Theo ông Trần Hoàn Sinh - Tổng giám đốc của iSalon, tại các thành phố lớn có nhiều salon nhưng khung giờ đông khách thường trùng nhau khiến khách hàng có nhu cầu phải thường xuyên chờ đợi, trong khi có những khung giờ tiệm lại vắng khách. Cùng với đó, thị trường salon tóc vẫn chưa có nhiều nền tảng kết nối, giúp khách hàng tìm kiếm các dịch vụ salon uy tín.
Từ nhu cầu thực tế của thị trường cùng kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực làm đẹp, nhóm sáng lập dự án quyết định tạo ra nền tảng vừa có thể kết nối hệ thống các salon tại các thành phố lớn, vừa giúp khách hàng tìm kiếm, đặt lịch sử dụng dịch vụ.
"Sứ mệnh của iSalon là hỗ trợ truyền thông cho các salon uy tín đồng thời giúp khách hàng tìm được những salon chuẩn, giá cả hợp lý trong khung giờ phù hợp", ông Trần Hoàn Sinh cho biết.
Giải bài toán làm đẹp thời công nghệ
Với kiến thức, kinh nghiệm về maketing, đội ngũ iSalon dễ dàng thiết lập ý tưởng thu hút người dùng, truyền thông cho các salon trên nền tảng. Tuy nhiên, do không phải là dân công nghệ nên nhóm sáng lập gặp khá nhiều trở ngại khi xây nền tảng. Ban đầu nhóm chỉ lường được khoảng 1.500 khách hàng vào hệ thống một lúc, nên khi đưa vào ứng dụng bị quá tải vì quá đông khách hàng truy cập. Đồng thời do xây hạ tầng ứng dụng theo nguyên khối, do đó khi một tính năng bị lỗi, đội ngũ kỹ thuật phải "đập đi xây lại từ đầu". Đến khoảng tháng 3/2019, đội ngũ đã phát triển một mã nguồn mới với cấu trúc mới, viết các tính năng thành từng gói nhỏ để dễ dàng sửa chữa, nâng cấp, vừa tiết kiệm chi phí vận hành hệ thống, vừa dễ phát triển các tính năng sau này.
Với định dạng webiste và ứng dụng (app), iSalon hướng đến tối ưu trải nghiệm cho khách hàng bằng cách đáp ứng đầy đủ các tính năng theo nhu cầu của khách lẫn chủ salon. Nền tảng có giao diện thân thiện, dễ sử dụng, người dùng chỉ cần nhập địa chỉ, thời gian rảnh rỗi, sau đó chọn dịch vụ hoặc salon muốn sử dụng. Nền tảng sẽ cung cấp mạng lưới salon đa dạng cho khách hàng lựa chọn đồng thời tư vấn mẫu tóc cho khách hàng, giúp khách tiết kiệm tối đa thời gian.
Cụ thể, iSalon cung cấp hệ thống đặt lịch làm đẹp với trên 1.000 salon trên toàn quốc cùng mức giá ưu đãi. Khách hàng có thể tìm kiếm các salon tóc cho nam, nữ, các dịch vụ nhuộm, duỗi, hấp, phục hồi tóc hư tổn, uốn tóc, tạo kiểu tóc, làm nail, cắt tóc cho bé, spa, trang điểm... hoặc tùy chọn salon theo mức giá, độ tin tưởng hay ưu đãi lớn. iSalon còn kết hợp với các đối tác trên hệ thống tung nhiều ưu đãi cho khách hàng trong các dịp lễ lớn. Nền tảng còn đề xuất những sản phẩm làm đẹp phù hợp với dịch vụ mà khách hàng đã sử dụng, giúp khách hàng tiếp tục trải nghiệm.
