Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ sáu, 11/6/2021, 09:27 (GMT+7)

Cơ hội nhận 50.000 USD khởi nghiệp từ Lab2Market

Chương trình Lab2Market ươm tạo, hỗ trợ những sáng chế mới với cơ hội nhận được 50.000 USD, khởi động từ tháng 7 tới.

Lab2Market là chương trình ươm tạo đưa sáng chế ra thị trường. Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK Holdings), thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị khởi động chương trình. Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách khoa Hà Nội (BK Fund), Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC), Chương trình khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP) đồng tổ chức.

BK Holdings, BK Fund, NSSC, Swiss EP đã cùng nhau ký kết hợp tác để đưa sáng chế ra thị trường trong nước và quốc tế.

BK Holdings, BK Fund, NSSC, Swiss EP cùng nhau ký kết hợp tác để đưa sáng chế ra thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: BK Holdings.

Các nhà nghiên cứu tham gia vào Lab2Market sẽ được đồng hành giải quyết những thử thách về việc nhận diện thị trường mục tiêu, xác định vị thế cạnh tranh, mô hình kinh doanh tối ưu, nâng cao năng lực tiếp thị và bán hàng của đội nhóm, định giá, hoàn thiện hồ sơ gọi vốn và tiếp cận nhà đầu tư tiềm năng.

Nhà sáng chế triển vọng sẽ có cơ hội nhận đầu tư từ BK Fund, Javis Venture và 5 nhà đầu tư thiên thần trị giá từ 20.000-50.000 USD; kết nối với vườn ươm ở Hà Nội, TP HCM, Nhật Bản và Hàn Quốc; tăng doanh số và phát triển năng lực tiếp thị bán hàng của đội nhóm. Đặc biệt, tham gia chương trình, nhóm nghiên cứu có thể được cố vấn bởi 5 quỹ đầu tư, các doanh nhân giàu kinh nghiệm.

Theo đại diện Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), chương trình Lab2Market là bước thí điểm, tiên phong trong việc hình thành hệ sinh thái bền vững cho các nhà khoa học.

Sáng chế được ưu tiên nằm trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, công nghệ dữ liệu, công nghệ vật liệu mới, năng lượng. Các sáng chế ở lĩnh vực khác vẫn có cơ hội nhận đầu tư nếu chứng minh tính khả thi.

Ngoài ra, lộ trình ươm tạo diễn ra trong 3 tháng ứng với 3 giai đoạn (gồm tối ưu hóa sản phẩm, tối ưu mô hình kinh doanh, gọi vốn) và 6 chủ đề chuyên sâu về đổi mới sáng tạo và thương mại hóa trong từng giai đoạn.

Sáng chế là tài sản trí tuệ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh quốc gia. Hiện nay, các trường đại học hàng đầu đều đầu tư nguồn lực con người và tài chính vào các hoạt động nghiên cứu. Về cơ bản, kết quả thu được vẫn còn thấp hơn kỳ vọng. Sản phẩm của các phòng nghiên cứu thường khó tìm được thị trường bởi nguyên nhân chính là thiếu tính ứng dụng.

Thành Dương