Hủy
Góc chuyên gia Chủ nhật, 6/10/2019, 10:26 (GMT+7)

Sun* Startups sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp ở thị trường ngoại

Đại diện nhà đồng hành cùng Startup Việt 2019, ông Nguyễn Ngọc Tuấn nói đơn vị sẽ cử chuyên gia giúp doanh nghiệp xây dựng văn phòng, tuyển nhân sự và làm quen thị trường mới tại nhiều quốc gia. 

- Theo anh, vì sao các startup trong nước nên tính đến chuyện xuất ngoại ngay khi vừa ra đời? 

- Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển nhanh. Các quốc gia đã coi đây là thế giới phẳng, cho nên câu chuyện "go global" đã có từ lâu. Mỗi doanh nghiệp đều hướng đến sự phát triển rộng về quy mô, vượt ra khỏi ranh giới quốc gia.

Tôi cho rằng câu chuyện xuất ngoại là bắt buộc chứ không còn là nên hay không nên. Các startup nếu chỉ phát triển trong nước thì đang tự bó hẹp, hạn chế ngay từ trong tư duy. 

Sun* Startups sẵn sàng hỗ trợ cho những 

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, đến từ Sun* Startups trình bày về cách tồn tại của doanh nghiệp ở môi trường ngoại trong sự kiện hôm 5/10, tại Hà Nội. 

Trong khi đó doanh nghiệp quốc tế họ tính đến bài toán xa hơn là phủ sóng toàn cầu. Đến một ngày nào đó họ vào Việt Nam thì chúng ta không thể chống đỡ được. Tôi lấy ví dụ đơn giản như Grab, ứng dụng gọi xe công nghệ này thâu tóm trị trường trong nước. Một số đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Grab đang bị loại bỏ dần vì Grab có tiềm lực mạnh, có thể thể chơi một cuộc chơi dài hơi trên đất nước chúng ta.

- Hành trang các startup cần có để xuất ngoại thành công là gì?

- Điều đầu tiên và quan trọng nhất là các bạn cần có một mô hình kinh doanh bền vững. Tiếp đến là startup không cần phải phủ sóng toàn bộ thị trường trong nước. Mỗi doanh nghiệp khởi nghiệp chỉ cần chọn một lĩnh vực và khai thác thành công khách hàng ở lĩnh vực của mình. Đó mới là thành công giúp các bạn tồn tại được.

Cuối cùng, startup cần tìm một người đồng hành. Đôi khi việc gọi vốn không chỉ là yếu tố tài chính, nhà đầu tư còn là bạn, có thể giúp chúng ta ở ở nhiều khía cạnh như vận hành, xây dựng bộ máy, marketing,...

Go global là đến một đất nước mới, tiếp xúc với văn hoá mới, con người mới, nếu chúng ta không hiểu gì về họ qua những người đồng hành thì sẽ tốn rất nhiều thời gian để hoà nhập.

Khi gia nhập sân chơi quốc tế, các bạn sẽ gặp phải khó khăn về hiểu thị trường, hiểu khách hàng. Xu hướng phát triển của mỗi quốc gia đều thay đổi theo thời gian ngắn, từ 2-5 năm là một giai đoạn. Do đó doanh nghiệp có thể chỉ tồn tại một thời gian ngắn đã chết yểu vì luật pháp thay đổi, nhu cầu khách hàng cũng thay đổi.

Thế mạnh lớn nhất của doanh nghiệp trong nước là hiểu rõ sân nhà, dễ dàng tiếp cận khách hàng hơn. Nhưng khi sang một đất nước xa lạ, không còn thế mạnh đấy nữa, doanh nghiệp sẽ bị bơ vơ giữa hàng tá khó khăn.

Startup Việt Nam bắt đầu trở thành một làn sóng mạnh mẽ từ cách đây khoảng 3 năm, từ năm 2016 khi chúng ta có tổng nguồn đầu tư khoảng 280 triệu USD. Đến năm 2018, con số này tăng lên 890 triệu USD.

Mặc dù vốn đầu tư tăng, doanh nghiệp tăng nhưng số lượng có thể go global thành công còn đếm trên đầu ngón tay. Chưa kể những doanh nghiệp đó mới chỉ gọi là sống được ở thị trường nước ngoài chứ chưa đóng góp nhiều vào doanh thu tổng. 

- Có ý kiến cho rằng startup vươn ra thị trường ngoại để làm phong phú cho hồ sơ gọi vốn, anh nghĩ sao về điều này?

- Điều này là có và cũng là một phần cần thiết trong truyền thông của startup. Nhưng nếu muốn gọi vốn bằng việc đã go global, tôi nghĩ các startup phải chứng minh được đây là hướng đi sẽ đem lại thành công. Có thể bây giờ các bạn vẫn đang loay hoay tìm văn phòng hay tuyển dụng nhân sự, nhưng về lâu dài bạn tin tưởng vào hướng đi của mình.

Còn về việc dùng go global để thuyết phục nhà đầu tư chưa hẳn là giải pháp thông minh. Nhà đầu tư là những người giàu kinh nghiệm. Đôi khi chỉ bằng vài câu hỏi khó là họ có thể biết mô hình của startup có tiềm năng hay không. Chưa kể sau gọi vốn, nhà đầu tư vẫn có quyền rút lại quyết định nếu những thông tin các bạn đưa ra không có cơ sở.

Go global chưa hẳn là việc đem lại lợi thế về doanh thu cho startup. Nhưng chắc chắn sẽ cho những nhà sáng lập một tâm thế và tầm nhìn dài hơn, xa hơn.

- Với những doanh nghiệp khởi nghiệp muốn vươn ra thị trường ngoại thì Sun* Startups có hỗ trợ gì?

- Chúng tôi hiện có 6 chi nhánh ở các quốc gia như Nhật Bản, Việt Nam, Philippines, Campuchia,... mỗi thị trường này thì có một nguồn lực dành cho việc hỗ trợ các startup. Giai đoạn đầu Sun* Startups sẽ cử các chuyên gia giúp startup giải quyết những vấn đề như tìm kiếm văn phòng, tuyển dụng nhân sự, làm quen với các vấn đề pháp lý.

Những mô hình startup dễ dàng go global nhất theo tôi là ở lĩnh vực kỹ thuật – công nghệ khi ít phụ thuộc vào con người, văn hoá, những rào cản khó lấp đầy. Như các đội thi Startup Việt 2019, tôi đánh giá cao một số sản phẩm chuyển đổi tất cả các loại ngôn ngữ. Tôi nghĩ đó là ý tưởng tốt và khi triển khai ở nước ngoài sẽ chỉ gặp khó khăn về hạ tầng kỹ thuật thôi. Sản phẩm sắp có bằng sáng chế sẽ càng dễ dàng dàng trong việc tiếp cận khách hàng ngoại.

Thành Dương

Sun* Startups sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp ở thị trường ngoại - 1