Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ hai, 1/3/2021, 17:05 (GMT+7)

Hai nhân viên kỳ cựu Goldman Sachs về làm fintech cho Walmart

Walmart chiêu mộ hai nhân sự cấp cao từ Goldman Sachs về làm cho fintech mới, quyết kiếm lời từ tệp khách hàng lớn sẵn có.

Bloomberg nhận định: "Walmart vừa tiến thêm một bước nữa để trở thành cơn ác mộng lớn nhất của JPMorgan", khi đưa tin về việc chuỗi siêu thị lớn nhất nước Mỹ vừa thuê hai nhân viên ngân hàng Goldman Sachs để giúp dẫn dắt liên doanh fintech mới của mình. Cụ thể, Walmart đã chiêu mộ Omer Ismail, một nhân viên kỳ cựu lâu năm của Goldman Sachs, người có công lớn trong mảng tiêu dùng cá nhân những năm gần đây. Vị này dẫn theo David Stark, người giúp ký kết hợp tác giữa Goldman với Apple và giám sát mối quan hệ của ngân hàng này với JetBlue Airways, Amazon.

Isaac Boltansky, một nhà phân tích tại Compass Point Research & Trading, cho biết, cuộc tuyển dụng này như một tín hiệu rõ ràng cho thấy "sự nghiêm túc của Walmart đối với bước đột phá fintech của mình". Việc tuyển dụng Ismail có thể là tiền đề cho việc Walmart nộp đơn xin trở thành ngân hàng đúng quy định vào cuối năm ngoái.

Omer Ismail. Ảnh: Medium.

Omer Ismail. Ảnh: Medium.

Với việc này, các ngân hàng thương mại truyền thống đang đối mặt rủi ro cạnh tranh rất lớn. Theo Bloomberg, động thái này đã gây ra nỗi sợ hãi trên Phố Wall. Khu vực này vốn đang yêu cầu cơ quan quản lý ngừng hỗ trợ các nhà bán lẻ và startup cung cấp các sản phẩm ngân hàng cốt lõi cho người tiêu dùng.

Tham vọng của Walmart

Việc lấn sân vào tài chính có thể giúp nhà bán lẻ hàng đầu nước Mỹ tăng thêm lợi nhuận sau khi phải đối mặt với tình trạng đội chi phí cao liên quan đến Covid-19, tiền lương của nhân viên và cải tiến chuỗi cung ứng. Giám đốc điều hành Doug McMillon từng nói các nhà phân tích chỉ vài tuần trước rằng, khách hàng đã yêu cầu Walmart cung cấp các sản phẩm tài chính giá cả phải chăng và ông muốn tìm cách kiếm tiền từ dữ liệu khổng lồ này. Với hơn 150 triệu khách hàng và 5.300 cửa hàng trên khắp xứ cờ hoa, nhiều trong số đó mở cửa 24/7, Walmart có sẵn tệp người dùng và mạng lưới chi nhánh sẽ sánh ngang với JPMorgan, Bank of America và Wells Fargo & Co.

Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng Walmart ở Chicago, Illinois. Ảnh: Getty.

Khách hàng mua sắm tại một cửa hàng Walmart ở Chicago, Illinois. Ảnh: Getty.

Mục tiêu của việc trên là "kiếm tiền từ tài sản quý giá nhất của họ, mối quan hệ mà Walmart có với khách hàng trên toàn cầu", John Tomlinson, nhà phân tích tại M Science, cho biết. Công ty nghiên cứu ước tính, trung bình một người đến các cửa hàng hoặc trang web của Walmart khoảng 30 lần một năm, gần gấp đôi số lượt truy cập của đối thủ Target Corp.

Ông khẳng định: "Bất cứ điều gì thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn với hoạt động kinh doanh cốt lõi của họ đều là mục tiêu số một".

Theo Bloomberg, chi phí hợp lý có thể giúp Walmart vượt qua định kiến của các cơ quan quản lý. Quốc hội Mỹ đang ngày càng lo lắng về các khoản phí mà ngân hàng tính cho người tiêu dùng đối với tài khoản séc và các dịch vụ cơ bản khác. Tuy nhiên, Bert Ely, một nhà tư vấn tài chính ở Alexandria (Virginia), cho biết, ngay khi Walmart bước đầu lấn sân thì các ngân hàng truyền thống đã có thái độ không thiện chí, sẵn sàng cản chân.

Con đường Walmart khởi nghiệp fintech

Đây không phải là lần đầu tiên Walmart tìm cách trở thành một ngân hàng. Năm 2005, nhà bán lẻ này đã nộp đơn xin trở thành một ngân hàng công nghiệp ở Utah. Tuy nhiên, danh tiếng công ty của Walmart vào thời điểm đó đang bị ảnh hưởng bởi những cáo buộc về phân biệt giới tính, mập mờ xuất xứ hàng hóa và nói dối người lao động về phúc lợi.

Khi đó, Walmart cho biết họ không tìm cách mở ngân hàng mà tìm hướng để có quyền xử lý các giao dịch thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trong nội bộ, một động thái có thể tiết kiệm cho họ khoảng 30 triệu USD mỗi năm vào thời điểm đó. Sau hai năm và nhiều lần trì hoãn, Walmart đã rút đơn đăng ký của mình.

Bất chấp những thất bại, Walmart vẫn tiếp tục đẩy mạnh hoạt động dịch vụ tài chính ở những nơi có thể. Chuỗi này cho ra các MoneyCenter, cho phép người tiêu dùng kiểm tra tiền mặt, nhận dịch vụ khai thuế và gửi tiền ra nước ngoài. Gã khổng lồ bán lẻ cũng đã cung cấp một loạt thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ trả trước thông qua quan hệ đối tác với các ngân hàng như Capital One Financial và Green Dot.

Thẻ ghi nợ trả trước của Walmart. Ảnh: MyBankTracker.

Thẻ ghi nợ trả trước của Walmart. Ảnh: MyBankTracker.

Cho đến nay, Walmart vẫn kín tiếng về kế hoạch thành lập công ty fintech mới, hợp tác công ty đầu tư mạo hiểm Ribbit Capital . Truyền thông Mỹ đinh ninh, hội đồng quản trị của startup này bao gồm John Furner, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Walmart tại Mỹ và Brett Biggs, giám đốc tài chính của nhà bán lẻ, cũng như Meyer Malka, đối tác quản lý của Ribbit Capital.

Bản thân quỹ Ribbit đã có trong tay nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính thành công nhất thế giới như Revolut và Credit Karma. Quỹ này còn có cổ phần trong các công ty mà Walmart đã hợp tác kinh doanh. Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tín dụng cấp cao của Moody's, Charlie O'Shea, chia sẻ với Business Insider, liên doanh fintech này sẽ có vô số cơ hội tăng trưởng, với việc tận dụng lượng khách hàng khổng lồ làm trọng tâm.

Trong buổi tiếp xúc với truyền thông hồi đầu năm, ông Malka nhấn mạnh: "Khi chúng tôi kết hợp kiến thức sâu rộng của mình về fintech và phạm vi tiếp cận của Walmart, chúng tôi có thể tạo ra và cung cấp các dịch vụ tài chính không ai sánh kịp".

Tất Đạt (theo Bloomberg, Business Insider)