Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ năm, 15/11/2018, 08:58 (GMT+7)

Nguyễn Tử Quảng - Thế hệ startup F1 của Việt Nam

Khởi nghiệp cách đây 23 năm, CEO của Bkav thuộc thế hệ startup đầu tiên của Việt Nam ôm ấp giấc mơ làm công nghệ lãng mạn của người Việt…

Năm 1995, khái niệm virus máy tính còn xa lạ với hầu hết người Việt Nam. Nhắc đến phần mềm diệt virus, người ta liên tưởng đến virus lây bệnh như ở người, nhiều người cho rằng virus "lây qua đường điện". 

Từ "thuở sơ khai" đó, chàng sinh viên năm ba ĐH Bách khoa Hà Nội Nguyễn Tử Quảng đã bắt tay vào viết phần mềm diệt virus BKAV phiên bản đầu tiên chạy trên hệ điều hành Ms-dos của Microsoft. Thời điểm đó, Việt Nam chưa có Internet, virus chỉ lây qua đĩa mềm. Nguyễn Tử Quảng đã mang đĩa diệt virus đến tạp chí Thế giới Vi tínhTin học & Đời sống cho người dùng chép miễn phí. 

Phải đến năm 1997, Việt Nam chính thức hòa mạng internet toàn cầu. Thông tin cảnh báo về virus lần đầu xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia. Sau sự kiện đó, virus máy tính bắt đầu nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Bkav được đưa lên Internet miễn phí thông qua mạng Trí tuệ Việt Nam. Nguyễn Tử Quảng cũng gửi các bản Bkav mới qua email cho những người quan tâm. 

"Bkav lúc đó có 3 người, mỗi ngày nhận 100 cuộc gọi và 50 email nhờ hỗ trợ diệt virus máy tính. Chúng tôi lúc đó vừa lên lớp giảng dạy, vừa nghiên cứu, phát triển phần mềm, vừa trả lời. Công việc thực sự quá tải!", Nguyễn Tử Quảng chia sẻ.

CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng từng được phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ thông tin năm 2003.

CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng từng được phong tặng danh hiệu "Hiệp sĩ thông tin" năm 2003.

Nguyễn Tử Quảng đã khởi nghiệp ở giai đoạn các startup không có chính sách hỗ trợ hay nhà đầu tư. Đội ngũ Bkav khi đó làm việc "chỉ vì đam mê". Họ làm thuê đủ nghề để kiếm sống, tự bỏ tiền túi, thuê đường truyền Internet gửi cho mọi người bản cập nhật mới nhất.

Với riêng Nguyễn Tử Quảng, thu nhập từ việc làm giảng viên ĐH Bách khoa đều dồn vào viết phần mềm diệt virus. Bkav khi đó được nhiều cá nhân, cơ quan, tổ chức sử dụng. Những nỗ lực không mệt mỏi đã giúp Nguyễn Tử Quảng được Tạp chí eChip phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin năm 2003. 

Ông cho biết, bản thân rất trăn trở bài toán làm sao hỗ trợ công việc mọi người một cách hiệu quả nhất. Muốn tăng thêm nhân lực, có cơ sở hạ tầng và chi phí vận hành là vấn đề nan giải, khi công việc từ trước tới thời điểm đó đều phi lợi nhuận. 

Năm 2000, khi Luật Doanh nghiệp ra đời, xã hội quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực thương mại, Nguyễn Tử Quảng cho rằng đó là lời giải hợp lý nhất cho vấn đề của công ty, phải thương mại hóa Bkav, có nguồn thu để tiếp tục phát triển sản phẩm. "Thành lập doanh nghiệp năm 2005 là biện pháp khoa học để chúng tôi thực hiện công việc hỗ trợ, giúp đỡ mọi người xử lý các vấn đề về máy tính. Điều đó xuất phát từ nhu cầu, mục đích muốn giúp ích cho xã hội và mọi người của chúng tôi", ông cho hay.

Đó cũng là triết lý của CEO Bkav, muốn khởi nghiệp thành công, phải xuất phát từ cái tâm muốn tốt cho xã hội. "Nếu bạn chỉ làm ra những thứ bán ra để kiếm tiền thì sự thành công sẽ rất thấp, bạn sẽ nhanh chóng bị đào thải".

