Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ năm, 25/3/2021, 16:00 (GMT+7)

Giới trẻ Trung Quốc kiệt sực bởi trào lưu làm việc '996'

"996" - cụm từ miêu tả cảnh người lao động làm việc từ 9h đến 21h, 6 ngày một tuần tuần mang đến nhiều hệ lụy về sức khỏe, tinh thần.

Đầu năm nay, một nam kỹ sư họ Đàm nhảy lầu tự tử tại nhà riêng ở tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Nạn nhân 23 tuổi và chưa kết hôn. Người thân và bạn bè đều thẫn thờ trước cái chế của anh. Đàm vào làm việc tại Pinduoduo từ 7/2020, công ty khổng lồ trong ngành thương mại điện tử Trung Quốc. Anh được trả mức lương khởi điểm từ 180.000 NDT (khoảng 640 triệu đồng) một năm.

Trước đó vài ngày, South China Morning Post đưa tin một nữ nhân viên tại startup Pinduoduo bị phát hiện tử vong trên đường đi làm về. "Ngày 29/12, một người bạn tốt của tôi, nữ nhân viên tại Pinduoduo, đột ngột qua đời trên đường đi làm về lúc 1h30. Cô gái 22 tuổi. Công ty thậm chí còn không giải thích lấy một lời", một người dùng viết trên Maimai, mạng xã hội việc làm tại Trung Quốc, vào ngày 3/1. Trước đó, hồi tháng 4/2014, tờ nhật báo này từng đưa tin một thai phụ tử vong trong khi tăng ca đêm ở Alibaba. Cô bị xuất huyết tử cung và được phát hiện tử vong. Theo lẽ thường, những nhân viên mang thai, đều được nghỉ ngơi nhiều hơn.

Văn phòng sáng đèn đến nửa đêm là hình ảnh quen thuộc ở các công ty Internet Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Văn phòng sáng đèn đến nửa đêm là hình ảnh quen thuộc ở các công ty Internet Trung Quốc. Ảnh: SCMP.

Trên mạng xã hội Trung Quốc, tin tức về cái chết của các nhân viên nhanh chóng lan truyền. Hầu hết cho rằng có liên quan đến "văn hóa 996", cụm từ miêu tả cảnh người lao động làm việc từ 9h đến 21h, 6 ngày một tuần thường thấy ở các công ty công nghệ Trung Quốc. Những nhân viên trẻ tuổi chết trong khi làm việc dấy lên lo ngại về sự quá tải.

Xiaojin, một cựu nhân viên của Pinduoduo tiết lộ, tăng ca không chỉ là tiêu chuẩn ở Pinduoduo mà còn là yêu cầu bắt buộc. "Các ông chủ chỉ quan tâm tới việc chúng tôi làm bao nhiêu tiếng mỗi ngày. Nó đã trở thành văn hóa, đến mức độ ngay cả khi làm việc xong, nhiều nhân viên vẫn ở lại văn phòng", Xiaojin kể lại.

Kiểm soát giờ giấc làm việc của nhân viên không phải là chuyện hiếm tại các công ty Trung Quốc. Năm ngoái, ban lãnh đạo của công ty phát trực tiếp Kuaishou đã bị kiện với cáo buộc đặt thiết bị hẹn giờ trong phòng vệ sinh của nhân viên và theo dõi giờ nghỉ trưa của họ, theo South China Morning Post.

Tuy nhiên, trong làn sóng khởi nghiệp ở Trung Quốc, danh tiếng của các đế chế công nghệ vẫn khiến giới trẻ khao khát. Huawei, Tencent, Alibaba đều có các chương trình tuyển dụng riêng cho sinh viên mới tốt nghiệp. Tiêu chí tuyển chọn tất nhiên không hề dễ, đều yêu cầu bằng cấp và khả năng chịu áp lực cao. Đổi lại, họ được hưởng một mức lương đáng mơ ước so với nhiều cử nhân cùng trang lứa.

Ở khía cạnh khác, những người có tầm ảnh hưởng luôn ca ngợi "văn hóa 996" là giá trị cần phát huy. Tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba từng gọi văn hóa làm việc 12 tiếng một ngày là "một phước lành".

Thực tế, không ít người trẻ tại đất nước tỷ dân cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức vì phải làm việc quá nhiều. Theo cuộc khảo sát của chính phủ năm 2018 về sức khỏe tâm thần của 403 nhân viên công nghệ, 50% số người tham gia cho biết họ cảm thấy mệt mỏi. Họ gặp phải nhiều vấn đề về thị lực, trí nhớ kém, rối loạn cột sống. Nhiều người cho rằng lứa tuổi 9x, 10x phải chịu nhiều áp lực hơn so với các thế hệ trước.

Hiệp hội Thanh thiếu niên Trung Quốc công bố một báo cáo năm 2019 cho thấy, có tới 47% thanh niên Trung Quốc chọn "phấn đấu" làm từ khóa của thời đại. Tính tới nửa đầu năm 2019, có khoảng 45,8% công ty với quy mô hơn 10.000 người tại nước này đã trải qua chế độ làm việc "996".

Việc nghỉ phép dường như là điều không thể. Áp lực từ phía đồng nghiệp và ban lãnh đạo luôn khiến người lao động phải căng mình làm việc, ngay cả khi ốm đau, trở bệnh.

Thành Dương (tổng hợp theo SCMP)