Spotify hiện là ứng dụng nghe nhạc trực tuyến hàng đầu thế giới. Ra mắt từ năm 2008, tại Thụy Điển, ngày nay, ứng dụng này đã sở hữu một lực lượng người dùng đông đảo đến từ nhiều châu lục trên thế giới. Phải mất 10 năm kể từ khi ra mắt, ứng dụng mới chính thức có mặt tại Việt Nam.
Năm 2008, tại Thụy Điển, Spotify được thành lập với người đứng đầu là Daniel EK và Martin Lozenro. Cả hai đều có những kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Đặc biệt, CEO Daniel Ek đã có một sự nghiệp kinh doanh đáng nể bắt đầu từ tuổi 13 với những thương vụ đầu tiên là xây dựng website có giá 100 đến 200 USD cho các đối tác. Chỉ sau một năm, Daniel đã định giá 5.000 USD cho mỗi trang web do cậu thiết kế. Ở tuổi 18, CEO của Spotify lúc đó đã lãnh đạo 25 nhân viên và doanh số kinh doanh hàng tháng lên tới 50.000 USD.
Daniel Ek ra mắt Spotify năm 2008 dành riêng cho người dùng ở châu Âu, mở rộng ra thị trường Mỹ vào năm 2011 với sự góp vốn của những đơn vị hàng đầu trong lĩnh vực stream nhạc như Sean Parker của Napster và Ldvig Lorenzton. Đồng sáng lập là Martin Lorenzton, người đã từ chức vào năm 2016 cũng đã đầu tư khoảng 6 triệu USD và có thể thu về khoảng 2 triệu đô sau khi Spotify IPO.
Câu chuyện đứng sau thành công của Spotify cũng giống như nhiều startup khác đó là: giải quyết được những vấn đề to lớn mà cụ thể ở đây là việc nghe nhạc lậu - một vấn đề xảy ra ở khắp nơi trên thế giới.
Về cơ bản, Spotify là nền tảng stream nhạc, cho phép người dùng nghe nhạc trực tuyến, chất lượng tốt, miễn phí. Nếu nâng cấp lên tài khoản Premium hàng tháng, người dùng còn có thể download bài hát để nghe offline bất cứ khi nào. Spotify cho phép người dùng lưu khoảng 33.333 bài bát - một con số đủ thừa để lưu những bài hát yêu thích.
Một trong những yếu tố quyết định mang đến thành công cho spotify đó là cách công ty này sử dụng nền tảng dữ liệu lớn (Big Data), trí thông minh nhân tạo, học máy (machine learning) trong chiến lực kinh doanh.
Với khoảng 10 triệu người cùng nghe nhạc mỗi phút trong ngày, Spotify có thể thu thập được những dữ liệu về loại nhạc yêu thích, thời gian nghe nhạc hay thiết bị được sử dụng để truy cập. Từ đó, các thuật toán sẽ được phân tích để mang đến những trải nghiệm chuyên biệt cho từng người nghe.
Một ví dụ điển hình nhất là tính năng "Discovery Weekly" đã thu hút 40 triệu người đăng ký trong năm đầu tiên. Mỗi người dùng sẽ được cung cấp một danh sách nhạc mới mỗi tuần từ Spotify. Đó là những bài hát họ chưa từng nghe trước đó, nhưng lại là thứ mà họ thích nghe. Giống như dánh sách do một người bạn thân thiết, hiểu khách hàng cần gì tạo nên.
Ngày nay Spotify có khoảng 150 triệu người sử dụng, và khoảng 50 triệu người đăng ký dịch vụ với mức phí 10 USD mỗi tháng để có thể tránh quảng cáo khi đang nghe nhạc. Đây là dịch vụ nghe nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới, mở ra một kỷ nguyên mới cho âm nhạc, nơi mà gần như mọi bài hát được thu âm đều có thể nghe được với giá phải chăng, dành cho đông đảo công chúng.
Spotify nhận được không ít chỉ trích vì gây ra sự sụt giảm doanh số của nền công nghiệp âm nhạc.
Taylor Swift là một trong những nghệ sĩ từng lên án Spotify. Trong một chia sẻ với tờ Wall Street Journal, nữ ca sĩ cho biết: "Âm nhạc là nghệ thuật, nghệ thuật thì quan trọng và hiếm, đó đều là những thứ có giá trị, và những thứ có giá trị nên được trả tiền".
Tuy nhiên, đến năm 2017, Taylor cho phép mang âm nhạc của cô xuất hiện trên Spotify, và nữ ca sĩ ngay sau đó đã thu về cho mình 400.000 USD .
Không phải mọi người trong ngành công nghiệp âm nhạc đều ghét Spotify. Nam ca sĩ nổi tiếng Ed Sheeran từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng: "Tôi không biết âm nhạc của tương lai có gì, nhưng tôi chắc rằng Daniel sẽ giữ một vai trò lớn trong đó".
Với nhiều người, Daniel Ek - CEO của Spotify có thể được coi người cứu rỗi nền công nghiệp âm nhạc, nhưng cũng với nhiều người khác, đó cũng là người đang giết chết nó.
Vi Vũ (Theo Business Insider, Forbes)