Từ khi Việt Nam mới làm quen với công nghệ thông tin, cựu giảng viên ĐH Bách khoa đã có niềm tin rằng, dù đi sau nhưng người Việt có thể sở hữu công nghệ tiên tiến, sản xuất những sản phẩm đủ sức chinh phục thế giới. Một cựu nhân viên Bkav đã nhận xét, Nguyễn Tử Quảng là người đam mê công nghệ, nhiều mơ ước "như một căn bệnh" và "nuôi dưỡng khát vọng một cách lãng mạn hơn bất kỳ người lãng mạn nào làm công nghệ".

Sự thành công của Bkav phần nào minh chứng cho văn hóa khởi nghiệp tại Việt Nam, theo Wall Street Journal.

Sự thành công của Bkav phần nào minh chứng cho văn hóa khởi nghiệp tại Việt Nam, theo Wall Street Journal.

Ngoài sản phẩm phần mềm diệt virus mang lại nhiều thành công, Bkav cũng tiếp tục mở ra nhiều mảng kinh doanh mới đầy tiềm năng. Nhiều sản phẩm mới ra đời và gây được tiếng vang như nhà thông minh smarthome, thiết bị an ninh mạng, chính phủ điện tử, sản phẩm dành cho doanh nghiệp, cơ quan (thư điện tử, thiết lập suất ăn), BkavCA, điện toán đám mây... và Bphone, chiếc smartphone "Made in Vietnam".

Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2010, Bkav chiếm 74% thị phần phần mềm diệt virus. Còn theo số liệu Bkav khảo sát năm 2014, phần mềm của công ty chiếm 90% thị phần miền Bắc, 85% miền Trung và 80% miền Nam.

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt này cũng đứng trước không ít khó khăn, dễ nhận nhất là những phản bác của dư luận. Năm 2005 đánh dấu cột mốc quan trọng của Bkav, khi Nguyễn Tử Quảng thành lập Công ty An ninh mạng Bkis. Đây cũng là thời điểm, những tuyên bố như "Bkav là phần mềm diệt virus số một thế giới", "Bkav đi trước cả Microsoft, Google" khiến vị CEO 7x có biệt danh mới là Quảng "Nổ". 

Theo Nguyễn Tử Quảng, "năm 2008, có một vụ tấn công an ninh mạng ở Mỹ, Hàn. Họ không giải quyết được nên phải viết thư cầu cứu thế giới. Bkis của Bkav là đơn vị đầu tiên phân tích và đưa ra các giải pháp. Sau này, cuốn sách 'Bên trong chiến tranh không gian mạng' do NXB O’ Reilly (Mỹ) đã nhắc đến sự kiện, đánh giá cao Bkav, nhưng chỉ người Việt Nam là không tin". 

Tháng 12/2008, trang công nghệ Cnet dành khá nhiều mỹ từ mô tả về những thành công của Bkav và Bkis, cũng đưa ra nhận xét: "Rất nhiều người Việt Nam, chủ yếu là người lớn cho rằng phần mềm Bkav không thể so sánh với các giải pháp phần mềm bảo mật của nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, đơn giản vì nó được sản xuất tại Việt Nam", tác giả Dong Ngo viết. Tháng 4/2016, tờ Wall Street Journal của Mỹ dẫn chứng Bkav là một trong những công ty minh chứng cho sự phát triển của văn hóa khởi nghiệp tại Việt Nam.

Bên cạnh những lời khen, Bkav cũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tuy vậy, người đứng đầu Nguyễn Tử Quảng coi những lời chỉ trích đối với sản phẩm và cá nhân là những phản biện cần thiết để không ảo tưởng, luôn cân bằng và có thêm động lực đi tiếp.

Khi đầu tư vào kế hoạch sản xuất điện thoại thông minh Bphone, Nguyễn Tử Quảng tin rằng, Bphone có thể cạnh tranh với những thương hiệu nổi tiếng của thế giới. Bphone lần lượt ra mắt 3 phiên bản năm 2015, 2017 và 2018.

Tính đến nay, Bkav đã đầu tư hơn 500 tỷ đồng cho các hoạt động nghiên cứu và sản xuất mẫu điện thoại Bphone. Dù hai mẫu Bphone 1 và 2 (ra mắt vào năm 2015 và 2017) chưa thành công, nhưng vị CEO 7x vẫn bày tỏ lạc quan vào tương lai smartphone Việt. Theo Bkav, thị trường điện thoại Việt còn nhiều cơ hội cho các nhà sản xuất với sức mua mới mỗi năm đạt gần 15 triệu smartphone. 

Hà Trương