Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ hai, 9/10/2017, 17:23 (GMT+7)

Nam kỹ sư bỏ lương cao ở nước ngoài về Việt Nam khởi nghiệp

Ứng dụng giúp việc theo giờ của anh Đỗ Đắc Nhân Tâm giúp người lao động có thể kiếm 12-14 triệu đồng mỗi tháng.

Du học ngành Công nghệ thông tin ở Canada khi mới 18 tuổi, anh Tâm chịu ảnh hưởng về lối sống, tư duy từ xứ sở lá phong. Năm 2 đại học, anh làm việc cho các công ty công nghệ. Tốt nghiệp Kỹ sư phần mềm, anh ở lại Canada làm software với thu nhập cao.

Không bằng lòng với việc làm công ăn lương, chàng trai trẻ sử dụng hết vốn tích lũy trong quá trình đi làm để khởi nghiệp. Thị trường ban đầu anh hướng tới vẫn là Canada. Tuy nhiên, hai dự án khởi nghiệp đầu tiên đều thất bại.

Hết tiền, anh đi tiếp tục đi làm thuê. Sau nhiều lần về Việt Nam, nhận thấy sự cạnh tranh đỡ khốc liệt hơn nước ngoài nên anh quyết định về nước lập nghiệp, bỏ công việc đang cho thu nhập hàng nghìn USD.

Anh tìm kiếm cộng sự chung chí hướng. Họ là những sinh viên giỏi mới ra trường và có tâm huyết. Cả nhóm chọn lĩnh vực dịch vụ - kết nối giữa người giúp việc nhà và khách hàng có nhu cầu.

Ở Việt Nam, lĩnh vực này được nhiều công ty phát triển từ lâu. Tuy nhiên, hầu hết đều hoạt động offline và chỉ dừng lại ở mức môi giới việc làm. Thay vì phát triển theo mô hình này, anh Tâm tạo ra phần mềm để người giúp việc và khách hàng có nhu cầu kết nối với nhau. Ứng dụng giúp việc theo giờ - bTakee ra đời vào tháng 8/2015. Anh Tâm đảm nhận vị trí CEO.

Nam kỹ sư Công nghệ phần mềm dám bỏ mức lương khủng ở nước ngoài chọn khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ.

Nam kỹ sư Công nghệ phần mềm bỏ mức lương cao, về Việt Nam khởi nghiệp.

Theo đó, người giúp việc đăng ký hồ sơ và lựa chọn đầu việc thích hợp cho mình. bTaskee sẽ tạo tài khoản cho những khách hàng cần người giúp việc theo giờ.

Như vậy, với phần mềm này, người lao động có thể nhận hàng trăm đầu việc khác nhau mỗi tháng. Mỗi đầu việc làm 2-3 giờ, người giúp việc được trả 145.000 đồng.

Sau 2 năm hoạt động, bTaskee có trên 20.000 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ và hơn 2.000 người giúp việc "trực chiến". Mỗi ngày có hơn 500 đầu việc kết nối thành công. Hàng tháng, khi tổng kết mức thu nhập của người giúp việc, không ít người đạt trên mức 10 triệu đồng, cao nhất 12-14 triệu đồng.

Với nhà sáng lập, thành quả đó là cả chặng đường dài, bởi: "Tôi vốn là dân kỹ thuật khô khan, lại khởi nghiệp ở lĩnh vực dịch vụ, không có kinh nghiệm nên khi bắt đầu gặp không ít khó khăn". Khi lập dự án, nhóm đối tượng người giúp việc mà anh hướng tới là sinh viên vì cho rằng dễ đào tạo và sử dụng phần mềm của công ty mình.

Nghĩ vậy, nên nhà khởi nghiệp trẻ cho quân đổ vào các trường đại học, cao đẳng phát tờ rơi, quảng cáo. Nhưng suốt nhiều tháng không có ai đăng ký vì tâm lý của phần lớn sinh viên không muốn làm giúp việc.

Không tuyển dụng được thì hệ thống không hoạt động, anh hướng qua lao động phổ thông và những người có nhiều thời gian nhàn rỗi. Tuy nhiên, những người này lại e dè với công nghệ mới. Anh đi giải thích, hướng dẫn từng người cài đặt, sử dụng phần mềm. Sau một tháng vận động, ngay khi cho phần mềm chạy, anh đã tuyển được 250 người đầu tiên đăng ký nhận việc.

Tuyển dụng khó, không thể để họ ngồi chờ, không có việc nên anh tìm kiếm đầu ra, lúc đầu là những người thân quen, sau đó mở rộng tới những người ở độ tuổi 25-50, phải đi làm thường xuyên và có nhu cầu cao về người giúp việc.

Sau 2 năm hoạt động, bTaskee đã xây dựng được đội ngũ nhân sự ổn định và có 3 cơ sở ở 3 thành phố lớn trong nước.

Sau 2 năm hoạt động, bTaskee đã xây dựng được đội ngũ nhân sự ổn định và có 3 cơ sở ở 3 thành phố lớn trong nước.

Để giữ chân khách hàng và người giúp việc không bỏ đi, anh Tâm nâng cao dịch vụ và tìm kiếm nhiều đầu mối công việc, giúp người làm theo giờ có thu nhập cao hơn chỉ làm cố định cho một gia đình.

Anh yêu cầu người lao động có kinh nghiệm một năm trở lên và vượt qua vòng phỏng vấn kiểm tra kiến thức, chuyên môn. Trước khi nhận việc chính thức, họ còn được đào tạo và giám sát trong 20 công việc đầu tiên.

bTaskee cũng có đội ngũ chuyên nhận việc và tư vấn cho họ sử dụng người giúp việc sao cho tiết kiệm nhất. Thay vì thuê một người và trả lương hàng tháng, họ có thể thuê theo từng giờ, làm những công việc cần thiết để giảm chi phí tối đa. Chỉ cần có nhu cầu, mọi người vào phần mềm đăng ký công việc, tối đa 15 phút sau sẽ có người nhận.

Sau thời gian dài kiên định với hướng đi này, tình trạng người giúp việc bỏ đi không còn. Mức lương nhận hàng tháng cao gấp đôi so với làm cố định. Lượng khách hàng cũng tăng lên theo từng ngày.

Với mức đầu tư ban đầu trên 200.000 USD, sau hai năm hoạt động, hiện mỗi tháng công ty có doanh thu trên 3 tỷ đồng. "Sau khi trừ chi phí và thu nhập cho người lao động, công ty chưa có lãi. Tuy nhiên số tiền âm đang ngày càng giảm và tôi tin mình sẽ lời trong thời gian ngắn nữa", CEO của bTaskee nói.

Hiện, công ty đặt mục tiêu 1.000 đầu việc mỗi ngày trong 4 tháng tới. Ông chủ trẻ kỳ vọng phát triển ứng dụng này ở các nước Đông Nam Á, trước mắt là Thái Lan và Malaysia.

bTaskee nằm trong Top 25 đơn vị nổi bật của chương trình bình chọn Startup Việt 2017 do VnExpress tổ chức. Chương trình đang bước vào vòng bình chọn của độc giả và Hội đồng chuyên môn. Đêm chung kết diễn ra vào ngày 24/10 tại Hà Nội. Tại đây, 5 startup nổi bật sẽ được lựa chọn để thuyết trình trực tiếp trước Hội đồng chuyên môn, giành danh hiệu Startup Việt 2017.

Chương trình có sự đồng hành của Công ty CP Tập đoàn Asanzo và Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank).

Nguyễn Loan