Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ tư, 7/4/2021, 00:00 (GMT+7)

Mảng tài chính của Grab bành trướng thị trường khu vực ra sao

Grab Financial Group (GFG) có hơn 200 triệu khách hàng tại Đông Nam Á, tương đương khoảng 30% dân số khu vực.

Chia sẻ với KrAsia, Reuben Lai, Giám đốc điều hành cao cấp của Grab Financial Group, cho biết ông thích sử dùng các kênh kinh doanh của Grab để thay đổi cuộc sống của khách hàng. Khi đầu quân cho Grab vào năm 2015, Grab chỉ là một ứng dụng gọi xe đơn thuần. Tuy vậy Lai rất tin tưởng vào sứ mệnh của nhà sáng lập Anthony Tan trong việc tạo ra một "gã khổng lồ" vừa có kết quả kinh doanh tốt vừa có ảnh hưởng tới xã hội. "Mục tiêu đó đồng điệu với tôi", Lai nói.

Reuben Lai, Giám đốc điều hành cao cấp của Grab Financial Group. Ảnh: Grab.

Reuben Lai, Giám đốc điều hành cao cấp của Grab Financial Group. Ảnh: Grab.

Sản phẩm công nghệ tài chính (fintech) đầu tiên của Grab là GrabPay hoạt động vào tháng 1/2016. Ban đầu, nó được xây dựng dựa trên nhu cầu của các đối tác lái xe. Grab với các tài xế là cánh cổng đầu tiên đưa họ tiếp cận với dịch vụ ngân hàng chính thống. Các tài xế mới phải cung cấp tài khoản ngân hàng khi đăng ký hợp tác với Grab. Nếu không có tài khoản, startup sẽ giúp họ đăng ký.

"Tôi đã đến từng quốc gia, đàm phán với các ngân hàng hàng đầu để tài xế của chúng tôi có thể dễ dàng mở tài khoản ngân hàng. Thậm chí tôi còn hỏi họ có thể cung cấp các khoản vay cho tài xế để mua xe hay không", Lai nói. Trước khi Grab đến, tài xế thường làm việc cho các chủ đội xe, những người sẽ thu về một phần lợi nhuận khá lớn, để lại rất ít cho những người ngồi sau tay lái.

"Grab bị hầu hết ngân hàng từ chối cho đến khi một công ty tài chính ở Indonesia nói đồng ý. Chúng tôi bắt đầu tạo hệ thống tính điểm, thu nợ và giải ngân. Đó là khởi nguồn mảng tài chính của chúng tôi sau này", Lai cho biết. Từ đó, startup có thể hợp tác với nhiều ngân hàng hơn để cung cấp các dịch vụ mới, bao gồm cả bảo hiểm cho tài xế.

Ứng dụng Grab trên điện thoại. Ảnh: Grab.

Ứng dụng Grab trên điện thoại. Ảnh: Grab.

Bằng cách đăng ký với Grab, tài xế có thể tiếp cận với dịch vụ tài chính và ngân hàng. Hiện các giao dịch không dùng tiền mặt dần phổ biến, nhưng vài năm trước, điều này còn mới lạ ở các thị trường lớn như Indonesia.

Hiện GFG cung cấp các dịch vụ về thanh toán, cho vay, bảo hiểm và quản lý tài sản cho người dùng trên toàn khu vực. Hồi tháng một năm nay, công ty đã huy động được 300 triệu USD do Hanwha Asset Management của Hàn Quốc dẫn đầu. Lai cho biết công ty sử dụng tiền để đầu tư vào ba lĩnh vực: trí tuệ nhân tạo và máy học; phát triển ngân hàng kỹ thuật số; vận hành.

Tăng trưởng nhanh trong Covid-19

Grab Financial ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020. Công ty cho biết đã bán hơn 100 triệu đơn bảo hiểm ở Đông Nam Á từ tháng 4/2019 đến tháng 2/2021. Trong năm 2020, GrabPay cũng là ví điện tử tư nhân duy nhất giải ngân gần 300 triệu USD từ nguồn vốn nhà nước cho công dân Malaysia.

Bên cạnh đó, công ty đang trong quá trình xây dựng ngân hàng số ở Singapore sau khi liên doanh Grab – Singtel nhận giấy phép từ Cơ quan Tiền tệ Singapore hồi tháng 12/2020.

Theo Lai, 40% người trưởng thành ở Singapore bị ngân hàng bỏ qua. Hầu hết mọi người không chuẩn bị cho việc nghỉ hưu. "Họ chưa có bảo hiểm và các khoản đầu tư tích lũy. Trong khi đó, các ngân hàng thông thường tốn nhiều tuần để duyệt chi", Lai nói.

