Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ tư, 24/4/2019, 14:05 (GMT+7)

Startup nghiên cứu thị trường đừng chỉ dựa vào số liệu thống kê

Báo cáo số liệu về nghiên cứu thị trường chỉ thể hiện "bề nổi", còn startup phải trực tiếp nghiên cứu tìm hiểu, gặp gỡ, trao đổi thì mới thấu hiểu khách hàng.

Công ty tư vấn khởi nghiệp Viettonkin Consulting vừa tổ chức tọa đàm "Bàn đạp khởi nghiệp: Yếu tố nào để thành công" tại không gian làm việc chung Up Coworking Space, TP HCM. Sự kiện thu hút khoảng hàng trăm bạn trẻ chủ yếu là sinh viên hoặc người vừa đi làm ấp ủ ý tưởng gây dựng sự nghiệp riêng.

Tọa đàm do Viettonkin phối hợp Up Coworking Space tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm từ các chuyên gia và startup đã thành công. Ảnh: Viettonkin.

Tọa đàm do Viettonkin phối hợp Up Coworking Space tổ chức nhằm chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm từ các chuyên gia và startup đã thành công. Ảnh: Viettonkin.

Tại sự kiện, 4 diễn giả là các chuyên gia về tư vấn khởi nghiệp, các doanh nhân startup đã thành công chia sẻ những câu chuyện cụ thể về nghiên cứu thị trường, xác định nhu cầu và phát triển sản phẩm như thế nào để đánh trúng đối tượng người dùng mục tiêu.

Ông Đỗ Trần Anh - sáng lập công ty cung cấp giải pháp nông nghiệp công nghệ cao Farmtech cho biết, do đặc thù lĩnh vực mới, startup thiếu nhiều thông tin về thị trường và các bên liên quan gồm nông dân, người dùng và kể cả đối thủ. Trong khi đó, thông tin trên báo chí, truyền thông chỉ mới là "bề nổi của tảng băng chìm".

"Chúng tôi mất hai năm để thị sát thực tế, hoàn tất lộ trình 80.000km từ Móng Cái đến Cà Mau với hàng loạt chuyến đi tìm hiểu nhà nông đang làm gì, họ cần gì và chúng tôi có thể làm gì để giúp họ đạt năng suất cao hơn", ông Đỗ Trần Anh nói. 

Ông Đỗ Trần Anh - Nhà sáng lập kiêm CEO Farmtech cho biết startup đã dành nhiều thời gian, công sức để tiếp xúc trực tiếp nông dân, tìm ra mô hình sản phẩm phù hợp sau nhiều lần thử và sai. Ảnh: Viettonkin.

Ông Đỗ Trần Anh - nhà sáng lập kiêm CEO Farmtech cho biết startup đã dành nhiều thời gian, công sức để tiếp xúc trực tiếp nông dân, tìm ra mô hình sản phẩm phù hợp sau nhiều lần "thử và sai". Ảnh: Viettonkin.

Mặt khác, CEO Farmtech cũng cho rằng startup cần thay đổi tư duy cố hữu rằng bất cứ thứ gì mình nghĩ ra và chưa thấy thị trường có thì nghĩ rằng đó là giải pháp sáng tạo và duy nhất.

"Thông thường các bạn cho rằng ý tưởng của mình hay ho, lớn lao nhưng có khi thị trường đã có sản phẩm rồi và thậm chí làm tốt hơn mình", đại diện doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ cao cho nhà nông nói.

Còn Lâm Trần - CEO WisePass chia sẻ ba bước nghiên cứu trong vòng hai năm để đưa ứng dụng phong cách sống ra thị trường. WisePass là mô hình bán "thẻ" thành viên dùng chung cho các dịch vụ ăn uống, vui chơi, giải trí... vốn còn xa lạ với thị trường Việt Nam.

Ông Lâm Trần - CEO WisePass nói doanh nghiệp thường xuyên tổ chức sự kiện gặp gỡ khách hàng để lắng nghe ý kiến và nắm bắt nhu cầu thị trường. Ảnh: Viettonkin.

Ông Lâm Trần - CEO WisePass nói doanh nghiệp thường xuyên tổ chức sự kiện gặp gỡ khách hàng để lắng nghe ý kiến và nắm bắt nhu cầu thị trường. Ảnh: Viettonkin.

Từ kinh nghiệm làm việc trong ngành thương mại điện tử, ông Lâm Trần tiếp xúc nhiều doanh nghiệp, trong đó có ngành rượu. Nhiều doanh nghiệp chỉ đang dựa vào kênh phân phối chính là các nhà hàng, bar, khách sạn... mà không có thông tin người mua sản phẩm là ai, làm thế nào đo lường hiệu quả của các hoạt động tiếp thị. Bước đầu, WisePass thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu kết nối giữa thương hiệu và người tiêu dùng.

Ở bước hai, ông Lâm Trần cho biết startup cần xác định sản phẩm này có đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng hay không. Đến đây, việc khảo sát trực tiếp đóng vai trò quan trọng. Ông mất hai năm để tìm ra một mô hình bán gói thành viên hàng tháng để cung cấp cho người dùng một giải pháp nhanh gọn, chỉ cần vào quán bar, nhà hàng, khách sạn, quẹt mã QR để lấy một chai rượu miễn phí mỗi ngày.

Tuy nhiên, vấn đề thứ ba cần đặt ra là người dùng có sẵn sàng trả tiền cho ứng dụng này hay không. Ông Lâm Trần nghĩ ra một "mẹo" hút khách. Đó là chia sẻ ứng dụng dưới dạng miễn phí cho 5 người bạn và căn dặn "đây là bí mật". Sự quyến rũ của "bí mật" đã khiến thông tin truyền tai nhau nhanh hơn. 

"Chỉ trong vòng nửa tháng, chúng tôi đã nhận cuộc gọi hỏi thông tin về dịch vụ mà không tốn một đồng chi phí quảng cáo. Người dùng sẵn sàng trả một khoản tiền để sở hữu dịch vụ thành viên trọn gói", ông Lâm nói.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc điều hành Viettonkin Finance khẳng định không thể bỏ qua giá trị của số liệu.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc điều hành Viettonkin Finance khẳng định không thể bỏ qua giá trị của số liệu. Ảnh: Viettonkin.

Tuy nhiên, từ góc độ chuyên gia tài chính, ông Nguyễn Trung Hiếu - Giám đốc điều hành Viettonkin Finance cho rằng vẫn cần phải dựa vào số liệu để xác định mức độ quan tâm của người dùng, từ đó phán đoán khả năng thành công của sản phẩm dịch vụ và định hướng con đường phát triển.

"Anh không thể nói mình phát triển nhanh, mạnh trong một thị trường có dung sai lớn nếu như anh không chứng minh được bằng con số", ông Hiếu phân tích.

Ngoài ra các chuyên gia tại sự kiện đồng tình cần phải luôn theo sát thị trường, nhất là tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng để nắm bắt nhu cầu, tâm lý khách hàng, từ đó không ngừng phát triển sản phẩm.

"Khách hàng luôn muốn nhiều hơn, nhanh hơn và thuận tiện hơn. Việc của startup là không ngừng phát hiện nhu cầu mới và tìm cách đáp ứng nhu cầu đó nhanh nhất, tốt nhất", CEO WisePass nhận xét.

Nam Anh