Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ sáu, 2/4/2021, 19:00 (GMT+7)

Mô hình ươm tạo 'thửa riêng' cho startup công nghệ

Chương trình liên kết giữa ba bên là doanh nghiệp công nghệ thông tin, tổ chức ươm tạo và nhà đẩu tư giai đoạn sớm giúp mang lại cơ hội sống sót cao cho startup.

Mô hình này kết hợp thế mạnh của ba nguồn lực là chuyên gia ươm tạo với khoa học khởi nghiệp bài bản, công nghệ và tài chính, kinh nghiệm vận hành doanh nghiệp công nghệ. Trong đó, nguồn lực lớn nhất là các chuyên gia sẵn có tại các doanh nghiệp CNTT - những người có mặt toàn thời gian trong chương trình để trực tiếp cố vấn và định hướng phát triển cho startup. Từ đó, startup có thể đi nhanh hơn, không cần quá bài bản như một chương trình đào tạo lý thuyết đơn thuần nhưng bù đắp được đúng chỗ cần, chỗ thiếu của startup.

Ngày 2/4 tại Hà Nội, Tập đoàn công nghệ Sun Asterisk, Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) và đối tác ThinkZone, Songhan Incubator đã chính thức ký kết hợp tác, tham gia mô hình trên nhằm góp phần thúc đẩy hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam.

Đại diện Sun* và VINASA trong lễ ký kết.

Đại diện Sun Asterisk và VINASA trong lễ ký kết.

Từ 2020, Sun Asterisk bắt đầu triển khai thử nghiệm mô hình Sun* Startups với tên gọi Batch 1: Khởi tạo Startup. Trong số 6 startup mới ở giai đoạn ý tưởng tham gia chương trình, hiện 5 startup tiếp tục phát triển và bước vào giai đoạn thử nghiệm thị trường. Với kết quả khả quan đó, Sun* Startups tiếp tục thực hiện Batch 2 và Batch 3 năm nay cho 5 startup, trong đó cung cấp văn phòng, đội ngũ cố vấn về công nghệ, phát triển sản phẩm, marketing và khoa học khởi nghiệp. Trong quá trình này, VINASA hỗ trợ kết nối các nhà đầu tư giai đoạn sớm trong mạng lưới Câu lạc bộ Nhà đầu tư công nghệ (VDI) của Hiệp hội.

"Khi tham gia, bên cạnh việc được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ trong hệ sinh thái hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ thông tin của VINASA, các startup tiềm năng có cơ hội được lựa chọn tham gia Chương trình Tăng tốc khởi nghiệp của VINASA, và đặc biệt là có cơ hội được đầu tư về tài chính, thị trường và công nghệ từ lãnh đạo các doanh nghiệp công nghệ - chính là các nhà đầu tư trong VDI", ông An Ngọc Thao, Giám đốc VDI thuộc VINASA, cho biết.

Năm 2020, văn phòng Đề án 844 - Bộ Khoa học và Công nghệ và Sun Asterisk Việt Nam cũng tiến hành một khảo sát về vấn đề nguồn lực công nghệ của các startup công nghệ thông tin. Trong số gần 30 startup ở giai đoạn sớm được hỏi, 100% cho biết họ đều gặp khó khăn nguồn lực phát triển sản phẩm công nghệ, 95% đã hoặc sẵn sàng chi từ 300 triệu đồng đến một tỷ đồng để có nhân sự kỹ thuật làm việc 3 - 6 tháng tùy trường hợp. Tuy nhiên, họ gặp phải khó khăn lớn là thiếu vốn hoặc nguồn lực đi thuê không đáp ứng được yêu cầu linh hoạt của quá trình phát triển sản phẩm của một startup. Năng lực chuyên môn của nhân sự thuê ngoài còn hạn chế trong khi công nghệ đòi hỏi cập nhật liên tục và gắn liền với chiến lược phát triển sản phẩm và bài toán chi phí của startup...

Minh Minh   |