Ngoài Singapore, Indonesia cũng là một thị trường hấp dẫn cho mảng ngân hàng số với nhiều mô hình ngân hàng mới được các công ty công nghệ hỗ trợ, bao gồm Bank Jago (Gojek chiếm 22% cổ phần) và Seabank (SEA). Grab được cho là đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với Bank Capital ở thị trường này. Tuy nhiên startup phủ nhận thông tin trên.

Grab hợp tác với công ty khởi nghiệp thanh toán kỹ thuật số Moca của Việt Nam. Ảnh do Grab và Moca cung cấp.

Grab hợp tác với công ty khởi nghiệp thanh toán kỹ thuật số Moca của Việt Nam. Ảnh: Grab.

Cạnh tranh khốc liệt trên sân nhà

Là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia quan trọng với Grab cũng như mảng tài chính. Bên cạnh là cổ đông lớn của Ovo, Grab cũng đầu tư vào LinkAja, một ví điện tử. Startup đang từng bước hoàn thiện hệ sinh thái của mình tại đây.

Cạnh tranh giữa Grab và Gojek cũng nóng lên khi Gojek cũng rót vốn vào LinkAja. Hiện tại, Gojek cũng đang đàm phán sáp nhập với Tokopedia, một đối tác của Grab và một nhà đầu tư khác vào Ovo.

Lai cho rằng vấn đề này không phải là quan ngại lớn cho Grab. "Ngoài tích hợp với Tokopedia, chúng tôi còn hợp tác với nhiều nền tảng khác như Lazada. Mục tiêu của chúng tôi là tạo ra sự phổ biến chứ không phải một khu vườn đóng kín. Chúng tôi vẫn đặt khách hàng là trọng tâm, cạnh tranh sẽ không mang lại quá nhiều gián đoạn".

Bên ngoài biên giới Indonesia, Grab đẩy mạnh hoạt động tại những quốc gia năng động khác như Thái Lan và Việt Nam. Ở đây dịch vụ tài chính của startup hoạt động thông qua hợp tác với các ngân hàng địa phương hoặc đầu tư các các công ty fintech.

Ví dụ ở Thái Lan, Grab hợp tác với Kasikorn Bank từ tháng 11/2018 để triển khai dịch vụ thanh toán sau khi đầu tư 50 triệu USD vào ngân hàng này. Tuy vậy người Thái cũng có những doanh nghiệp fintech mạnh như PromptPay, True Money, Rabbit Line Pay và AirPay.

Tháng 2/2020, sau khi nhận khoản đầu tư 706 triệu USD từ nhà băng lớn của Nhật Bản MUFG, Grab có thêm tiềm lực để hiện thực hoá các tham vọng ở mảng tài chính. Bank of Ayudhya, một ngân hàng con của MUFG, triển khai dịch vụ tín dụng cho các tài xế và nhà bán hàng Grab ở Thái Lan.

Ở Việt Nam, khoảng 70% dân số vẫn chưa có tiền gửi ngân hàng. Ảnh được cung cấp bởi Ngo Tuan Anh qua Pixabay.

Ở Việt Nam, khoảng 70% dân số không được tiếp cận với các dịch vụ tài chính. Ảnh: Ngo Tuan Anh/Pixabay.

Việt Nam cũng là một thị trường chiến lược của Grab khi GFG đầu tư 500 triệu USD vào tháng 8/2019. Trước đó, vào năm 2018, Grab đầu tư vào Moca để triển khi dịch vụ ví điện tử. Moca luôn có mặt trong danh sách 3 ví điện tử phổ biến nhất Việt Nam. Vì hầu hết các dịch vụ của Grab Financial đều triển khai thông qua hợp tác hoặc đầu tư chiến lược, nhiều người e ngại rằng chúng sẽ hạn chế khả năng cung cấp dịch vụ của Grab.

Theo KrAsia, 44% trong tổng dân số 655 triệu người Đông Nam Á chưa có tài khoản ngân hàng, thực tế này mang đến cơ hội lớn cho Grab. Hiện tại, ứng dụng đã nhận tải về hơn 214 triệu lần trên di động, tương đương khoảng 30% dân số khu vực, là nguồn dữ liệu khách hàng khổng lồ.

Báo cáo từ WSJ đầu năm nay đánh giá ứng dụng gọi xe có thể đang cân nhắc kế hoạch thực hiện IPO thông qua một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng.Từ chối bình luận thông tin này, song ông Lai nói rằng Grab Financial sẽ đóng vai trò hỗ trợ và đầu tư lại công ty mẹ.

Thành Dương (theo KrAsia)