Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ sáu, 17/4/2020, 01:00 (GMT+7)

Startup 'thắt lưng buộc bụng' trong Covid-19

Sụt giảm doanh thu, dòng tiền về chậm, lãnh đạo G.A.P không nhận lương trong 3 tháng liên tiếp, nhân viên nhận 70%, công ty cho thuê lại một nửa mặt bằng văn phòng.

Hết quý 1, doanh số của Loglag chỉ bằng một phần ba cùng kỳ. Kết quả ngược với kỳ vọng tăng trưởng 3-5 lần mà công ty đặt ra hồi đầu năm khi vừa nâng cấp phiên bản ứng dụng. Nguyễn Anh Thư - CEO Loglag, startup kết nối chủ hàng với các chủ xe tải, container cho biết nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội địa và hoạt động xuất nhập khẩu giảm mạnh do ảnh hưởng của Covid-19. Công ty đang gặp khó khi các chủ doanh nghiệp cũng chật vật kinh doanh, xin kéo dài thời gian công nợ.  

Xác định tiết giảm chi phí là một trong những ưu tiên "sống còn", từ tháng 3, CEO Loglag kêu gọi các thành viên hy sinh một phần lợi ích bằng cách giảm lương 30%, tương đương với lượng công việc giảm. Kế hoạch marketing cũng phải hoãn lại để bảo toàn ngân sách. LogLag cũng dần chuyển sang hình thức làm việc online. Các khâu các chứng từ hóa đơn, bảng kê, biên bản giao nhận, hợp đồng được xử lý thông qua chuyển phát nhanh hay giao hàng công nghệ. "Tôi động viên các nhân viên, startup trong dịch giống như lò xo, chậm lại, nén chặt lại nhưng nếu qua được sẽ có sức bật mạnh", Anh Thư chia sẻ.

Loglag, nền tảng kết nối giữa tài xế xe tải và các doanh nghiệp có nhu cầu giao nhận hàng hóa. 

Ứng dụng kết nối giữa tài xế xe tải và các doanh nghiệp có nhu cầu giao nhận hàng hóa của LogLag.

G.A.P - đơn vị chuyên về giáo dục cũng  đang chật vật bởi hầu hết hoạt động công ty là giảng dạy offline. "Khó khăn lớn nhất của khối giáo dục vẫn là chi phí mặt bằng, chiếm 20-25 % trong tổng số", Lê Đình Hiếu, CEO, sáng lập G.A.P cho biết.  

5 năm hoạt động, dù nếm không ít khó khăn, đây là lần đầu tiên anh tính chuyện đóng cửa trung tâm, bước vào giai đoạn "ngủ đông" chờ dịch qua vì không đạt được thỏa thuận về giảm tiền thuê nhà. Sau nhiều lần thương lượng, cuối tháng 3, khi chủ nhà đồng ý bớt 45% tiền thuê, Hiếu mới thở phào: "Mọi người như vỡ oà. Như vậy G.A.P vẫn sống".

Để cắt giảm chi phí, đội ngũ lãnh đạo của G.A.P thông báo không nhận lương trong 3 tháng tới, tất cả thành viên còn lại chỉ nhận 70% lương. Startup cũng chia sẻ văn phòng cùng một bên khác và cắt giảm tối đa các chi tiêu không cần thiết.

Trong 3 tháng qua, Express Agency - startup chuyên cung cấp dịch vụ thiết kế, công nghệ và tiếp thị truyền thông phải thay đổi chiến lược phát triển hơn 10 lần. Ba vấn đề được nêu trong trong hầu hết các cuộc họp ban giám đốc của startup này là doanh thu sụt giảm, khách hàng hủy hợp đồng và nguồn tiền trả lương nhân sự.

Trần Trọng Hải - CEO trong một buổi tiếp xúc khách hàng.

Trần Trọng Hải - CEO Express Agency (trái) trong một buổi tiếp xúc khách hàng.

Ông Trần Trọng Hải, CEO Express Agency cho biết, doanh thu hiện tại của doanh nghiệp giảm khoảng 25% so với thời điểm trước dịch. Doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động bằng cách tập trung vào danh sách khách hàng cũ có hợp đồng dài hạn. Thay vì cắt giảm nhân sự, công ty cũng giảm 20% lương. Cứ 4 người chịu thiệt, công ty có thêm tiền để trả cho người thứ 5. Hầu hết nhân viên làm việc tại nhà nhằm giảm bớt chi phí vận hành văn phòng. 

Không thuộc mảng kinh doanh trực tuyến, song startup chăm sóc sức khoẻ Bluecare cũng có những điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm thích ứng với tình hình hiện nay. Do các dịch vụ chăm sóc y tế tại nhà (tắm bé, chăm sóc người già...) giảm nên doanh nghiệp này chú trọng phát triển dịch vụ đòi hỏi kỹ thuật cao như tiêm chủng, phục hồi chức năng hay thủ thuật điều dưỡng (cắt chỉ, thay băng, đo huyết áp). Đây là các dịch vụ thu hút sự quan tâm của người dân trong đợt giãn cách xã hội.

Đồng cảm với khó khăn về vấn đề tài chính, nhân sự mà các công ty khởi nghiệp gặp phải, giới chuyên gia đánh giá cắt giảm chi phí vận hành, nhân lực chỉ giải pháp tình thế, quan trọng doanh nghiệp phải xác định rõ kế hoạch dài hơi. Chia sẻ trong toạ đàm "Startup nên làm gì để xoay chuyển nghịch cảnh trong Covid-19" trên VnExpress mới đây, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên Khởi nghiệp (BSSC) cho rằng, cắt giảm không hẳn là giải pháp trong mọi hoàn cảnh. Đầu tư đúng, tập trung nguồn lực đúng vào dòng sản phẩm mà thị trường cần sẽ mang ý nghĩa sống còn, ở mọi giai đoạn. 

Đồng quan điểm, Phan Xuân Cảnh, sáng lập và CEO Việc Có (Viec.Co) cắt nghĩa, "cut cost" nói đúng là cắt lãng phí. Một là làm ít hơn, tập trung hơn, có một danh mục ưu tiên. Từ danh mục đó lại chọn lọc cái gì tạo ra dòng tiền, doanh thu, cái gì nên bỏ đi.  CEO này cho rằng đây là giai đoạn tốt để startup có thời gian chuẩn hoá quy trình, cắt những thứ thừa, làm nhiều hơn và chăm chỉ hơn trong việc giữ chân khách hàng.

Vân Thành