Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ hai, 20/5/2019, 13:00 (GMT+7)

Startup vận tải kỳ vọng xây dựng cộng đồng tài xế chuyên nghiệp

Ngoài kết nối giao nhận hàng, Loglag tư vấn, huấn luyện lái xe thay đổi tư duy phục vụ khách hàng, hỗ trợ tài chính, giúp họ tăng thu nhập.

Một ngày cuối năm 2018, chiếc xe container tiến vào kho bãi của một công ty tại quận Bình Tân, TP HCM để đóng hàng. Khi lái qua ngã ba trong khuôn viên, tài xế Trần Minh Đức không hay biết mình đã vô tình làm gãy chiếc camera giám sát ở nhà máy, bảo vệ ghi nhận sự việc và lập biên bản. Nguyên do là thùng container trên xe dài 45 feet chứ không phải 40 feet như anh Đức thường chở nên khi ôm cua đã vướng vào camera. Công ty kho bãi đòi bồi thường thiệt hại hơn 8 triệu đồng.

Lo lắng vì tiền công một chuyến tải hàng chỉ có vài trăm nghìn nhưng mức đền bù lại quá cao, lái xe lập tức điện thoại về cho công ty vận tải thông báo sự cố. Trong lúc chờ đợi phản hồi, anh Đức chợt nhớ xe mình đang đi nhận container theo đơn hàng từ ứng dụng kết nối vận tải Loglag. Lập tức anh gọi ngay cho đội chăm sóc khách hàng Loglag, trình bày vấn đề và nhờ tư vấn hỗ trợ. Sau khi nhận thông tin, Loglag đã nhiệt tình trao đổi cùng chủ hàng và chủ xe, chốt được giải pháp đền bù.

"Kết quả hơn phân nửa tiền bồi thường thiệt hại do công ty chủ quản và Loglag hỗ trợ, phần còn lại tôi trả nên cũng nhẹ bớt gánh nặng tài chính", anh Đức chia sẻ. Đó không phải là lần đầu tiên Loglag đứng ra bảo lãnh, chia sẻ khó khăn với tài xế xe tải.

Đồng hành cùng tài xế

Những ngày cận Tết năm 2017, Loglag liên tục nhận nhiều yêu cầu giao nhận, nhu cầu vận chuyển hàng tăng cao khiến xảy ra tình trạng thiếu đầu xe. Thời điểm đó, công ty mới thành lập vài tháng nên không có nhiều nhân viên, thì chị Cao Thị Anh Thư - nhà sáng lập Loglag, đã một mình hầu như bao thầu mọi công việc lớn nhỏ. Bên cạnh việc tìm xe, kết nối chủ hàng, chị Anh Thư còn chủ động liên lạc sát sao với tài xế từng chuyến để đảm bảo đơn hàng đến đúng hẹn phục vụ cho nhu cầu vận chuyển hàng hóa của các doanh nghiệp.

Trải nghiệm này giúp chị thấu hiểu về công việc vất vả của giới tài xế. Ngày lễ đơn hàng nhiều, có người bị đau bao tử hoặc mắc bệnh nhưng vẫn ráng chạy, thậm chí tăng ca để có thu nhập tốt hơn. Nhiều người sẵn sàng ở lại làm việc xuyên Tết mà không về nhà với gia đình để kiếm tiền. Không ít hoàn cảnh tài xế khiến chị Anh Thư trăn trở khi họ chạy xe vất vả nhưng thu nhập không cao trong khi là lao động chính, phải gánh vác cả gia đình hoàn cảnh khó khăn.

"Vì thế tôi muốn trở thành người bạn đồng hành cùng các anh em tài xế. Nếu có hỗ trợ cùng sự thấu hiểu từ tôi và đội ngũ Loglag thì họ sẽ không thấy công việc nhàm chán, thay đổi cách phục vụ khách hàng tốt hơn, từ đó gia tăng thu nhập", nữ sáng lập Loglag chia sẻ.

Hàng ngày, bên cạnh trao đổi về đơn hàng, chị Anh Thư còn dành thời gian nói chuyện, tìm hiểu tâm tư, tình cảm lái xe, tư vấn về cách giao tiếp, phục vụ khách hàng chuẩn mực, kiểm tra kiểm soát hàng hóa. Những lúc tài xế phải giao nhận hàng trong đêm, chị dặn dò lái xe cẩn thận, nhớ đóng cửa xe tránh bị mất mát tư trang, tiền bạc, điện thoại. Có những người phải đợi từ sáng đến chiều vẫn chưa được nhận hàng, chị yêu cầu đơn vị chủ hàng phải bồi dưỡng trực tiếp cho tài xế nếu đợi sau 8 tiếng.

Những hành động thiết thực như thế đã giúp Loglag từng bước tạo mối quan hệ gắn bó với các bác tài. Họ cải thiện thái độ phục vụ khách, kiên nhẫn chờ đợi nếu hàng về trễ. Nhờ thế chủ hàng thấy vậy cũng tin tưởng hơn và không ngại trả thêm tiền cho tài xế nếu trường hợp có phát sinh phải chờ quá giờ quy định bởi thái độ làm việc thiện chí.

Chị Cao Thị Anh Thư - CEO LogLag. Ảnh: NVCC.

CEO Loglag Cao Thị Anh Thư thuyết trình về ý tưởng khởi nghiệp tại chương trình bình chọn Startup Việt 2018 do Báo VnExpress tổ chức.

