Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ năm, 7/1/2021, 08:45 (GMT+7)

CEO Bytesoft Việt Nam: 'Tôi khao khát đưa công nghệ Việt ra thế giới'

Ông Đoàn Đức Mạnh - CEO Bytesoft Việt Nam cho biết, blockchain và big data là công nghệ nền tảng để doanh nghiệp phát triển sản phẩm, vươn ra thị trường thế giới.

- Tại sao Bytesoft Việt Nam quyết định lựa chọn một lĩnh vực công nghệ mới như blockchain để phát triển?

- Blockchain mang đến thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội cho người biết nắm bắt. Bytesoft Việt Nam đã trải qua nhiều năm gia công phần mềm và tiếp xúc với nhiều công nghệ mới trên thế giới. 4-5 năm trước, khi blockchain vẫn còn khá lạ lẫm ở Việt Nam thì Bytesoft đã nhận rất nhiều đơn hàng về công nghệ này. Khi thực hiện gia công, chúng tôi nhận ra tiềm năng phát triển của blockchain. Từ đó, Bytesoft đã đặt mục tiêu dẫn đầu trong lĩnh vực blockchain.

Với hệ thống bình chọn đánh giá tín nhiệm Bvote, chúng tôi đã đưa được công nghệ blockchain vào thực tế trong khi nhiều doanh nghiệp mới bắt đầu nghiên cứu. Trong hai năm vừa qua, Bvote đã trở thành hệ thống bình chọn độc quyền của Hoa Hậu Hoàn Vũ 2019 và mới đây là Hoa Hậu Việt Nam 2020. Với công nghệ này, Bytesoft cũng xây dựng phần mềm họp đại hội cổ đông trực tuyến như một giải pháp trong Covid-19 cho nhiều doanh nghiệp.

- Doanh nghiệp đặt mục tiêu ra sao khi mở rộng ra thị trường khu vực và thế giới?

- Mới đây Bytesoft đã chính thức chuyển giao công nghệ cho công ty công nghệ toàn cầu ByteNext Singapore. Thông qua ByteNext, Bytesoft Việt Nam kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ sinh thái sản phẩm blockchain thực sự có giá trị. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các sản phẩm đã có và phát triển những sản phẩm mới để chinh phục thị trường công nghệ thế giới.

Ông Đoàn Đức Mạnh – Tổng giám đốc công ty cổ phần Bytesoft Việt Nam.

Ông Đoàn Đức Mạnh – Tổng giám đốc công ty cổ phần Bytesoft Việt Nam.

- Ngoài blockchain, đơn vị đang nghiên cứu và phát triển công nghệ mới nào?

- Big Data là công nghệ tiềm năng tiếp theo mà Bytesoft muốn phát triển vì blockchain và big data luôn đi liền với nhau. Blockchain với đặc điểm minh bạch và toàn vẹn dữ liệu sẽ giúp tạo ra những bộ dữ liệu tốt, vượt qua ứng dụng tài chính đơn thuần để vươn đến thực tế cuộc sống.

Bên cạnh đó thì dữ liệu vẫn luôn là mối quan tâm hàng đầu của giới công nghệ, tất cả các ông lớn như Google, Facebook hay Amazon đều đã nghiên cứu rất sâu về big data. Có một điều chắc chắn là dữ liệu của thế giới đang ngày một lớn lên, phân tích dữ liệu và big data theo đó ngày một phát triển, trở thành xu thế tất yếu của thế giới. Bytesoft sẽ không nằm ngoài làn sóng công nghệ này và sẽ đi tắt đón đầu để làm chủ.

Chúng tôi đang tiến gần hơn đến mô hình Venture Builder (Nôi khởi nghiệp), trở thành doanh nghiệp vừa đầu tư, vừa phát triển. Với tiềm lực tài chính sẵn có và năng lực về công nghệ, Bytesoft hướng đến đầu tư và phát triển cho các công ty công nghệ nhỏ khác. Và ttrong vai trò một nhà đầu tư với tầm nhìn chiến lược, tôi khao khát đưa công nghệ Việt vươn tầm thế giới.

polyad

Đội ngũ ban lãnh đạo của công ty Bytesoft Việt Nam, từ trái qua phải: Giám đốc Chiến lược - Marcus Leng; Tổng giám đốc - Đoàn Đức Mạnh và Phó Chủ tịch hội đồng quản Trị - Trần Anh Vương.

- Là một người khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, theo ông, yếu tố quan trọng nhất các startup cần có là gì?

- Yếu tố đầu tiên mà tôi muốn đề cập là mô hình kinh doanh. Một mô hình kinh doanh tốt và khả thi là yếu tố quan trọng để khởi nghiệp thành công. Nhiều người cho rằng khi mới khởi nghiệp không nên nghĩ nhiều về lợi nhuận, nhưng tôi lại có suy nghĩ khác. Khởi nghiệp không đơn giản chỉ cần ý tưởng. Làm thế nào để tạo ra giá trị và lợi nhuận sớm là điều các startup cần phải nghiêm túc tính toán.

Yếu tố thứ hai mà các nhà khởi nghiệp cần lưu ý là năng lực tài chính. Nói cách khác là sự hiểu biết và khả năng hoạch định về cơ chế vốn - điều mà hầu hết các startup Việt còn thiếu. Tại thung lũng Silicon, các nhà khởi nghiệp rất am hiểu về vấn đề này. Nếu một người có ý tưởng khởi nghiệp xuất sắc, các nhiều nhà đầu tư sẽ sẵn sàng tham gia cố vấn và dẫn dắt.

Yếu tố thứ ba là khả năng quản trị. Trên thực tế hầu hết các nhà sáng lập của các startup công nghệ đều là dân IT, họ có ý tưởng, có sản phẩm nhưng lại thiếu kỹ năng quản trị. Nếu không thể tự mình đảm nhận hết các vai trò, hãy tìm một người bạn đồng hành giúp quản trị doanh nghiệp hiệu quả.

Cuối cùng, một khi đã bước chân vào giới khởi nghiệp, bạn đã sẵn sàng đối mặt với thử thách thậm chí là thất bại chưa? Nếu không có tinh thần thép và niềm đam mê với những gì mình đang làm thì sẽ không thể chiến đấu đến cùng.

- Làm thế nào để sản phẩm đến gần với người dùng?

- Theo tôi sản phẩm tốt là yếu tố tiên quyết, năng lực truyền thông sẽ đi sau hỗ trợ để sản phẩm đến được với người dùng. Lĩnh vực khởi nghiệp đặc biệt là khởi nghiệp công nghệ có tốc độ đào thải rất nhanh, nếu sản phẩm không tốt thì marketing mạnh cũng trở thành vô nghĩa và sớm muộn người dùng cũng sẽ có những lựa chọn khôn ngoan hơn.

Tuy nhiên, nếu đã sở hữu sản phẩm tiềm năng mà không truyền thông được thì đó là sự thiệt thòi lớn của doanh nghiệp. Hai startup có sản phẩm tương tự, bên nào có năng lực marketing mạnh hơn thì bên đó sẽ thắng. Tôi cho rằng các nhà khởi nghiệp cần hoạt động song song cả hai hoạt động để khẳng định được vị thế của doanh nghiệp đủ lớn, đủ tầm, đủ mạnh tạo độ phủ.

Thảo Miên