Hủy
Góc chuyên gia Thứ bảy, 3/7/2021, 06:00 (GMT+7)

Grab xây dựng đội ngũ công nghệ thế nào

Với 3 kỹ sư khởi đầu, Grab phát triển lên mạng lưới 8 trung tâm công nghệ khắp thế giới và tạo ra 120 tính năng mới trong năm 2020.

Ra mắt năm 2012 tại Malaysia với duy nhất một sản phẩm - GrabTaxi. Sau 9 năm, Grab phát triển thành một "siêu ứng dụng" với khoảng 25 triệu người dùng giao dịch hàng tháng, 5 triệu tài xế đã đăng ký và 2 triệu người bán các đối tác.

Đằng sau quy mô khổng lồ đó, là đội quân kỹ sư công nghệ với những giải pháp phần mềm, hệ điều hành, công cụ bảo mật và các giao thức khác. Tuy vậy, Suthen Thomas, Giám đốc công nghệ của Grab cho biết, ngày mới ra mắt, họ chỉ có vỏn vẹn 3 thành viên.

Suthen gia nhập công ty vào năm 2011 với tư cách là cố vấn kỹ thuật nhờ sự giới thiệu của một người bạn với Anthony Tan và Tan Hooi Ling. Hai đồng sáng lập lúc đó đang tìm kiếm một người có kiến thức kỹ thuật để xây dựng một ứng dụng giúp taxi an toàn hơn, và Suthen được đánh giá là người phù hợp.

"Tôi thấy dự án thú vị vì Malaysia nổi tiếng là nơi có những tài xế taxi tệ nhất thế giới", Suthen nói. Trước khi gia nhập Grab, ông từng là Giám đốc phát triển phần mềm tại Logistics Consulting Asia ở Selangor, Malaysia.

Grab xây dựng nền tảng công nghệ như thế nào

Suthen Thomas, Giám đốc công nghệ Grab. Ảnh: Grab.

Mới thành lập, nên đội ngũ ban đầu của Grab làm việc tại một văn phòng nhỏ ở Kuala Lumpur. Sản phẩm đầu tiên của họ là hệ thống điều phối taxi cho tài xế, nhưng không có ứng dụng hành khách.

"Hệ thống lúc đó được phát triển bởi một công ty bên thứ ba. Anthony đưa tôi đi xem công việc và tôi đề nghị nhóm phát triển nội bộ. Tôi đã giới thiệu một vài người bạn và kết quả là Grab có đội công nghệ riêng đầu tiên vào tháng 12/2011, gồm 3 người. Không ai có một bản mô tả công việc cụ thể. Mọi người chỉ làm những gì cần thiết", Suthen nói. Suốt quãng thời gian sau đó, nhóm dành dành toàn bộ thời gian để viết code. Suthen chịu trách nhiệm giải quyết những điểm mấu chốt của hệ thống.

Năm 2012, chính phủ Malaysia tổ chức lễ hội hóa trang và nhóm của Suthen đã lập một gian hàng tuyển tài xế taxi. Từ người sáng lập đến kỹ sư, tất cả ra đường và tuyển tài xế cho Grab. Đội ngũ tài xế tăng lên, buộc nhóm phải mở rộng quy mô sản phẩm. Họ đã đầu tư vào nhiều công nghệ như JavaScript back-end Node Js và cơ sở dữ liệu NoSQL mã nguồn mở CouchDB, những thứ mới ra thị trường và hỗ trợ hệ sinh thái còn hạn chế.

Năm 2012, Suthen chính thức trở thành trưởng nhóm công nghệ đầu tiên của Grab. Các thành viên là Fadrizul Hasani, Michael Cheah và Corey Scott vẫn ở lại công ty.

"Chúng tôi đã thử và thử nghiệm các công nghệ khác nhau. Chuyển từ Node Js và CouchDB sang Rails và MySQL trong khi vẫn giữ một số công nghệ cũ. Ngoài ra, sản phẩm được xây dựng để hỗ trợ nhiều thị trường. Vì vậy chúng tôi phải quốc tế hóa và bản địa hóa ngay từ đầu. Điều này còn giúp chúng tôi mở rộng sang các thị trường khác nhanh hơn", Suthen nói.

Năm 2013, Suthen xin nghỉ phép để theo đuổi bằng thạc sĩ tại Trường Harvard Kennedy và trở lại hai năm sau đó. Tháng 1/2020, ông được thăng chức lên vị trí CTO - Giám đốc công nghệ tại Grab.

Văn phòng Grab trong những ngày đầu thành lập chủ yếu bao gồm một đội ngũ công nghệ nhỏ và ít sinh viên thực tập. Ảnh do Grab cung cấp.

Văn phòng Grab trong những ngày đầu thành lập với vài kỹ sư công nghệ và sinh viên thực tập. Ảnh: Grab.

Có trụ sở chính tại Singapore, Grab hiện hoạt động tại 428 thành phố trên 8 quốc gia ở Đông Nam Á. Ngoài các dịch vụ chính như GrabCar, công ty còn có các dịch vụ khác phục vụ nhu cầu người dân địa phương. Ví dụ, dịch vụ đặt xe ôm theo yêu cầu GrabBike là phổ biến nhất tại Indonesia, Thái Lan và Việt Nam. Cùng lúc đó, ở một số vùng của Campuchia, khách hàng có thể đặt hàng Grab Remorque, phiên bản tuk-tuk truyền thống - một chiếc xe ngựa hai bánh kéo bởi một chiếc xe máy. Và ở Myanmar, người dùng có thể yêu cầu taxi xe kéo.