Biết nhiều lái xe không có điện thoại thông minh khiến hạn chế trong tiếp nhận đơn hàng, chị dự định hỗ trợ bằng phần mềm tích điểm tương ứng với số lượng các chuyến hàng. Khi tích lũy đến một số điểm nhất định sẽ được Loglag tặng 30% hoặc một nửa chi phí mua điện thoại thông minh. Công ty cũng lên kế hoạch công bố quỹ học bổng dành cho các con em tài xế hợp tác với Loglag có thành tích học tập xuất sắc và quỹ từ thiện hỗ trợ tài xế có hoàn cảnh khó khăn. Cứ như thế, Loglag hiện tại đã xây dựng thành công mạng lưới hơn 500 lái xe sẵn sàng kết nối giao nhận hàng trên toàn quốc.

Công ty đặt mục tiêu đến cuối năm nay sẽ có 2.000 tài xế tương đương 2.000 xe tải đủ tiêu chuẩn trong hệ thống để phục vụ khách hàng, đặt tham vọng có thể chiếm 2% thị phần ngành vận tải đường bộ trong 3-5 năm tới.

Giấc mơ giá trị giao dịch hàng trăm triệu USD

Mới đây, Loglag gọi thành công khoản vốn 500.000 USD từ một nhà đầu tư cá nhân bên cạnh sự đồng hành của Quỹ tăng tốc khởi nghiệp Việt Nam (VIISA). Khoản tiền này sẽ được dùng cho việc hoàn tất sản phẩm công nghệ, cụ thể là ứng dụng đi động phiên bản 2.0 dự kiến ra mắt trong quý III/2019 bên cạnh phiên bản 1.0 và tổng đài đặt xe hiện tại.

"Chúng tôi cũng sẽ tích hợp ứng dụng với hộp đen giúp chủ xe quản lý đội xe và điều phương tiện hiệu quả, đồng thời giúp chủ hàng theo dõi đơn hàng, tiết kiệm tối đa chi phí cho doanh nghiệp", chị Thư cho biết.

Trong thời gian tới, nữ sáng lập và cộng sự dự định mang dịch vụ giới thiệu nhiều hơn đến các công ty trong khu công nghiệp và chế xuất, trong đó ưu tiên phát triển thị trường miền Nam trước với các tỉnh thành trọng điểm như TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Cần Thơ. Với số vốn vừa goi được, chị cũng mở rộng một số vị trí như nhân viên kinh doanh công nghệ để đưa nền tảng đến gần với nhiều chủ hàng và chủ xe hơn. Mảng tiếp thị sẽ tiếp cận không chỉ khu công nghiệp, chế xuất mà còn là các công ty xuất nhập khẩu, phân phối, thương mại hay hộ kinh doanh cá thể. Trong năm tới, Loglag có kế hoạch tìm hiểu Myanmar với ý định lấn sân vào thị trường vận tải nhiều tiềm năng này.

Theo chị Thư, với giá trị giao dịch đạt 11,5 tỷ USD và mức tăng trưởng 9% mỗi năm, ngành vận tải đường bộ trong nước hứa hẹn nhiều đột phá với công nghệ. Công ty áp dụng trí tuệ nhân tạo và Big Data vào trong sản phẩm của mình với tham vọng chiếm ít nhất 2% thị phần. Điều này có nghĩa Loglag muốn chạm tổng giá trị giao dịch ở mức 220 triệu USD.

"Loglag thu phí 7-10% trong số đó. Nếu tương lai nhiều đơn hàng hơn thì có nghĩa chúng tôi có thể giảm mức phí và hỗ trợ được cho nhiều tài xế, chủ hàng và chủ xe hơn", chị kỳ vọng.

Loglag tạo nền tảng kết nối

Loglag tạo nền tảng kết nối giữa tài xế xe tải và các doanh nghiệp có nhu cầu giao nhận hàng hóa. 

Loglag ra mắt ứng dụng của mình vào tháng 8/2018 thông qua một cuộc thi trong nước, là ứng dụng đặt xe trong ngành vận tải, cung cấp ba dịch vụ gồm xe tải ghép, xe tải nguyên chuyến và xe container xuất nhập cảng. Ứng dụng chạy trên nền tảng khai thác dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo, từ đó có phần mềm quản lý đội xe và điều xe thông minh giúp chủ hàng có thể theo dõi suốt chuyến thông qua thời gian thực. Startup này từng nằm trong top 15 cuộc bình chọn Startup Việt 2018 do Báo VnExpress tổ chức.

Trong hệ sinh thái của Loglag, tài xế là một thành phần chủ chốt trong giao vận đơn hàng. Họ có thể là tài xế cá nhân hoặc của một công ty vận tải nào đó. Khi trở thành đối tác của Loglag, họ được thông tin về các đơn hàng thông qua tổng đài hoặc ứng dụng, từ đó lựa chọn chuyến hàng phù hợp, tối ưu hóa lộ trình và các chuyến giao hàng, đồng thời tiết kiệm chi phí cho chủ hàng.

Chị Thư mong muốn Loglag không chỉ là ứng dụng đơn thuần kết nối trong ngành vận tải đường bộ mà có thể giúp đỡ cho nhiều tài xế và kết nối lòng người.

Trương Sanh