Buổi tọa đàm trực tuyến "Rủi ro bong bóng khởi nghiệp Việt Nam", diễn ra lúc 19h ngày 16/5 trên VnExpress và Fanpage VnExpress. Dự sự kiện có ông Trần Bằng Việt - Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu tại Việt Nam (JCI Vietnam), đồng thời là một trong những chuyên gia tư vấn khởi nghiệp. Phía nhà đầu tư có sự xuất hiện của bà Huỳnh Thanh Bình Minh - Giám đốc Quỹ đầu tư TAEL Partners và bà Lê Diệp Kiều Trang (Christy Lê) - Sáng lập Alabaster, quỹ đầu tư vào các công ty xây dựng giải pháp ưu việt cho các vấn đề toàn cầu.
"Gót chân Asin" của hệ sinh thái
Bà Huỳnh Thanh Bình Minh nhận định, startup chính là những đơn vị tiên phong chứng thực các mô hình kinh doanh mới. Để làm điều này họ cần thời gian thuyết phục khách hàng sử dụng sản phẩm. Vì thế hầu hết đều tập trung lấy người dùng làm trung tâm, xem đó như chỉ số đánh giá tạo nên giá trị của startup. Nếu muốn mở rộng tệp khách hàng, doanh nghiệp phải có dòng tiền lớn, nhưng khủng hoảng xảy ra, startup nào không còn dòng tiền thì phải hy sinh đầu tiên. Bà cho rằng đây không phải là lỗi của các công ty khởi nghiệp mà có thể đến từ nhận định sai lầm từ mô hình kinh doanh.
Đồng ý với quan điểm trên, bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng trong nền kinh tế chia sẻ startup "bơm tiền" thu hút người dùng bằng ưu đãi sẽ chiếm ưu thế. Tuy nhiên chỉ cần ngưng lại, khách hàng sẽ nhanh chóng rời bỏ để theo các doanh nghiệp khác có giá thấp hơn. Nhà sáng lập Alabaster nhận xét, dựa vào người dùng không sai, nhưng nếu công ty không tạo ra sự khác biệt để giữ chân thì cũng sẽ thất bại.
Với khía cạnh là chuyên gia tư vấn khởi nghiệp, ông Trần Bằng Việt đánh giá startup Việt vẫn chưa thực sự tạo giá trị cho môi trường xung quanh mình, chưa định hình sản phẩm mà đã lo những gì rất xa như phát triển hệ sinh thái, tăng cường số người dùng...
"Tập trung vào số lượng người dùng để làm gì khi chất lượng của tệp khách hàng này không tạo giá trị cho doanh nghiệp", ông Việt nói.
Chủ tịch JCI Vietnam nhận định, mấu chốt vấn đề không nằm ở chỗ startup có phải công nghệ hay không mà xoay về yếu tố cốt lõi là giải quyết bài toán của thị trường. Lời giải tốt thì khách hàng sẵn lòng trích tiền để trả dù trực tiếp hay gián tiếp.
Startup vẫn còn nhiều tiềm năng
Báo cáo bức tranh khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019, Việt Nam đang đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về số lượng nhà khởi nghiệp với hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Xét về giá trị đầu tư thì hơn 800 triệu USD đã rót vào, đứng thứ 6 tại khu vực ASEAN.
Đây cũng chính là lý do bà Lê Diệp Kiều Trang cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội. Theo bà, nước ta đang có hơn 100 triệu dân với trình độ sử dụng Internet, khả năng sáng tạo không thua kém các nước trong khu vực. Nhất là khi đợt dịch vừa qua, Việt Nam đã quản lý tốt và đang quay trở lại hoạt động bình thường, trong khi các nước vẫn còn đang loay hoay. Đây sẽ là bàn đạp thúc đẩy các startup Việt vươn lên nếu tận dụng cơ hội và giải quyết được nhu cầu các tệp khách hàng mới.
Là người đúng đầu quỹ đầu tư TAEL Partners, bà Huỳnh Thanh Bình Minh thấy tín hiệu lạc quan của các nhà đầu tư vào Việt Nam vẫn còn rất nhiều. Những mô hình kinh doanh kết hợp các yếu tố nền tảng thì vẫn thu hút nguồn vốn. Điều các startup cần làm bây giờ là làm sao để giải quyết nhu cầu của hơn 100 triệu người dùng Việt. "Hãy cho nhà đầu tư thấy bạn đang làm được gì cho khách hàng" là lời khuyên bà đưa ra cho các nhà sáng lập.
"Đừng mơ mộng ở đâu xa quá" là chia sẻ của Chủ tịch Liên đoàn các nhà lãnh đạo và doanh nhân trẻ toàn cầu tại Việt Nam dành cho các công ty khởi nghiệp. Ông cho rằng xung quanh hệ sinh thái vẫn còn rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Hãy xem người dùng, môi trường đang có vấn đề gì và chính bản thân startup đang có lợi thế như thế nào trong việc sử dụng công nghệ để giải quyết chúng trước khi bắt tay vào làm.
Ngoài ra, ông đưa ra lời khuyên các nhà sáng lập không nên tham tệp khách hàng quá lớn mà cần quan tâm đến chất lượng người dùng để tạo giá trị cho cả họ và chính bản thân doanh nghiệp. Tập trung làm tốt khởi đầu trước khi mở rộng để đảm bảo sự an toàn cho startup".
Dưới góc độ một nhà đầu tư và cũng là nhà sáng lập, bà Kiều Trang nhận xét thị trường khởi nghiệp Việt vẫn còn sơ khai nên các nhà sáng lập chớ nản lòng vì những thất bại của đàn anh đi trước. Người làm chủ cần phải theo dõi thị trường nhưng đừng để điều đó thay đổi ý chí và quyết tâm của mình. Các startup cần tạo ra giải pháp, sản phẩm nhiều hàm lượng chất xám để tạo sự khác biệt và đưa doanh nghiệp đi xa nhất, mặc cho thị trường có biến đổi.
Hiền Trang