Những người lao động ở Thung lũng Silicon trông không giống đi tìm kiếm lý tưởng của cuộc đời - khởi nghiệp công nghệ. Tờ New York Times mô tả họ nhìn già hơn, với làn da sạm, đặc biệt là phụ nữ. Nhiều người di cư từ nơi khác đến với hoài bão nhưng hầu hết không thể nổi tiếng hay kiếm về nhiều tiền như Mark Zuckerberg hoặc Tim Cook.
Các công ty công nghệ của Thung lũng Silicon đã thúc đẩy nền kinh tế Mỹ kể từ sau cuộc Đại suy thoái (2007-2009) nhưng đây vẫn là một trong những khu vực bất bình đẳng nhất ở Mỹ.
Theo phân tích của Viện Nghiên cứu Khu vực Thung lũng Silicon, trong thời kỳ đại dịch bùng phát, cứ 10 gia đình trong khu vực có trẻ em thì có bốn gia đình không chắc đủ ăn vào những ngày tới. Ở bối cảnh khác, cũng trong Covid-19, Elon Musk, giám đốc điều hành của Tesla liên tục mấp mé ở vị trí người giàu nhất thế giới.
Hiện thực này phản ảnh, đối với những người không đủ may mắn và giỏi để vào danh sách tỷ phú như kỹ sư hạng trung và công nhân xe tải thực phẩm và những cư dân lâu năm, thung lũng công nghệ đang thử thách sự kiên nhẫn của họ.
Cuộc sống mưu sinh hơn là khởi nghiệp
Hai vợ chồng Ravi và Gouthami có nhiều bằng cấp về công nghệ sinh học, khoa học máy tính, hóa học và thống kê. Năm 2013, sau khi học tập tại Ấn Độ, làm việc tại Wisconsin và Texas, họ đến Bay Area - nơi họ đang làm việc lập trình viên thống kê trong ngành dược phẩm.
Ravi và Gouthami làm việc chăm chỉ với lương khởi điểm 90.000 USD mỗi người. Nhưng tương lai ở Thung lũng Silicon vẫn đang lẩn tránh họ. Căn hộ vợ chồng kỹ sư đang ở có giá thuê gần 3.000 USD một tháng. Họ có thể chuyển tới một nơi rẻ hơn nhưng việc di chuyển đến chỗ làm sẽ rất khó khăn trước tình hình giao thông hiện nay.
Victor đến Thung lũng Silicon từ El Salvador hơn 25 năm trước. Ông từng sống trong căn hộ gần đó nhưng phải rời đi khi tiền thuê nhà quá cao. Giờ Victor sống trong xe tải, giống như nhiều người khác đã mất nhà. Ở tuổi ngoài 80, ông sống không điện, nước sinh hoạt và phải lén tắm giặt ở căn hộ cũ.
Victor luôn mang theo một lọ thuốc mỡ trong ba lô. Khi những người hàng xóm bị trẹo mắt cá chân hoặc cứng cổ, họ biết cần đến gõ cửa xe kéo của Victor. Ông đặt một chiếc ghế và xoa bóp chỗ đau cho đến khi cơn đau qua đi.
Tương tự, Gee và Virginia, đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã mua một căn nhà 5 phòng ngủ ở Los Gatos, một thị trấn đắt tiền nằm nép mình bên chân đồi ven biển. Ở thời điểm đó, những căn nhà cùng phố với gia đình họ chỉ có giá dưới 2 triệu USD.
Cặp vợ chồng kiếm được khoảng 350.000 USD mỗi năm, gấp hơn 6 lần mức trung bình của hộ gia đình Mỹ. Virginia làm việc trong bộ phận tài chính của tập đoàn công nghệ HP, còn Gee là nhân viên đời đầu của một công ty khởi nghiệp đang phát triển ứng dụng đấu giá trực tuyến.
Gee cho biết mức lương ở Thung lũng Silicon của họ nghe chừng thật giàu có đối với phần còn lại của nước Mỹ. Tuy nhiên, những cư dân sinh sống tại đây không cảm thấy như vậy. Chẳng hạn, do phải lo khoản tiền nhà và chi phí chăm sóc 2 con nhỏ, cặp vợ chồng vẫn chưa thể mua đủ đồ nội thất cho tổ ấm của họ sau 5 năm chuyển đến.
Trở thành người vô gia cư sau một đêm
Elizabeth từng tốt nghiệp Stanford, ngôi trường danh giá bậc nhất thế giới. Nhưng giờ, bà chỉ làm bảo vệ cho một công ty công nghệ lớn ở Thung lũng Silicon. Những đồng nghiệp không nhà, không cửa như bà có thể làm việc ở căn tin bán đồ ăn hay lao công dọn dẹp, nhưng cũng có người là nhân viên văn phòng.
"Đôi khi chỉ cần một sai lầm tài chính, ốm đau bạn cũng có thể thành người trắng tay. Thực tế gần đây có rất nhiều người thuộc tầng lớp trung lưu rơi vào cảnh nghèo đói. Tình trạng vô gia cư có thể diễn ra trong một vài tháng nhưng đôi khi là hàng năm", bà nói.
Thành Dương (theo New York Times)