Hủy
Hành trình khởi nghiệp Thứ hai, 17/5/2021, 11:00 (GMT+7)

Ứng dụng giúp người gốc Hoa tìm kiếm tổ tiên

Phần lớn cuộc, Raymond Douglas Chong gần như không biết gì về gốc gác Trung Quốc có hơn 150 thế hệ và 4.000 năm lịch sử của mình.

Chong, 60 tuổi, sinh ra và lớn lên ở Mỹ. Cha của ông di cư từ tỉnh Quảng Đông đến Mỹ vào năm 1932 luôn giữ bí mật về gia cảnh. Vì vậy, từ nhỏ Chong chỉ tập trung vào "hướng ngoại, theo đuổi giấc mơ Mỹ" thay vì tìm hiểu tổ tiên Trung Quốc.

Nhưng Chong dần khao khát được biết nhiều hơn. Ông liên hệ với My China Roots (MRC), một startup chuyên nghiên cứu về phả hệ Trung Quốc, thành lập năm 2012. Chong góp nhặt những mẩu thông tin và câu chuyện gia tộc như học giả và quan chức nổi nổi tiếng thời phong kiến và đăng tải lên MRC. Ngược lại MRC cũng thu thập các câu chuyện truyền miệng ở làng quê, nơi bố mẹ, ông bà của Chong từng sinh sống.

Một gia đình tìm được tổ tiên nhờ My China Roots. Ảnh: My China Roots.

Một người được tổ tiên nhờ My China Roots. Ảnh: My China Roots.

My China Roots, có trụ sở tại Trung Quốc và Singapore, ra đời với mục đích giúp mọi người biết nhiều hơn về tổ tiên. MRC tập trung vào nghiên cứu cá nhân hóa và lưu trữ hồ sơ gia đình Trung Quốc ở phương Tây.

Huihan Lie, 42 tuổi, sáng lập công ty cũng là người gốc Hoa nhập cư. Lie mang quốc tịch Hà Lan. Cha mẹ anh di cư từ Indonesia đến Hà Lan vào năm 1949. Năm 2004, anh trở về Trung Quốc và học tiếng Quan Thoại với mục đích duy nhất là tìm hiểu thêm về nguồn gốc của mình. Lie sau đó thành công và tìm được tổ tiên ở tỉnh Phúc Kiến. Anh hy vọng MRC sẽ tạo ra cơ hội cho cộng đồng người gốc Hoa rộng lớn biết được gốc gác.

"Thị trường phả hệ ở phương Tây đã hoàn toàn bỏ qua châu Á. Chúng tôi đang lấp đầy khoảng trống đó", người sáng lập MRC - Huihan Lie nói. Công ty đã giúp hơn 250 khách hàng biết tổ tiên dựa trên hồ sơ gia đình và các tài liệu khác. 2/3 khách hàng của MCR đến từ Bắc Mỹ, trong khi phần lớn còn lại là người Đông Nam Á và Australia.

Có nhiều công ty khác tham gia thị trường tìm kiếm gia phả Trung Quốc như 23Mofang và WeGene, nhưng MCR chọn hướng đi cung cấp một dự án nghiên cứu tùy chỉnh sử dụng sổ gia phả của khách hàng. Công ty kết nối với các ngôi làng và chính quyền địa phương trong trường hợp họ vẫn giữ hồ sơ gia tộc.

Hiện MRC xây dựng một nền tảng trực tuyến cho phép hàng triệu người Trung Quốc tìm kiếm tổ tiên. MCR hợp tác với các nhà sưu tập sách và thư viện Trung Quốc, thiết lập mối quan hệ lâu dài với các ngôi làng và số hóa các cuốn ghi chép phả hệ, được gọi là zupu . Công ty đang sở hữu bộ sưu tập 20.000 hồ sơ gia tộc và còn tăng lên trong tương lai.

"Chúng tôi có bộ sưu tập lịch sử gia tộc lớn nhất. Hơn 20.000 người đã truy cập trang của chúng tôi hàng tháng", Lie nói.

Lie cho biết, My China Roots đang huy động một vòng tài trợ thiên thần trị giá một triệu USD từ chương trình tăng tốc khởi nghiệp công nghệ ở Thung lũng Silicon, 500 Startups và một số nhà đầu tư thiên thần ở Singapore và Hong Kong. Công ty phân bổ 40% kinh phí để mua và số hóa các hồ sơ zupu mới từ miền nam Trung Quốc. Số tiền còn lại sẽ được sử dụng cho xây kho dữ liệu.

My China Roots cho phép sử dụng miễn phí các dịch vụ lưu và quản lý tài liệu gia đình, đồng thời nhận thông báo khi có người cùng tổ tiên kết nối. Ngoài ra, các gói tùy chỉnh cao cấp như du lịch, nghiên cứu chuyên sâu và dịch thuật giúp người dùng có thêm lựa chọn.

"Tôi muốn xây dựng startup có ý nghĩa. Nếu mọi người không có tiền trả cho các dịch vụ cao cấp, họ vẫn có thể truy cập miễn phí và tìm điều mình cần", Lie nói.

Lie cho biết thông tin liên quan đến gia phả Trung Quốc vẫn còn rải rác ở nhiều nơi. Công ty hy vọng có thể tính phí nếu việc tìm kiếm của khách hàng có kết quả. "Ở phương Tây, bạn có rất nhiều tổ chức tập trung như thư viện, nhà thờ hoặc các tổ chức chính phủ nắm giữ các kỷ lục", Lie nói. "Trong khi ở Trung Quốc, thông thường bạn cần phải đến làng quê trước, nơi tổ tiên bạn sinh sống, bởi vì thông tin luôn được lưu giữ trong gia tộc".

MRC chi 800 đến 1.000 USD chi phí đi lại cho những thu thập viên đến các ngôi làng. Nếu khách hàng có nhu cầu, họ sẽ sắp xếp chuyến du lịch mang tên trở về cội nguồn.

Doanh nhân công nghệ Brian A. Wong, người đã đầu tư vào My China Roots nhìn thấy tương lai của mô hình này. Ông tin rằng ngày nay nhiều người tìm kiếm "bối cảnh lịch sử và ý nghĩa văn hóa trong cuộc sống của họ để gắn kết bản thân với cội nguồn". Văn hóa phi vật thể ngày càng trở nên "có giá trị trong thế giới ngày nay" đối với người gốc Hoa và các cộng đồng khác theo Wong.

Thành Dương