Hủy
Góc chuyên gia Thứ ba, 21/5/2019, 15:27 (GMT+7)

Các chuyên gia đưa hiến kế giúp khởi nghiệp sáng tạo trong thời đại số

Các giải pháp tập trung tạo đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo, từ hạ tầng, thị trường đến hành lang pháp lý, bắt kịp xu thế chung của thế giới. 

Trong Phiên hiến kế về startup và các mô hình kinh doanh mới thuộc Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019, Bộ trưởng Trần Văn Tùng cho biết Bộ Khoa học và Công nghệ đảm nhiệm vai trò tạo lập môi trường bền vững, thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Thông qua đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (đề án 844), Bộ Khoa học và Công nghệ mong muốn nhận được nhiều kiến nghị để hoàn thiện cơ chế chính sách cũng như tăng cường kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. 

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng. 

Liên quan đến việc xây dựng môi trường phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam được cho là vẫn còn gặp nhiều khó khăn khiến các nhà đầu tư e ngại, ông Nguyễn Hồng Sơn đã nêu ra 4 vấn đề để lãnh đạo các cơ quan chức năng, các chuyên gia trao đổi, phát hiện và kiến nghị tháo gỡ các rào cản giúp kinh tế tư nhân phát triển bứt phá, thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế; tìm ra giải pháp tạo đột phá cho khởi nghiệp sáng tạo, từ hạ tầng, thị trường đến hành lang pháp lý... để các nhà khởi nghiệp sáng tạo bắt kịp xu thế chung của khu vực và thế giới; khuyến khích mọi nguồn lực và các thành phần trong xã hội phát huy mạnh mẽ sức sáng tạo để đưa Việt Nam thành quốc gia khởi nghiệp thành công bao gồm:

Vấn đề thứ nhất là về tìm hiểu trên thế giới xem hiện có phương thức mô hình kinh doanh mới nào? mô hình nào cần thiết và phù hợp với Việt Nam, nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp, mô hình nào phục vụ tốt nhất cho sự phát triển nhanh và bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Đây là động lực quan trọng cho phong trào khởi nghiệp quốc gia.

Vấn đề thứ hai là xu hướng "ứng xử" của các quốc gia với những mô hình kinh doanh mới trong thời đại số; quan điểm, cơ chế và chính sách phù hợp về công nghệ, về sự sáng tạo, chấp nhận công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu; bảo đảm chuyển đổi số có tác động bình đẳng và có lợi ích cho tất cả đối tượng khác nhau; các cơ quan quản lý nhà nước phải tìm cách để liên tục thích ứng với môi trường mới đang biến đổi nhanh chóng, bằng cách tự thay đổi chính mình.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Vấn đề thứ ba là những giải pháp khuyến khích các mô hình kinh doanh mới tại Việt Nam, với 6 nội dung cơ bản liên quan đến chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, bao gồm: xây dựng  chiến  lược khởi nghiệp quốc gia; tối ưu hóa môi trường pháp lý; tăng cường giáo dục tinh thần khởi nghiệp và phát triển các kỹ năng; tạo điều kiện trao đổi và đổi mới công nghệ; hỗ trợ tiếp cận tài chính; nâng cao nhận thức về khởi nghiệp và thiết lập các cụm liên kết, cụm ngành công nghiệp, các hiệp hội hỗ trợ.

Vấn đề cuối cùng liên quan đến việc xây dựng thị trường vốn chuyên biệt cho khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

Trong khi đó, định nghĩa thế nào về mô hình kinh doanh mới, ông Phạm Hồng Quất - Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học Công nghệ (Bộ KH&CN) cho rằng, những mô hình kinh doanh mới có khả năng nhân rộng phải là những mô hình tạo ra dịch vụ, sản phẩm mới hoặc phương thức mới. Bản chất của mô hình mới này không dựa trên giá rẻ mà phải dựa trên tài sản trí tuệ, công nghệ mới, khẳng định được tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghệ. Bản thân bảo hộ sở hữu trí tuệ đã là thước đo về khả năng phát triển bền vững. Bài học từ Israel, Singapore và các nước khác cho thấy họ đều quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, mức độ phạm vi bảo hộ phải mang tính toàn cầu.

Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN. 

Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN. 

Ông Quất cũng khẳng định từ 3 năm qua, khi Thủ tướng Chính Phủ phát động Chương trình quốc gia về khởi nghiệp và được sự hưởng ứng của nhiều bộ ngành như Bộ KH&CN, Bộ Giáo dục Đào tạo..., hệ sinh thái khởi nghiệp sáng Việt Nam đã bắt đầu đi vào thực chất, chứ không còn là phong trào hay tạo công ăn việc làm nữa mà hướng đến làm giàu, tạo ra những thị trường có những ứng dụng mới. Nguồn vốn không cần nhiều nhưng khả năng tăng trưởng cao.

Thành Dương