"Startup Việt cần mở rộng tầm nhìn ra thế giới", tỷ phú người Thụy Sỹ Axel Schultze phát biểu tại hội thảo "Tài chính dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo", tổ chức ngày 6/3 tại Hà Nội. Là Chủ tịch Diễn đàn Đổi mới sáng tạo thế giới, cùng kinh nghiệm nhiều năm điều hành doanh nghiệp, ông Axel Schultze đưa ra nhiều lời khuyên dưới góc nhìn của cả giới khởi nghiệp và đầu tư.
"Tại Thung lũng Silicon, hầu hết những nhà đầu tư, doanh nhân thành công đều đến từ nước ngoài", vị tỷ phú cho biết. Theo ông, cộng đồng startup trong một quốc gia cần có sự kết nối với thế giới để tạo thành một mạng lưới. Nói cách khác, các startup phải có tư duy "go global" - vươn ra toàn cầu.
Yếu tố quan trọng được vị chuyên gia chỉ ra đầu tiên là ngoại ngữ. Lấy ví dụ tại Đức, hầu hết các hội thảo, workshop về khởi nghiệp sáng tạo đều sử dụng tiếng Anh. Ban đầu, việc áp dụng này gây nhiều bỡ ngỡ, nhưng sau 4 năm liên tiếp đã cho kết quả rõ rệt. Tỷ phú khẳng định, ngôn ngữ sẽ phá rào cản để kết nối và tạo nên lợi thế cho các startup.
Nhìn nhận từ thực trạng số lượng nhà đầu tư quốc tế tại thị trường Việt Nam chưa xứng với tiềm năng, theo ông Axel Schultze: "Các startup không nên bó hẹp mình trong một thị trường, không nên nghĩ thị trường 90 triệu dân đã là đủ. Các bạn nên tư duy mở rộng ra thế giới". Khi đó, hơn cả mục tiêu kinh doanh, các startup có thể đóng góp vào GDP và sự phát triển của quốc gia.
Lấy dẫn chứng đơn giản từ website giới thiệu - kênh dẫn thông tin bước đầu thu hút nhà đầu tư, vị chuyên gia nhận định, nhiều công ty không có website sử dụng tiếng Anh, thì khó để các nhà đầu tư quốc tế có đầy đủ thông tin để tiếp cận được.
Căn cứ thứ hai tạo nên sức hấp dẫn đầu tư cho một startup, theo vị tỷ phú, là "quan điểm đúng". Cụ thể, các startup phải thực sự nhanh nhạy, nắm bắt được xu hướng, dự đoán, từ đó đưa ra tầm nhìn về sản phẩm, kế hoạch kinh doanh, nhân sự để bắt kịp sự chuyển động của thị trường.
Dẫn ra số liệu từ nghiên cứu, trong vòng đời của con người có khoảng 30.000 ý tưởng, số ít trong đó hiện thực hóa thành hành động, ông Axel Schultze cho rằng, một sản phẩm tốt là chưa đủ, mà sản phẩm đó phải ra ngoài thị trường, tiếp cận khách hàng. Theo đó, các startup nên có ít nhất 6 tháng để thử nghiệm sản phẩm của mình.
"Việt Nam sẽ là thị trường hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài trong vòng vài năm tới", tỷ phú nhận định. "Các nhà đầu tư nên lựa chọn startup có nhà sáng lập tốt chứ ko chỉ dựa vào sản phẩm", ông khẳng định. Sự hiểu biết về tài chính và thị trường của người dẫn dắt sẽ giúp giảm thiểu rủi ro.
Cũng trong hội thảo, bà Phan Hoàng Lan, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính, Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ nhận định, giải quyết vấn đề tài chính cho doanh nghiệp là rất khó.
"Điều quan trọng là cần đưa cho các doanh nghiệp này công cụ, giúp họ đưa ý tưởng ra thị trường. Theo đó, đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia của Bộ Khoa học và Công nghệ nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái gồm startup, nhà đầu tư, vườn ươm, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam ra thế giới, đồng thời rà soát lại các chính sách dành cho khởi nghiệp", bà cho biết.
Hội thảo về "Tài chính dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo" do BK Holdings - đơn vị tham gia Đề án 844 về hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, phối hợp cùng Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội) và Cộng đồng các nhà cố vấn (mentor) chuyên nghiệp (iMentor) tổ chức. Sự kiện nhằm kết nối và cung cấp những kiến thức, thông tin về chủ đề về huy động vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thông qua cái nhìn đa chiều từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, ngân hàng, nhà hoạch định chính sách.
Phạm Vân