Nếu như tháng 3 năm ngoái, quỹ đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital từng cảnh báo Covid-19 sẽ khiến thị trường vốn cho các công ty khởi nghiệp suy giảm đáng kể. Thì năm 2021, tình hình đã khác xa so với lo ngại trên khi giới đầu tư đang ký những tấm séc giá trị ngày càng lớn cho startup. Theo thống kê từ CB Insight, chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm 2021, công ty khởi nghiệp trên toàn cầu gọi vốn thành công 292,4 tỷ USD, tiệm cận mốc 302,6 tỷ USD huy động được trong cả năm 2020.
Số lượng các vòng gọi vốn siêu lớn (mega round) với giá trị huy động trên 100 triệu USD là 751 tính đến thời điểm hiện tại, vượt qua con số 665 vòng của năm 2021. Hussein Kanji, một đối tác của công ty đầu tư mạo hiểm Hoxton Ventures trụ sở tại Anh cho biết: "Tình hình hiện nay giống như năm 1999, khi có quá nhiều nguồn cung cấp vốn và quá nhiều sự phấn khích. Đó là thời kỳ mà nếu một công ty có thêm '.com' trong tên gọi thì cổ phiếu của họ sẽ tăng, mọi người đều hối hả đầu tư vì lo lắng sẽ bỏ qua cơ hội lớn".
Cổ phiếu của các công ty dotcom tăng giá nhanh chóng tại Wall Street vào cuối những năm 1990 trong bối cảnh Internet ngày càng phổ biến rộng rãi. Đầu tư mang tính đầu cơ đã đưa chỉ số Nasdaq Composite (tập trung các cổ phiếu ngành công nghệ) tăng 400% trong giai đoạn từ 1995 đến 2000. Tuy nhiên đến tháng 10/2002 chỉ số đã giảm 80% so với đỉnh sau khi bong bóng dotcom xì hơi vào năm 1999.
Trong 5 năm qua, giá trị của Nasdaq đã tăng gấp gần 3 lần. Giá trị thị trường của một số cổ phiếu công nghệ bao gồm Amazon, Google và Facebook vượt mốc 1.000 tỷ USD. Đặc biệt Microsoft và Apple hiện có giá trị hơn 2.000 tỷ USD.
Theo CB Insights, trong vòng nửa đầu năm 2021, đã có 249 startup trên toàn cầu xác lập được vị thế "kỳ lân" (định giá trên 1 tỷ USD), tăng gần gấp đôi so với số lượng kỳ lân khởi nghiệp của cả năm 2020. Nhiều nhà đầu tư đã bắt đầu tỏ ra quan ngại mạnh mẽ với mức định giá tăng vọt đối với các startup công nghệ. Chuyên gia Hussein Kanji từ Hoxton Ventures cho ràng định giá của các công ty công nghệ đang ngày càng xa rời thực tế, một phần do tâm lý lo sợ bỏ lỡ cơ hội của giới đầu tư.
Iana Dimitrova - đại diện một công ty khởi nghiệp tại Anh đang trong quá trình huy động vốn cho biết, nhiều nhà đầu tư thậm chí cho rằng mục tiêu tài chính của công ty quá thấp và họ chỉ quan tâm đến những vòng gọi vốn có giá trị trên 100 triệu USD.
CNBC nhận định, vốn khởi nghiệp công nghệ bùng nổ cũng có một phần nguyên do tới từ sự trỗi dậy mạnh mẽ của các công ty công nghệ tại Châu Âu. Khu vực này vốn từ lâu tụt hậu so với Mỹ và Trung Quốc về mặt công nghệ những đã nhận dòng vốn đầu tư lớn trong năm nay.
Các chuyên gia cho rằng xu hướng làm việc từ xa do ảnh hưởng của Covid-19 đã thúc đẩy chuyển đổi số, đồng thời đưa các công ty khởi nghiệp châu Âu tiếp cận thị trường toàn cầu. Số liệu của Factset cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2021, startup tại châu Âu đã huy động được gần 50 tỷ USD. Giá trị của nhiều startup công nghệ châu Âu đã tăng lên hàng chục tỷ USD, có thể kể đến như startup sản xuất pin Northvoltmm, startup cung cấp dịch vụ mua ngay trả sau Klarna (Thụy Điển) và startup phần mềm Celonis (Đức).
Sự gia tăng nhanh chóng của vốn đầu tư mạo hiểm cho startup công nghệ đã khiến nhiều công ty bắt đầu muốn niêm yết trên sàn chứng khoán. Tại Anh, vào này 8/7 vừa qua, startup trong lĩnh vưc công nghệ tài chính Wise đã thực hiện một trong những đợt IPO lớn nhất châu Âu trong năm 2021 và được định giá 8 tỷ bảng Anh.
Theo CB Insight, các startup công nghệ tài chính chiếm 22% tổng nguồn vốn đầu tư mạo hiểm huy động được trên toàn cầu trong quý 2 vừa qua. Chuyên gia, Iana Dimitrova nhận định: "Việc các nhà đầu tư sẵn sàng viết những tấm séc giá trị ngày càng cao có thể ảnh hưởng xấu đến tính bền vững của cộng đồng khởi nghiệp vì các công ty thay vì chú trọng tạo ra giá trị sẽ phải tập trung 'đốt tiền' để mở rộng thị trường".
Thảo Miên (Theo CNBC)