Ngôi nhà và cũng là công ty tại quận Bình Thạnh của Nguyễn Mạnh Trung khá khang trang. Ở độ tuổi 37, cơ ngơi này được xem là thành công với một người tự thân kinh doanh như Trung, nhất là sau khi đã trải qua nhiều biến cố.
6 năm sau khi ra trường, với vốn kinh nghiệm, nguồn khách hàng và các mối quan hệ tích lũy được ở một công ty xuất nhập khẩu nông sản, chàng cựu sinh viên Đại học Kinh tế TP HCM quyết định ra riêng.
Tích lũy được 500 triệu đồng, cộng thêm tiền đầu tư của bạn bè, gia đình và một phần vay mượn ngân hàng, năm 2006, Trung thành lập công ty chuyên xuất khẩu nông sản và nhập các máy móc thiết bị về bán. Hoạt động chưa đầy một năm, công ty phá sản do không có được sự gắn kết và hợp tác giữa những người góp vốn, cũng như sự yếu kém trong khâu quản lý nhân sự.
Để đảm bảo an toàn cho gia đình, Trung tiếp tục duy trì công việc ở công ty xuất nhập khẩu nông sản. Anh lao vào làm việc cật lực để trả nợ và dành dụm một số vốn nhỏ tiếp tục gây dựng lại sự nghiệp.
Năm 2008, công ty thứ hai được thành lập, nhưng lại ra đời đúng vào giai đoạn bắt đầu khủng hoảng kinh tế nên gặp khá nhiều khó khăn trong khâu tìm kiếm thị trường. Một lần nữa, Trung lại gặp sai lầm trong khâu quản lý và góp vốn nên công ty lỗ tiếp 2 tỷ đồng.
Số tiền góp vốn là của người thân và bạn bè, dù khá suy sụp nhưng Trung quyết tâm không thể để mang nợ và chỉ cho phép... buồn trong một thời gian ngắn để làm lại.
“Kinh doanh cũng như việc nhảy xuống ao cá sấu, chỉ còn một con đường duy nhất là bơi chứ không thể quay lại bờ được nữa”, Trung nói và cho biết sau 2 lần thất bại, anh thấy vấn đề đều xuất phát từ khâu quản lý nên bộ máy nhân sự lần này được tinh gọn hơn.
Rất may, đến năm 2010, công ty dần phục hồi và nhanh chóng mở rộng kinh doanh, chủ yếu tập trung vào việc mua bán nông sản. Đặc biệt, mặt hàng tiêu lúc này tiêu thụ tốt, chiếm 90% kim ngạch, giúp công ty Trung đạt doanh thu 70 -100 tỷ đồng với sản lượng xuất khẩu từ 1.000 đến 1.500 tấn mỗi năm. Ngoài ra anh còn xuất khẩu các mặt hàng điều, cà phê và các loại thảo dược cho thị trường Hong Kong, Hà Lan, Ấn Độ…
Sau 6 năm tập trung vào xuất khẩu nông sản, Trung nhận thấy nếu chỉ xuất thô qua nước ngoài sẽ khó có thể xây dựng được thương hiệu cho riêng mình, và tương lai của nông sản Việt sẽ đi về đâu? Với suy nghĩ này anh quyết tâm phải làm thương hiệu cho nông sản.
Trong chuyến công tác ở Nhật vào tháng 9/2012, Trung được một số khách hàng gợi ý làm thương hiệu cà phê đậm đặc, nguyên chất để đáp ứng nhu cầu cho thị trường này. Nhận thấy tiềm năng, về nước anh tập trung sản xuất và xây dựng thương hiệu dành riêng cho người Nhật. Bước đầu, mỗi tháng Trung chỉ mới xuất khẩu được khoảng 5.000 gói cà phê với doanh thu 200 triệu đồng, nhưng anh cho rằng cơ hội phát triển là rất lớn, đặc biệt là việc khuếch trương thương hiệu, bởi sản phẩm được bán chủ yếu trong các siêu thị Nhật.
Nhưng niềm đam mê lớn của Trung bên cạnh những mặt hàng nông sản truyền thống lại là trái ươi, một loại trái cây rừng ít doanh nghiệp nào để ý.
Tháng 3/2014, trong một lần tình cờ theo xe nông sản qua tổng kho bên Trung Quốc, cách cửa khẩu biên giới khoảng gần 1.000km, Trung sửng sốt khi thấy ở đây chứa khoảng 4.000 tấn ươi được bảo quản trong kho lạnh. Tìm hiểu, anh càng ngạc nhiên hơn khi một xe ươi khoảng 1,8 tỷ đồng đem sang Trung Quốc bán lại với mức giá 2 tỷ, tức là chỉ một tuần thu mua ươi, có thể lãi ngay 200 triệu đồng.