Bên cạnh đó, iSalon còn tạo ra các chương trình truyền thông, tiếp thị miễn phí cho chủ salon trên hệ thống, giúp mở rộng, gia tăng lượng khách hàng. Chủ salon có thể nhận được những phản hồi công khai, minh bạch về chất lượng dịch vụ của mình từ khách hàng, đưa ra những phân tích, chiến lược cạnh tranh để nâng tầm thương hiệu. Với mỗi đơn hàng thành công từ salon, iSalon sẽ thu về 18% chi phí.
Hướng tới đa dạng dịch vụ, cạnh tranh chi phí
Theo đại diện iSalon, công ty đang đàm phán với các salon trên hệ thống để tăng thêm ưu đãi cho khách hàng sử dụng. Trong năm nay, iSalon dự kiến ra mắt tính năng đặt lịch vào giờ trống, người dùng có thể hưởng mức ưu đãi từ 30-40% chi phí khi đặt lịch vào các khung giờ này. Hiện các salon tóc chỉ đông vào một số khung giờ nhất định, trong khi những khung giờ khác lại bị trống, gây lãng phí vì dù không có khách vẫn phải trả các chi phí nhân sự, mặt bằng, vận hành, điện nước... Do đó, CEO iSalon tin tưởng các chủ salon sẽ sẵn sàng đưa ra các mức ưu đãi cao để thu hút người dùng vào các khung giờ vắng.
"Với tính năng này, chúng tôi sẽ giúp salon tăng thêm doanh thu hàng tháng, còn người dùng vẫn hưởng lợi khi được sử dụng dịch vụ chất lượng với mức chi phí tối ưu hơn", đại diện iSalon khẳng định.
Ra đời từ năm 2018, đến cuối năm 2019, iSalon đã vượt mốc 1.000 đối tác trên toàn quốc, lượng người dùng tải app hàng tháng đạt 50.000 người. Tại chương trình ThinkZone Accelerator hồi đầu năm 2020, iSalon còn là một trong 5 startup nhận gói hỗ trợ trị giá 50.000 USD của chương trình, được tham gia huấn luyện tăng tốc trong ba tháng, kết nối với mạng lưới nhà sáng lập thành công và chuyên gia từ Silicon Valley để thúc đẩy các chỉ số kinh doanh.
Trong đợt giãn cách xã hội tại Đà Nẵng năm 2020, iSalon quyết định tạm ngưng kết nối với toàn bộ salon tại Đà Nẵng để đảm bảo an toàn cho khách hàng. Để bù đắp doanh số, công ty hợp tác với đơn vị phân phối mỹ phẩm Salonzo có hệ thống salon đối tác lên tới hơn 10.000 salon cùng nhiều đối tác khác để phát triển kênh phân phối mỹ phẩm online, thu về 40% chi phí mỗi sản phẩm bán ra.
"Trong dịch, chúng tôi tập trung đẩy mạnh cung cấp thông tin chăm sóc, làm đẹp cho khách hàng và bán online các sản phẩm của các đối tác đã liên kết cho khách hàng, thu về doanh số trên dưới 100 triệu đồng mỗi tháng", đại diện iSalon chia sẻ.
Trong thời gian tới, công ty dự kiến mở rộng nền tảng ra toàn bộ các dịch vụ trong ngành làm đẹp như salon tóc, spa, nail, make up, tatoo, phun xăm, thẩm mỹ..., hướng đến trở thành ứng dụng đặt chỗ dịch vụ làm đẹp hàng đầu Việt Nam trong năm 2025.
Đồng thời để thu hút khách hàng, iSalon triển khai chương trình ưu đãi khi đặt lịch làm tóc qua ứng dụng. Cụ thể, với đơn trên 800.000 đồng, khách hàng sẽ được tặng bộ dầu gội xả cho tóc hư tổn trị giá 500.000 đồng. Bên cạnh đó, công ty còn cập nhật bảng giá cụ thể của từng salon, minh bạch giá nhằm đảm bảo lợi ích của người dùng, dùng công nghệ chatbot, tạo blog tư vấn làm đẹp cho người dùng, làm việc với đối tác để tạo ưu đãi độc độc quyền.
Hà Thanh