Hủy
Góc chuyên gia Thứ ba, 13/10/2015, 14:02 (GMT+7)

Cách đối diện với thất bại khi khởi nghiệp

Trục trặc gia đình, lợi nhuận không như kỳ vọng đều có thể dẫn đến thất bại trong lần đầu khởi nghiệp, song đó không phải lý do khiến bạn từ bỏ.

Bắt đầu khởi nghiệp từ 2007 bằng việc mở một công ty nhỏ thuộc lĩnh vực xây dựng khi đó, anh Nguyễn Minh (TP HCM) tròn 30 tuổi. Những năm đầu mọi việc tương đối suôn sẻ, công ty phát triển khá tốt với mức lợi nhuận tiền tỷ. Sau 8 năm, khi chuyện làm ăn khó khăn, anh bắt đầu lún sâu vào những khoản nợ của chủ đầu tư ở các dự án đang làm, trong khi với các đối tác đầu vào không thể khất nợ thêm.

Anh Minh rơi vào tình cảnh "khóc dở, mếu dở" khi vừa là con nợ, vừa là chủ nợ. Anh phải ngày đêm chạy vạy tiền để lo trả người ta, trong khi với vai trò là chủ nợ, vị giám đốc này không dám đòi vì nghĩ rằng dù sao đó cũng là những doanh nghiệp làm ăn chung nên không thể đối xử kiểu "cạn tàu ráo máng". Do vậy, việc thu hồi nợ của anh thêm phần khó khăn khi một số doanh nghiệp bắt đầu phá sản, dẫn đến anh gần như mất trắng phần lớn số nợ lên đến vài tỷ đồng.

Anh loay hoay rồi bế tắc mà không biết phải làm gì. Được người thân chung tay giải quyết nhưng cũng chỉ được một phần vì khoản nợ đã lên đến gần 10 tỷ đồng. Hết cách, anh quyết định đi gặp các chủ nợ, khoanh vùng, đồng thời đưa ra lộ trình trả.

Nhưng sóng gió vẫn không ngừng ập đến, khi việc làm ăn đã khó khăn, gia đình nhỏ của anh lại bắt đầu lục đục. Tuy nhiên, vì con cái, gia đình và vì những gì mọi người đã giúp nên với vai trò người chồng, anh quyết định nhẫn nhịn để gìn giữ yên ổn.

Hai năm qua, anh đã trang trải được phần lớn nợ nần, công việc cũng khá dần lên. Gia đình anh sau khi trải qua bao sóng gió giờ đã êm ấm và vẹn toàn trở lại. Lúc này, anh vừa nhận được một dự án tương đối lớn. Nếu thực hiện, anh Minh sẽ ký được thêm với chính đối tác này một dự án tương tự. Theo anh, đó cũng là cơ hội giúp anh giải quyết xong nợ nần và làm bàn đạp để lấy lại những gì đã mất thời gian qua.

Không may mắn như anh Minh là giữ được gia đình, anh Nguyễn Trung Thành (Hải Dương) chấp nhận để gia đình ly tán sau khi số tiền 200 triệu đồng đầu tư cho dự án rau sạch trôi theo dòng lũ.

Đầu năm 2007, khi đang là nhân viên một công ty xây dựng tại Tây Nam bộ, nhận thấy nhu cầu về rau an toàn bắt đầu manh nha trên thị trường, anh Thành đã nghỉ việc để chuyên tâm sản xuất kinh doanh. Dùng toàn bộ 200 triệu đồng tích cóp của hai vợ chồng và một phần vốn vay từ người thân, anh thuê 4,5 ha đất và đầu tư quy trình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap. Mọi thứ đã diễn ra rất suôn sẻ, sau gần 2 năm hoạt động sản xuất kinh doanh đi vào ổn định, bắt đầu cho lợi nhuận.

cach-doi-dien-voi-that-bai-khi-khoi-nghiep

Với không ít start-up, đi cùng với dự án thất bại là sự tan vỡ trong hôn nhân.

Nhưng chỉ sau một đêm lũ tràn về, toàn bộ khu trồng rau bị ngập trắng. Tâm huyết, tiền bạc, công sức không cứu vãn được gì ngoài một phần diện tích trồng rau mầm không bị ngập, anh chỉ còn biết trông chờ doanh thu vào số lượng rau ít ỏi của phần diện tích này.

