Theo báo cáo tài chính VNG vừa công bố báo, doanh thu thuần năm 2020 đạt hơn 6.024 tỷ đồng, tăng 16,3%, tương đương 846 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với năm 2019, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt giảm 40% và 57%, tương đương 255 tỷ đồng và 261 tỷ đồng.
Dù lỗ, kết quả này vẫn được xem là nỗ lực đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều mảng kinh doanh cốt lõi của VNG chịu ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19. VNG đang đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ cho các dự án cần vốn như ZaloPay và Trung tâm dữ liệu, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021.
Theo dữ liệu từ App Annie, năm 2020, ZaloPay xếp hạng trong số 10 ứng dụng thanh toán hàng đầu tại Việt Nam, cả về lượt tải xuống và người dùng hoạt động hàng tháng. Đối thủ cạnh tranh trực tiếp của công ty là MoMo và ViettelPay. Để thúc đẩy mảng thanh toán điện tử VNG đổ thêm tiền vào ZaloPay, làm khoản lỗ tăng từ khoảng 1,1 triệu USD trong năm 2016 lên 12 triệu USD trong nửa đầu năm 2020.
Cùng thời điểm, kỳ lân này cũng tích cực đầu tư vào các công ty khởi nghiệp khác. VNG đã rót 3,4 triệu USD vào startup logistics công nghệ Ecotruck (tương đương 20% cổ phần) và 6 triệu USD (30% cổ phần) vào Got It hồi đầu tháng 3. VNG cũng sở hữu 22% cổ phần trong công ty thương mại điện tử Tiki.
Trong năm nay, VNG cho biết sẽ tiếp tục tập trung vào các hoạt động kinh doanh cốt lõi và mở rộng bộ phận phát hành game ra nước ngoài. Trong một cuộc phỏng vấn trước đó với Tech in Asia, Kelly Wong, Phó chủ tịch phụ trách hoạt động của VNG tiết lộ công ty muốn tăng cường phủ sóng ở Đông Nam Á và dọn đường đến các thị trường tiềm năng ở Mỹ Latinh.
Đi lên từ cái tên VinaGame, VNG nhanh chóng vươn lên trở thành startup kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam và được định giá khoảng 2,2 tỷ USD. Bên cạnh mảng trò chơi trực tuyến (game) các dịch vụ kỹ thuật số của công ty còn trải dài trên nhiều lĩnh vực bao gồm mạng xã hội (Zalo), truyền thông trực tuyến (Zing News), dịch vụ tài chính (ZaloPay) và dịch vụ đám mây (VNG Cloud).
Thành Dương (theo TechInAsia)