"Người Trung Quốc thu mua sản phẩm về sơ chế và đôn giá lên gấp 10 lần. Ở một số điểm du lịch họ còn bán với giá từ 6 đến 10 triệu đồng một kg, trong khi thị trường ươi thô ở Việt Nam giá chỉ 400.000 - 500.000 đồng, lúc được giá cũng chỉ tầm 800.000 đồng một kg", Trung nói.
Qua tìm hiểu, Trung chỉ biết công dụng của ươi là mát, thanh nhiệt. Còn phía Trung Quốc lại nghiên cứu khá kỹ về sản phẩm này vì coi đây là loại thảo dược quý, chữa được nhiều bệnh, chỉ mọc được ở khu vực Đông Nam Á, nhất là ở dãy Trường Sơn với khí hậu nóng, ẩm. Sau khi tính toán, anh quyết định phải đầu tư xây dựng thương hiệu cho ươi Việt Nam. Đến tháng 2/2015, thương hiệu "Uơi vàng" được chính thức tung ra thị trường.
Để đảm bảo về chất lượng cũng như giá cả, Trung vào tận những cánh rừng ươi ở dãy Trường Sơn và một số khu vực ở Tây Nguyên để thu mua. Vì là loại cây thuộc quản lý của ngành lâm nghiệp, muốn thu mua, vận chuyển anh phải có giấy phép của kiểm lâm. Trung cho biết, ươi là loại cây phải đủ 60 năm tuổi mới có trái, và phải cách 4 năm mới cho trái một lần nên anh thường mua dự trữ để đảm bảo số lượng sản phẩm cung ứng ra thị trường.
Trái ươi sau khi thu mua được phân loại, tiệt trùng và đóng gói thành những combo để khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn. Hiện nay, Trung đang xây dựng một nhà máy với vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng và trong thời gian tới cho ra một sản phẩm thức uống giải khát được làm từ loại trái cây này. Ngoài ra, vì đây là một loại thảo dược thiên nhiên có rất nhiều công dụng, anh muốn phát triển sản phẩm hướng đến đối tượng là những người mắc bệnh tiểu đường, gai cột sống…
Trung cho biết, vì là doanh nghiệp đầu tiên xây dựng thương hiệu cho ươi Việt Nam nên gặp không ít khó khăn do chưa nhiều người biết đến sản phẩm này. Hiện thị trường Hà Nội chiếm 80% thị phần do ươi khá quen thuộc với người miền Bắc. Mặc dù doanh thu từ sản phẩm này chưa nhiều, chỉ đạt 50-70 triệu đồng một tháng, nhưng Trung vẫn muốn theo đuổi và đầu tư hơn nữa để phát triển thương hiệu ươi của người Việt thay vì chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc.
Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Hân, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Ngãi cho biết, cây ươi chỉ mọc chủ yếu ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Vào mỗi mùa thu hoạch, người dân thường trải bạt dưới gốc rồi leo lên rung cành, nhánh để trái già rơi xuống. Tùy theo thổ nhưỡng từng vùng mà cây ra quả theo mùa khác nhau, thời gian thu hoạch tối đa khoảng một tháng vào mùa khô. Nếu không thu hoạch kịp thì mùa mưa quả ươi gặp nước nở bung ra rơi xuống đất.
“Mỗi kg hạt ươi tươi bán tại rừng khoảng 50.000 đồng, còn hạt ươi khô có giá hơn 200.000 đồng. Các thương lái thường thu mua quả ươi bán cho các tiệm thuốc đông y”, ông Hân nói.
Theo ông Hân, do đặc thù cây ươi đủ độ tuổi bốn năm mới ra trái một lần nên doanh nghiệp nào muốn mở nhà máy chế biến loại quả này thì cần quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu mới hoạt động ổn định, lâu dài.
Bác sĩ Lê Quang Quỳnh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Quảng Ngãi cho hay, quả ươi dùng chữa trị các trường hợp bị đau họng, ho khan, chảy máu cam, khàn tiếng, mất tiếng, hạ đường huyết, thanh nhiệt, họng sưng đỏ và đau. Cách dùng thường là ngâm quả vào nước sôi cho nở ra rồi dùng.
Diễm Phạm - Trí Tín