Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ tư, 7/4/2021, 20:00 (GMT+7)

Startup pin điện Oyika sắp gia nhập Việt Nam

Oyika đang huy động 100 triệu USD nhằm mở rộng sang thị trường Việt Nam vào cuối năm nay.

Theo TechInAsia, Oyika, startup có trụ sở tại Singapore vừa huy động 100 triệu USD cho hoạt động kinh doanh chia sẻ năng lượng ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, startup này không tiết lộ khi nào sẽ kết thúc vòng gọi vốn và danh tính của các nhà đầu tư tiềm năng.

Người sáng lập và Giám đốc điều hành Oyika Lee Jinsi / Nguồn ảnh: Oyika

Người sáng lập và Giám đốc điều hành Oyika - Lee Jinsi. Ảnh: Oyika.

Oyika thành lập vào tháng 5/2018 bởi Lee Jinsi, cựu Giám đốc Tập đoàn Sunseap phụ trách mảng thị trường quốc tế. Startup này kết nối xe hai bánh với pin và mạng lưới trạm đổi pin bằng việc hợp tác cùng các thương hiệu xe máy điện trong nước. Công ty muốn giảm rào cản đối với hoạt động sử dụng xe điện ở các quốc gia đang phát triển.

Các loại pin này còn có khả năng kết nối đa dạng và được giám sát từ xa để đảm bảo hiệu suất và độ an toàn. Hệ thống vận hành thông qua ứng dụng di động của Oyika, cho phép người lái xe xác định vị trí trạm đổi pin ở gần. Với vòng gọi vốn mới, Oyika sẽ dùng số tiền này để triển khai 30.000 gói đăng ký năng lượng cho dịch vụ thay pin đi kèm với xe máy điện ở Indonesia và mở rộng thị trường tại Việt Nam vào cuối năm nay.

Tại Indonesia, Oyika đang triển khai dự án đổi mới dịch vụ chia sẻ năng lượng tại các cộng đồng nông thôn để đem điện đến các hộ gia đình không sử dụng được mạng điện lưới quốc gia. Công ty cũng đang tìm cách xây dựng và lắp đặt các trạm sạc cho xe điện ở Singapore. Thành phố này đặt mục tiêu loại bỏ dần những chiếc xe chạy bằng xăng tới năm 2040.

Xe máy điện, pin và trạm sạc của Oyika. Ảnh: Oyika.

Xe máy điện, pin và trạm sạc của Oyika. Ảnh: Oyika.

Theo tính toán của Oyika, quá trình sạc pin thông thường cho xe máy điện phải mất tới 8 tiếng nếu sạc tại nhà. Công ty đang tập trung phục vụ hành khách làm công việc giao hàng nhưng có kế hoạch mở rộng phạm vi khách hàng của mình bao gồm các đối tượng là sinh viên, nhân viên văn phòng và doanh nghiệp.

Nếu thành công, pin thể rắn sẽ là cuộc cách mạng rộng khắp, cung cấp cho nhiều sản phẩm khác ngoài xe hơi như laptop, điện thoại di động, máy bay không người lái, phà tự hành,... Vì vậy, đây sẽ là công nghệ mang lại tiềm năng lớn, thâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống và đưa nhân loại bước sang giai đoạn phát triển mới.

Trên toàn cầu, pin vẫn còn là một thách thức lớn đối với các phương tiện chạy điện. Một số nhà sản xuất ôtô đang hướng đến công nghệ pin thể rắn, nhằm giải quyết các thách thức kể trên. Tập đoàn Toyota (Nhật Bản) đã đầu tư 13,9 tỷ USD vào nghiên cứu phát triển pin thể rắn và có kế hoạch thương mại hóa công nghệ này sau năm 2020. Toyota đã thử nghiệm mẫu xe ô tô đầu tiên chạy pin thể rắn từ cuối năm 2019.

Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) vừa tạo ra mẫu pin thể rắn, cho phép một chiếc ôtô điện đi với quãng đường lên tới 800 km chỉ trong một lần sạc và pin này có vòng đời hơn 1.000 lần sạc. ProLogium cũng hợp tác với các nhà sản xuất ôtô điện lớn trên thế giới để thử nghiệm công nghệ pin mới và dự kiến sẽ đưa vào khai thác, sản xuất đại trà từ năm 2023 trở đi.

Vài năm qua, Volkswagen (Đức), BYD (Trung Quốc), LG (Hàn Quốc)... dành nhiều sự tập trung để thương mại hóa pin thể rắn. Tại Việt Nam, VinFast là đơn vị đầu tư mạnh trong công nghệ pin sạc. Mới đây, VinFast và ProLogium đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác chiến lược về sản xuất pin thể rắn dùng cho ôtô điện. Hai bên sẽ thành lập liên doanh sản xuất pin thể rắn cho xe ôtô điện tại Việt Nam.

Thành Dương (theo TechInAsia)