Hủy
Tin tức Thứ hai, 11/7/2022, 17:43 (GMT+7)

Startup của Xuân Trường gọi vốn 7 tỷ đồng

IRC, startup về dịch vụ phục hồi chấn thương thể thao do cầu thủ Xuân Trường đồng sáng lập, đã gọi vốn được 7 tỷ đồng.

Đây là kết quả sau vòng gọi vốn trên chương trình Shark Tank Việt Nam, được công bố hôm 10/7. Theo đó, IRC nhận sẽ nhận đầu tư, đổi lấy 15% cổ phần với doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên, hay Shark Liên. Việc đầu tư cuối cùng phụ thuộc vào quá trình "due diligence", tức thẩm định chuyên sâu về hoạt động của dự án. Điều này có nghĩa startup hiện được định giá khoảng 40 tỷ đồng. Nếu thương vụ thành công, giá trị sẽ nâng lên 47 tỷ đồng (khoảng 2 triệu USD).

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, đồng sáng lập và giám đốc điều hành IRC, công ty đã gặp phía Shark Liên vào sáng nay, ngay sau khi chương trình được phát sóng. Kết quả của cuộc gặp hiện chưa được công bố.

Xuân Trường (trái) cạnh Shark Liên (giữa) và CEO Nguyễn Việt Hùng (phải). Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Xuân Trường (trái) cạnh Shark Liên (giữa) và CEO Nguyễn Việt Hùng (phải). Ảnh: Shark Tank Việt Nam

Ý tưởng từ việc ám ảnh với chấn thương của đồng đội

Trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế IRC là công ty khởi nghiệp do cầu thủ Xuân Trường cùng hai người khác đồng sáng lập và bắt đầu đi vào hoạt động từ tháng 3/2021. Tiền vệ đội tuyển quốc gia Việt Nam cho biết, ý tưởng xuất phát từ chính những lần chứng kiến đồng đội và các vận động viên tại Việt Nam gặp chấn thương, sau đó phải ra nước ngoài chữa trị và phục hồi.

"Tôi ám ảnh khi chứng kiến người đồng đội ăn ý của mình là Tuấn Anh, khi bạn phải sang Thái Lan phẫu thuật chấn thương đứt dây chằng chéo trước, sau đó sang Pháp một mình để tập phục hồi khi mới 16, 17 tuổi. Nhiều vận động viên ở các bộ môn khác cũng đã phải giải nghệ khi đang ở đỉnh cao sự nghiệp", anh kể trong chương trình. "Không có gì tồi tệ hơn khi mình có đam mê, nhưng khả năng thực hiện đam mê đó lại không còn".

Bản thân Trường cũng từng gặp chấn thương dây chằng chéo trước năm 2019, ngay trước vòng loại World Cup 2022. Tiền vệ này sau đó sang Hàn Quốc điều trị. Theo anh, các các vận động viên Việt Nam chỉ có ra nước ngoài mới có hy vọng trở lại phong độ như trước khi chấn thương. "Suốt thời gian ở Hàn Quốc, câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi là tại sao không phải Việt Nam mà lại phải đến một nước khác", anh nói.

Một thống kê không chính thức được Xuân Trường chia sẻ là ở các bệnh viện tại Hà Nội và TP HCM, mỗi năm có khoảng 500-1.000 ca phẫu thuật riêng cho dây chằng, chưa tính bệnh lý cơ xương khớp. Các bệnh nhân sau khi phẫu thuật sẽ được đưa giáo án để về nhà tự luyện tập, khám lại sau 3-6 tháng. Việc này tiềm ẩn một số rủi ro như người bệnh tập không đúng cách, không có ai kiểm chứng, có thể gặp vấn đề khi tập luyện mà bác sĩ không trực tiếp biết để xử lý.

"Đó là lý do thôi thúc tôi quyết tâm trở về sau khi điều trị phải có một trung tâm phục hồi chấn thương thể thao cho người Việt", Trường nói.

Startup phục vụ hàng trăm người chấn thương

Theo CEO Nguyễn Việt Hùng, một trong những điểm khác biệt của IRC so với các dịch vụ khác là khả năng phục hồi cho cả các vận động viên chuyên nghiệp, thể thao phong trào, bên cạnh những người gặp bệnh lý xương khớp khác.

Theo ông Hùng, một thách thức của startup này là lĩnh vực y học thể thao còn mới tại Việt Nam và không có trường đại học nào đào tạo chuyên sâu. Để làm được, nhóm đã thuê đội ngũ chuyên gia y học thể thao đào tạo. Startup IRC được thai nghén từ tháng 5/2020, nhưng cần gần một năm để chuẩn bị nhân sự trước khi ra đời. Công ty hiện cung cấp các dịch vụ như phục hồi chấn thương, phòng tránh chấn thương, cùng các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng và tâm lý.

Ông Việt Hùng cho biết IRC hiện có khoảng 11 nhân sự, bên cạnh ban lãnh đạo. Trong số này, có 6 bác sĩ chuyên môn. Mỗi ngày, dự án có thể phục vụ khoảng 30 lượt khách hàng.

Sau một năm vận hành, đến tháng 4/2021, IRC thu hút hơn 340 khách hàng, 18% là các vận động viên chuyên nghiệp. Nhiều vận động viên quốc gia thuộc các môn như bóng đá, bóng chuyền,... đã trở thành khách hàng của công ty. Dự án này sắp mở thêm một cơ sở tại TP HCM, bên cạnh cơ sở hiện tại ở Hà Nội.

Doanh nhân Nguyễn Thành Hưng, một trong những nhà đầu tư tại Shark Tank, đánh giá lợi thế của IRC là kinh nghiệm của Xuân Trường vì là người chơi thể thao, sẽ hiểu khách hàng của mình cần gì".

Shark Liên, người đồng ý đầu tư vào IRC, cho biết bà thích dự án bởi từng phải đưa người thân ra nước ngoài điều trị chấn thương dây chằng. Ngoài ra, hệ sinh thái về bảo hiểm của doanh nhân này được cho là sẽ phù hợp với sản phẩm do Trường và đội ngũ phát triển.

Tại chương trình, Xuân Trường cũng cho biết anh "bị chấn thương nhiều hơn nên trải nghiệm nhiều hơn" mọi người, đồng thời đã trực tiếp làm việc với các chuyên gia châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và hiểu chuyên gia nào sẽ phù hợp.

"Về chuyên môn, dự án hiện có chuyên gia người nước ngoài vừa làm vừa đào tạo. Ước mơ của chúng tôi là sẽ có những chuyên gia người Việt trong lĩnh vực này", Trường nói.

Lưu Quý

Từ ngày 13/6 đến 22/7, VnExpress mở cổng tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi Startup Việt 2022.

Startup Việt là cuộc thi thường niên do VnExpress tổ chức nhằm tìm kiếm các công ty, dự án khởi nghiệp tiềm năng tại Việt Nam. Trong lần thứ sáu tổ chức, chương trình mang chủ đề "Kỷ nguyên sáng tạo - The New Era of Innovation".