Thực tế khi đó, nhiều người chưa quen sử dụng rau mầm nên sức tiêu trên thị trường khá hạn chế. Để cơ sở có thể cầm cự, anh tìm cách mở rộng thị trường rau mầm ra Hà Nội. Để lại vợ con trong Nam, một mình anh ra Bắc dò dẫm tìm kiếm thị trường, vừa sản xuất, kinh doanh. Song với chi phí đầu tư hạn hẹp, sản phẩm rau mầm không được quảng bá rộng rãi, nên dù chất lượng tốt rau vẫn không thể vào các siêu thị.

Vài tháng sau, đúng lúc sản phẩm rau mầm của anh cũng bắt đầu có chỗ đứng tại miền Bắc, thì gia đình trong Nam lại gặp trục trặc. Anh phải bỏ dở hết để quay vào Nam. Không thể tìm được đối tác tin cậy, am hiểu sản phẩm để giao phó, anh đành để dự án rau sạch phá sản. Mất vốn, thất nghiệp, gia đình trước nguy cơ ly tán... anh thú nhận khi đó đã triền miên trong bia rượu, tuyệt vọng suốt mấy tháng liền.

Một thời gian sau, anh quyết định thay đổi môi trường sống và chuyển hẳn về Hà Nội khi xin được việc tại một công ty FDI với vị trí trưởng phòng nhân sự. Lúc này anh bắt đầu có ý tưởng về một ngân hàng hồ sơ ứng tuyển trực tuyến mới mẻ. Song do khó khăn về tài chính, khi các khoản nợ của lần thất bại đầu tiên vẫn chưa được trả hết nên anh ấp ủ trong lòng. Giấc mơ về một CVbank, khát khao tiếp tục khởi nghiệp được anh nuôi dưỡng trong suốt 5 năm. Tháng 10 năm ngoái, sau khi hoàn thành số nợ cũ và tiết kiệm được một khoản vốn anh quyết định khởi nghiệp lần thứ hai. Đến nay, sau một năm vận hành, dự án của anh đã thu hút hơn 45.000 hồ sơ chất lượng cao, đồng thời, hiện có 3 nhà đầu tư muốn rót vốn.

Khi khó khăn, anh Dương Quốc Việt ( Hà Nội) thậm chí vẫn được vợ ủng hộ bằng cách dành tiền lương để trang trải nợ nần, song xưởng kính nghệ thuật của anh vẫn trước nguy cơ đóng cửa vì sai lầm của anh là chọn nhầm thời điểm kinh doanh.

Anh kể, sau một thời gian mở xưởng, đơn hàng thưa thớt dần và liên tiếp nhiều tháng xưởng không có bất kỳ một đơn hàng mới. Khi quay lại tìm hiểu anh mới biết sai lầm lớn nhất khi quyết định kinh doanh là không chọn thời điểm đúng. Năm 2007-2008 nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng tiền tệ, Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, phần lớn người tiêu dùng chưa hiểu hết những lợi thế của sản phẩm tranh kính, nên xưởng rơi vào tình trạng không có doanh thu triền miên.

Không muốn đam mê, tâm huyết của mình phải dang dở khi mới chỉ bắt đầu, anh vay mượn thêm từ nhiều nguồn để trả lương công nhân chỉ nhằm tập trung nghiên cứu các sản phẩm mới, hoàn thiện hơn về thẩm mỹ. Thậm chí, đến lúc không còn ai để vay, anh phải dùng cả những đồng lương ít ỏi của vợ để cầm cự duy trì xưởng. Giữa năm 2008, khi đã cố gắng hết khả năng, anh buộc phải cho công nhân nghỉ việc, song vẫn giữ lại máy móc, thiết bị và chuyển xưởng đến khu vực khác.

Sau một đêm trời mưa rất to, xưởng bị ngập toàn bộ, một mình mình loay hoay để che chắn thiết bị, giữ nguyên vật liệu làm tranh không bị ướt. Lúc đó anh Việt thật sự thất vọng về bản thân. Thức trắng cả đêm để suy nghĩ lại về con đường khởi nghiệp của mình, vị giám đốc trẻ kịp chấn tỉnh và quyết tâm phải tìm mọi cách để xưởng hoạt động trở lại. Anh tiếp tục nhận ra thêm thiếu sót của mình, đó là dành quá nhiều thời gian để tạo dựng quy mô xưởng mà không tính đến việc marketing, quảng bá sảm phẩm. Nỗ lực từng bước, lúc này xưởng của anh đã tái khởi động và cho doanh thu trên dưới 200 triệu đồng mỗi tháng.

Câu chuyện thất bại anh Lê Quốc Kiên (TP HCM) được cho là bài học cực kỳ "đắt giá" khi trong lúc công việc tốt, tổng thu nhập lên tới 60 triệu đồng mỗi tháng cùng cơ hội thăng tiến thì hai vợ chồng anh vẫn từ bỏ quyết định khởi nghiệp bằng mô hình kinh doanh đồ ăn vặt. Dù  liên tiếp thua lỗ suốt 2 năm song hai vợ chồng vẫn cố gắng duy trì.

