Hủy
Góc chuyên gia Thứ ba, 21/4/2020, 00:00 (GMT+7)

'Startup đừng nghĩ mình có thể tìm ra giải pháp cho cả thị trường'

Để thành công startup cần tìm giải pháp cho phân khúc khách hàng cụ thể, đừng quá mơ mộng mình đủ khả năng bao quát cả thị trường, theo đại diện Founder Institute. 

Không có công thức đảm bảo cho startup thành công 100%, tuy nhiên nếu muốn vượt qua giai đoạn đầu khởi nghiệp vẫn cần thực hiện đúng một số nguyên tắc nhất định. Nhà sáng lập không chỉ tạo ra điểm khác biệt so với các đối thủ mà còn phải biết ưu tiên nhiệm vụ một cách khôn ngoan để doanh nghiệp có thể đi nhanh, tiến mạnh và dẫn đầu. 

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, startup có ưu thế về sự đơn giản trong mô hình kinh doanh, tư duy năng động và đội ngũ nhân sự nhiệt huyết. Đây chính là động lực giúp công ty khởi nghiệp với tâm thế "không có gì để mất" di chuyển nhanh chóng mà nhiều tập đoàn lớn không thể có.  

Jonathan Greechan - đồng sáng lập của Founder Institute (tổ chức cung cấp công cụ tăng tốc khởi nghiệp giai đoạn tiền hạt giống hàng đầu thế giới) nhận định, công ty lớn có những ưu điểm nhất định về nguồn lực và ngân sách khổng lồ. Nhưng họ lại cũng có nhược điểm đi kèm chính là sự cồng kềnh trong bộ máy.

Do vậy khi bắt tay khởi nghiệp, nếu startup tập trung vào điểm mấu chốt hay yếu tố cốt lõi của mình thì tỷ lệ thành công cao. Cụ thể, họ cần phải đưa ra chiến lược giải quyết cho một vấn đề, một khách hàng, một sản phẩm. Giải pháp phải có khả năng "sát thủ" hơn những doanh nghiệp cạnh tranh trong cùng phân khúc, tạo doanh thu từ những điều tưởng như đơn giản. 

Theo ông Jonathan, thực tế mọi người không mua sản phẩm mà họ mua giải pháp cho các vấn đề. Vì vậy startup không thể hy vọng giải quyết tất cả vấn đề cho toàn thị trường. Đối với một công ty khởi nghiệp, cơ hội thường tập trung hẹp vào một vấn đề cụ thể và xây dựng giải pháp cho nó. Đây được xem là phương pháp tìm ra thị trường ngách, nơi tạo ra sự chuyên biệt để làm "bàn đạp" dẫn đầu thị trường.

Jonathan Greechan cho rằng đây là lợi thế của doanh nghiệp là có khả năng giải quyết một vấn đề cho một đối tượng cụ thể, xác định rõ các trở ngại. Sau đó, họ có thể phát triển sang những ngách lớn hơn khi cộng đồng khách hàng trung thành ngày càng nhiều. 

"Đừng cố gắng để đun sôi đại dương ngay khi ra mắt với một sản phẩm đại chúng. Tất nhiên, trừ khi bạn nghĩ rằng cạnh tranh với các công ty lớn trên một sân chơi bình đẳng là một chiến lược tốt", ông Jonathan nhấn mạnh.

Ông Jonathan Greechan, nhà đồng sáng lập của Founder Institute - tổ chức cung cấp công cụ tăng tốc khởi nghiệp giai đoạn tiền hạt giống hàng đầu thế giới trong một buổi hội thảo. Ảnh: 150sec.com.

Ông Jonathan Greechan - đồng sáng lập Founder Institute - tổ chức cung cấp công cụ tăng tốc khởi nghiệp giai đoạn tiền hạt giống hàng đầu thế giới trong một buổi hội thảo. Ảnh: 150sec.com.

Điển hình cho sự thành công tâp trung này có thể kể đến Facebook, một startup bắt đầu bằng cách tập trung vào nhóm đối tượng khách hàng tại một ký túc xá của Harvard. Hay Mailchimp - nền tảng tự động hóa tiếp thị của Mỹ sáng lập nên bởi một nhiệm vụ duy nhất là tư vấn thiết kế email cho đối tác. Còn Udemy tập trung cung cấp các khóa học khởi nghiệp cho nhà sáng lập công nghệ ở thung lũng Silicon, Shopify bắt đầu như một kênh mua sắm cho trang web trượt tuyết...

Những nhà sáng lập thành công đều nhận định rằng doanh nghiệp chỉ bám vào một sản phẩm ngay từ đầu là lựa chọn thông minh. Việc cố gắng tạo ra nhiều thứ cùng lúc sẽ rút cạn tài nguyên quan trọng (nhân lực, nguồn vốn...), sao lãng cả quá trình hoàn thiện của sản phẩm cốt lõi. 

Không chỉ ưu tiên vào giải pháp duy nhất, startup cũng cần phải đảm bảo sản phẩm mình đưa ra phải mang tính "sát thủ", vượt xa đối thủ khác trên thị trường. Từ nền tảng này mới sử dụng những phản hồi của khách hàng để thêm tính năng mới và mở rộng phạm vi. Bên cạnh đó startup cần chú trọng tạo doanh thu từ quy trình đơn giản, chỉ cần thực hiện một bước đã có tiền thu về, dễ dàng duy trì hoạt động vào tạo nền tảng phát triển.