Sinh năm 1989, Mạnh Binh từng đứng top đầu trong kỳ thi đại học tại Hàm Dương (Trung Quốc). Theo chuyên ngành tự động hóa, anh sở hữu 5 bằng sáng chế điện tử và cảm biến trong thời gian học. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Giao thông Tây An, anh đảm nhận vai trò kỹ sư mạng tại các tập đoàn Tencent, Baidu với mức lương 300.000 NDT (tương đương hơn một tỷ đồng) mỗi năm.
Công việc của Mạnh Binh là viết lập trình Java, MySQL, C++. Tuy nhiên, sau hơn một năm làm việc không có nhiều tiến triển, anh đã cùng hai người bạn mở công ty với vốn khởi điểm 120.000 NDT.
Công ty chủ yếu nhận gia công phần mềm, bảo trì và nâng cấp hệ thống mạng. Quy mô công ty nhỏ nên đơn hàng chỉ đến từ những đơn vị nhỏ lẻ. Trong căn phòng 30 m2 tại Thạch Cảnh Sơn, Mạnh Binh và đồng nghiệp ngày làm tối ngủ, chi phí ăn vỏn vẹn 20 NDT một ngày. Trong nửa năm, anh gần như chỉ ăn cầm hơi, thậm chí đôi khi đói cồn cào, nhiều hôm tỉnh giấc lúc 2h sáng.
Năm 2013, Mạnh Binh nhận tin mẹ ốm nặng và tức tốc lên đường về quê. Khi đến ga đường sắt Tây Bắc Kinh, trong túi chỉ có vỏn vẹn 103 NDT, không đủ tiền mua vé tàu cao tốc, anh đã khóc và quyết tâm kiếm thật nhiều tiền để bố mẹ an lòng.
Không lâu sau, Mạnh Binh phát hiện tiềm năng của ngành đồ ăn nhanh. Thời điểm đó, doanh thu từ đồ ăn nhanh của cả Trung Quốc cán mốc hơn 6.000 tỷ NDT.
Chàng kỹ sư mạng 8X đã cùng hai người bạn quyết định chuyển đổi mô hình kinh doanh là món ăn vặt quen thuộc tại Thiểm Tây. Sau khi lựa chọn và cân nhắc, anh quyết định bán bánh mỳ sandwich phiên bản Trung Quốc với phần nhân kẹp thịt.
Đặc trưng bánh mỳ sandwich tại Thiểm Tây là dùng lò nướng. Tại Bắc Kinh, anh thay thế bằng bếp nướng. Vấn đề đáng lo nhất khi dùng bếp nướng là vỏ bánh không thể xốp giòn. Do đó, anh đã tính toán kỹ lưỡng lượng muối, độ mỏng của lát thịt khi cắt, độ dày và đường kính của bánh để tạo độ giòn ngon như ý. Suốt một năm sau đó, anh liên tục thử nghiệm và mời bạn bè ăn thử, nghe cảm nhận của họ. Cuối cùng món bánh cũng hoàn thiện.
Mạnh Binh muốn mở tiệm bánh đầu tiên tại nơi tập trung nhiều tập đoàn lớn và 8 trường đại học danh tiếng, dù trong nhóm có người phản đối bởi phí thuê mặt bằng đắt đỏ - 100.000 NDT một tháng cho mỗi 10 m2.
Trước một tuần mở bán, Mạnh Binh nhờ người bạn viết bài có tiêu đề "Nguyên nhân khiến tôi nghỉ việc đi bán bánh sandwich". Nguyên văn bài viết kể lại tuổi trẻ mờ mịt về tương lai và quá trình gian khổ khi khởi nghiệp. Kết quả, bài viết đạt hơn 100.000 lượt thích, hơn 100 lượt chia sẻ, từ khóa "Thiếu gia Thiểm Tây bán bánh sandwich" trở thành hiện tượng marketing của năm 2014.
Mạnh Binh đã áp dụng chiến lược bán bánh sandwich với ưu đãi hấp dẫn: 1.000 cái bánh sandwich được phát miễn phí cho 1.000 vị khách đầu tiên; tri ân nhân viên IT làm trong các tập đoàn như NetEase, Sohu, Google, Baidu, Tencent, Ali được nhận miễn phí mỗi người một cái; chia sẻ bài viết đến bạn bè, nhấn yêu thích và chụp lại màn hình cũng được nhận miễn phí một cái bánh.
Kết quả, trong ngày đầu tiên khai trương, lúc 4h sáng đã có nhân viên IT và nhân viên bên truyền thông đến xếp hàng. Khoảng 6h, dòng người xếp hàng kéo dài hàng km.
Vào lúc 7h, 5.000 cái bánh sandwich nhanh chóng được tiêu thụ nhưng vẫn không thể đáp ứng số lượng người mua. Có khách hàng mua tới 10 cái. Cuối cùng, tiệm bánh phải giới hạn mỗi người chỉ được mua một cái bánh. Đa số khách hàng đều hài lòng về chất lượng và giá cả khi mỗi cái bánh sandwich có giá 7 NDT (khoảng 25.000 đồng).
Sau 100 ngày, Mạnh Binh đã bán ra 200.000 cái bánh. Nửa năm sau, chuyên gia nhận định bánh sandwich thương hiệu "Thiếu gia Thiểm Tây" ước tính đạt khoảng 40 triệu NDT. Anh tiếp tục mở thêm 20 chi nhánh phân phối bánh sandwich, mỗi năm bán ra hơn 8 triệu cái.
15/12/2016, Mạnh Binh nhận được vốn đầu tư 11,5 triệu USD. Tham vọng của anh là mở thêm 10.000 chi nhánh bánh sandwich trên khắp thế giới.
Tú Uyên (theo qncye)