Anh Kiên kể, từ thói quen ăn vặt của đa số nhân viên giới căn văn phòng trong khoảng thời gian14h-17h chiều, anh cùng vợ quyết định bỏ việc cùng nhau dốc toàn lực để thực hiện ý tưởng này với kỳ vọng sẽ là người tiên phong thành công trong việc cung cấp các bữa ăn vặt cho dân văn phòng vào khoảng thời gian xế.

Dù khá cẩn trọng trong lần kinh doanh đầu tiên, song kết quả mà hai vợ chồng thu được quá thất vọng, doanh thu trung bình chỉ được 500.000 đồng cho 4-5 đơn hàng, trong khi chi phí nhân công là11 triệu đồng. Thức ăn ế bị hủy liên tục làm đội chi phí lên cao. Đáng buồn là 90% khách hàng một ăn không trở lại, trong khi nhân viên thay đổi liên tục, hiệu quả làm việc cực kỳ kém.

Rút kinh nghiệm và quyết tâm làm lại, vợ chồng quyết định thuê một mặt bằng ở tuyển thêm nhân sự. Tổng tiền lương là 22 triệu đồng mỗi tháng. Sau một thời gian, sơ kết lại, hoạt động kinh doanh lần hai có vẻ có tốt hơn, doanh thu trung bình mỗi ngày 2,5 triệu đồng cho 15-20 đơn hàng. Anh tập trung đa dạng thực đơn. giao hàng, cải thiện cách bảo quản món ăn...Quyết bung hết sức cho lần làm lại thứ ba, bắt đầu từ đầu năm nay, anh mở thêm chi nhánh lớn hơn. Riêng tiền thuê mặt bằng và trả lương nhân viên mỗi tháng lên tới 93 triệu đồng. 

Tuy nhiên, sau đó tổng kết lại, hai vợ chồng anh vẫn thiệt hại 150 triệu trên tổng số 300 triệu đồng đầu tư lần ba.Lúc này, anh thấy cần có đối tác cùng làm để san sẻ công việc, tài chính và ủng hộ tinh thần. Ngoài cần thêm nhân sự quản trị tốt hệ thống và có thời gian đầu tư cho truyền thông và phát triển chiến lược.

Tuy nhiên, anh cho biết dù khó khăn tài chính vẫn đè nặng song như điều đó như một phép thử tinh thần và bản lĩnh của mình. Nhờ vậy, anh vững vàng dần vượt qua được các áp lực, thử thách. "Đích của con đường đang đi có vẻ đúng. Vấn đề là cách vượt qua ổ gà, xe cộ và các vật cản khác để đến đích", anh chia sẻ.

Báo cáo Chỉ số khởi nghiệp Việt Nam 2014 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)  thực hiện cho thấy tại Việt Nam, tỷ lệ người trưởng thành từ bỏ hoạt động kinh doanh năm qua là 3,6%-thấp hơn mức 4,3% của năm 2013. Trong đó có 1,6% hoạt động kinh doanh đã phải chấm dứt và 2% hoạt động kinh doanh vẫn tiếp tục hoạt động. So với mức bình quân của các nước ở cùng trình độ phát triển, theo báo cáo tỷ lệ này của Việt Nam đều thấp hơn nhiều.

Trong khi đó, chỉ số lo sợ thất bại của start-upViệt Nam là 50,1%, giảm so với mức 56,7% của năm 2013. Điều này cho thấy những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ đã giúp dần lấy lại lòng tin của người làm kinh doanh. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ở các quốc gia càng phát triển, người dân càng cẩn thận hơn khi tham gia vào kinh doanh, chính vì vậy sự lo sợ thất bại gây cản trở nhiều hơn ở các nước này.

Theo ông Lương Minh Huân, Viện phó Viện phát triển Doanh nghiệp VCCI, khi xem xét về nguyên do từ bỏ kinh doanh, có ba  lý do chính được người Việt Nam đề cập nhiều là vấn đề cá nhân, tài chính và gặp sự cố. "Trong đó, không có lợi nhuận và trục trặc cá nhân là hai nguyên nhân chính khiến dự án thất bại ngay từ lần khởi nghiệp đầu tiên. Song, tỷ lệ từ bỏ kinh doanh tại Việt Nam vẫn ở mức thấp so với nhiều quốc gia cho thấy sự dẻo dai kiên trì của các start-up Việt", vị này nhận xét.

Thành Tâm