí, khu dân cư cho 2-3 triệu người được đưa vào không gian. Bezos giải thích toàn bộ ý tưởng là để bảo tồn trái đất.
Bạn không lựa chọn đam mê mà chính đam mê lựa chọn bạn. Tôi không thể ngừng suy nghĩ về không gian và luôn ám ảnh về nó từ bé cho đến giờ.
Công ty hoạt động bí mật nhiều năm. Cho đến 2006 khi mua mảnh đất lớn ở phía Tây Texas để ra mắt và thực hiện các cuộc thử nghiệm thì các thông tin mới được công khai nhiều hơn nhưng cũng rất rỉ giọt. Đến 2015, họ mới bắt đầu công bố nhiều hơn về các cuộc thử nghiệm và các kế hoạch tương lai.
Niềm đam mê với không trung từng gây rắc rối cho Bezos vào năm 2003, ông suýt chết trong một tai nạn trực thăng ở Texas khi trinh sát địa điểm cho cuộc thử nghiệm của Blue Origin.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2011, Bezos nói muốn đưa khách hàng ra vũ trụ bằng việc tập trung vào hai mục tiêu là giảm chi phí và tăng độ an toàn trong các chuyến bay ở không gian. Tính đến tháng 4/2017, Blue Origin có 1.000 nhân viên thực hiện sứ mệnh và giấc mơ mà Jeff Bezos theo đuổi.
Theo người giàu nhất hành tinh, Blue Origin không có phòng tắm cũng như túi nôn trong chuyến du hành đầu tiên đưa con người khám phá vũ trụ. Toàn bộ chuyến đi bao gồm bay và đáp chỉ trong khoảng 41 phút. Ông nói thời gian quá ngắn để có thể khiến người tham gia phải nôn ói. Chuyến du hành đầu tiên dự kiến sẽ thực hiện trong năm nay.
Chúng tôi sẽ bắt đầu khi đã sẵn sàng và muốn đảm bảo mọi thứ thật an toàn cho khách hàng.
Bob Smith, CEO Blue Origin.
Bezos nói ông đang xây dựng một sơ sở hạ tầng cho những thế hệ doanh nhân tiếp nối trong lĩnh vực không gian.
“Khi 80 tuổi, nhìn lại đời mình, điều duy nhất tôi thấy là tạo ra Blue Origin cho những thế hệ tiếp nối. Lúc đó, tôi sẽ là một người vô cùng hạnh phúc”, Bezos tưởng tượng về những ngày về hưu đầy mãn nguyện khi xây dựng nền tảng cho giấc mơ lớn của cả cuộc đời.
Trương Sanh (theo CNBC, Business Insider)