Tuy nhiên, dùng công nghệ để thay đổi thói quen của khách hàng không dễ. Các nhóm vận hành và công nghệ, thậm chí từ các văn phòng toàn cầu của công ty ở Bắc Kinh và Seattle, phải đến trực tiếp thị trường để trải nghiệm sản phẩm. Bằng cách này, Grab nắm rõ nhu cầu và hành vi khách hàng.

"Minh chứng rõ ràng nhất là trong Covid-19, người dân không thể ra ngoài vì lệnh hạn chế di chuyển. Đó là cơ hội của Grab. Chúng tôi đã xây dựng mạng lưới giao hàng và sẵn sàng giao tất cả mọi thứ khách hàng muốn từ thực phẩm đến hàng hóa tiêu dùng hàng ngày", Suthen nói.

Grab có các dịch vụ khác nhau tại các thị trường trong khu vực. Tại Myanmar, người dùng có thể yêu cầu taxi xe kéo có tên Grab ThoneBane. Ảnh do Grab

Grab có các dịch vụ khác nhau tại các thị trường trong khu vực. Tại Myanmar, người dùng có thể yêu cầu taxi xe kéo có tên Grab ThoneBane. Ảnh: Grab.

Tập trung vào bảo mật và dữ liệu

Nền kinh tế số Đông Nam Á đang phát triển rất mạnh trong hơn một thập niên trở lại đây. Hơn 400 triệu người dùng đang sử dụng Internet trong khu vực này. Họ sẵn sàng cung cấp dữ liệu để sử dụng các dịch vụ.

Các công ty lập ra rào chắn để bảo vệ dữ liệu người dùng song vẫn không thể chặn hoàn toàn việc hacker đột nhập và lấy đi dữ liệu cá nhân quý giá. Ông Suthen nói rằng Grab tiếp cận vấn đề bảo mật và niềm tin một cách tổng thể. "Chúng tôi thường xuyên tích hợp các vấn đề bảo mật vào chu kỳ phát triển sản phẩm. Chúng tôi yêu cầu đội ngũ bảo mật phải đánh giá lại việc thiết kế các tính năng của bất kỳ giao diện lập trình ứng dụng mở nào. Và một bên thứ 3 được thuê để xác nhận và đảm bảo hoạt động của Grab có hiệu quả", ông Suthen giải thích.

Grab hiện sở hữu một hệ thống ngăn và phát hiện hành vi lừa đảo gọi là Grab Defence. Trung bình, một nền tảng trực tuyến ở Đông Nam Á mất 1,6% doanh thu cho hoạt động lừa đảo. Con số này ở Grab là dưới 0,2%.

"Một hành vi lừa đảo thường gặp trong hoạt động gọi xe là các lệnh đặt xe giả và người dùng làm giả tín hiệu GPS. Chúng tôi đầu tư vào trí tuệ nhân tạo để phát hiện vấn đề theo thời gian thực", ông chia sẻ thêm. Grab thậm chí còn cung cấp các công cụ bảo mật này cho các doanh nghiệp khác để chống lại hành vi lừa đảo.

Đội ngũ công nghệ mạnh là yếu tố quan trọng

Khi được hỏi về đội ngũ nhân sự công nghệ hiện nay, Suthen từ chối chia sẻ cụ thể về số lượng đang có. Ông nói rằng Grab đang làm việc với các kỹ sư tại 8 trung tâm trên thế giới tại các thành phố như Bangalore, Bắc Kinh và Seattle.

Suthen thừa nhận Grab vẫn là một công ty trẻ và liên tục tăng trưởng. Vì thế, công ty này vẫn tìm kiếm các nhân sự công nghệ sẵn sàng xắn tay áo và làm bất kỳ điều gì cần thiết dù cho đó không phải là một công việc của một kỹ sư truyền thống.

Cách Grab phản ứng với dịch bệnh là một minh chứng cho thấy sự bền bỉ của đội ngũ. Nhiều hạng mục trong tiến độ phát triển đã thay đổi để tập trung nhiều vào các tính năng giao hàng mà người dùng rất cần trong đại dịch. Năm ngoái, Grab ra mắt 120 tính năng mới, chủ yếu tập trung vào GrabFood, GrabMart, và GrabExpress.

"Chúng tôi cập nhật khoảng 10 tính năng mới mỗi tháng. Grab tăng quy mô dịch vụ giao đồ tươi sống từ hai thị trường lên tới 8 thị trường và hơn 50 thành phố trong 3 tháng. Điều này khả thi vì chúng tôi đã xây nền tảng cho phép tăng quy mô trên nhiều thị trường nhanh chóng. Grab luôn bắt đầu với vấn đề mà khách hàng, đối tác tài xế và nhà bán hàng gặp phải. Ra tính năng mới là một quy trình phối hợp giữa các đội ngũ khác nhau như công nghệ, sản phẩm và kinh doanh", ông nhấn mạnh.

Suthen nói rằng vẫn có hai điều làm ông thao thức hàng đêm là cách đảm bảo đội ngũ tìm được niềm vui trong công việc với các thử thách mới và đạt được sự hoàn hảo. Điều này càng quan trọng hơn khi Grab dự kiến thực hiện IPO tại Mỹ vào cuối năm nay thông qua việc sáp nhập với một công ty SPAC ở định giá gần 40 tỷ USD.

Thành Dương (theo KrASIA)